Ngày 30/9/2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, thay thế quyết định 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư 133 ra đời với mục tiêu mang lại tính khả thi cao áp dụng trong thực tế doanh nghiệp, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp và tách bạch giữa kế toán và thuế, tách kỹ thuật ghi chép trên sổ kế toán và kỹ thuật trình bày Báo cáo tài chính, hướng đến việc tiếp cận thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu đối tượng áp dụng, các nguyên tắc và những điểm khác biệt của thông tư 133 so với quyết định 48.
Đối tượng áp dụng thông tư 133 áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên tắc áp dụng của thông tư 133, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của các tài khoản kế toán quy định tại thông tư này để phản ánh và hạch toán các giao dịch kinh tế phát sinh phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị.
Trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng theo quy định Điều 2 Thông tư này thì được áp dụng Thông tư này cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp.
So với quyết định 48, thông tư 133 có những điểm khác biệt sau:
1. Đối với hệ thống chứng từ: Các doanh nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị nhưng phải đảm bảo cung cấp những quy định của pháp luật về kế toán.
2. Đối với hệ thống sổ kế toán: Tất cả các biểu mẫu Sổ kế toán (kể cả các Sổ cái, Sổ Nhật ký) đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc). Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Pháp luật về Kế toán. Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu, sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.
Như vậy, theo thông tư 133, doanh nghiệp được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán phù hợp với quy định.
3. Đối với hệ thống tài khoản:
– Trường hợp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi về tên, ký hiệu, nội dung à phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
– Doanh nghiệp có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của Doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ tài chính chấp thuận.
Trong thông tư 133, hệ thống tài khoản không còn phân biệt ngắn hạn và dài hạn, cụ thể: Thông tư 133 dùng TK 229 (Dự phòng tổn thất tài sản) thay thế các TK 129, TK 229, TK 139, TK 159; TK 242 Chi phí trả trước) thay thế cho các TK 142 (Chi phí trả trước ngắn hạn), TK 242 (Chi phí trả trước dài hạn); TK 341 (Vay và nợ thuê tài chính) thay thế cho TK 311, TK 315, TK 3411, TK 3412, TK 342.
Thông tư 133 cũng bỏ đi một số tài khoản cấp 1, cấp 2 và bổ sung một số tài khoản cấp 1 và cấp 2, thay đổi tên tài khoản và thêm một số tài khoản.
4. Nguyên tắc kế toán và bút toán hạch toán:
- Được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí do chế độ quy định.
- Được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn GTGT hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
- Được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận của doanh nghiệp là Nợ phải trả hoặc Vốn chủ sở hữu.
- Chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán.
- Được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy định luân chuyển chứng từ theo doanh nghiệp nhưng luôn phải đảm bảo trình bày đầy đủ trên Báo cáo tài chính.
- Doanh nghiệp được lựa chọn biểu mẫu BCTC theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống.
- Tách bạch giữa kế toán và thuế, cụ thể tách bạch giữa doanh thu, chi phí kế toán và doanh thu, chi phí tính thuế hoặc việc xuất hóa đơn phải đi kèm với việc ghi nhận doanh thu.
- Tách biệt kỹ thuật ghi chép trên sổ kế toán và kỹ thuật trình bày trên BCTC, có thể áp dụng nhiều kỹ thuật kế toán khác nhau (bút toán kế toán có thể khác nhau) nhưng cuối cùng thông tin của các giao dịch tương tự được trình bày trên BCTC phải giống nhau.
5. Đối với Báo cáo tài chính:
- Doanh nghiệp căn cứ biểu mẫu và nội dung của các chỉ tiêu của BCTC theo quy định để chi tiết các chỉ tiêu (có sẵn) của hệ thống BCTC phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, yêu cầu quản lý của từng đơn vị.
- Trường hợp cần bổ sung mới hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của BCTC phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ tài chính trước khi thực hiện.
Trên đây là một số điểm mới của thông tư 133/2016/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi tác giả tham gia khóa học tập huấn về chế độ kế toán mới, hi vọng qua bài viết người đọc có thể nắm bắt được một số điểm chính của thông tư và giúp ích cho người đọc trong học tập và nghiên cứu.