^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chuyển giá - hình thức gian lận thuế chủ yếu của các doanh nghiệp

Thuế là bộ phận quan trọng nhất của Ngân sách Nhà nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, quản lý thu thuế nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau tạo ra sức ép ngày càng tăng đối với nhiệm vụ thu thuế của Nhà nước. Một trong những thách thức lớn đó là việc gian lận thuế của doanh nghiệp qua chuyển giá.

Gian lận là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong Ban quản trị, Ban giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện, bằng các hành vi gian dối để thu lợi một cách bất chính hoặc bất hợp pháp (Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 240).

Hay, gian lận thuế là “hành vi gian lận của các tổ chức và cá nhân được thực hiện trong lĩnh vực thuế, trong đó tồn tại sự cố ý làm sai lệch nghĩa vụ thuế nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn”. 

Chuyển giá được hiểu là "việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu”.

 Tuy nhiên, trên thực tế, chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI), mà nó còn được thực hiện bởi các công ty có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân với nhau.

Như vậy, cần hiểu hành vi chuyển giá theo một nghĩa rộng hơn. Theo đó, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết. Các đối tác liên kết ở đây có thể là: các công ty thành viên trong một công ty đa quốc gia; các công ty hoặc đơn vị thành viên trong một tổng công ty, công ty; các công ty độc lập mà chủ sở hữu của chúng có mối quan hệ đặc biệt, thường là mối quan hệ thân nhân.

Cơ sở cho việc chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế. Do vậy, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn. Quyền này được pháp luật về kinh doanh của mọi quốc gia thừa nhận, nó chỉ bị hạn chế bởi các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn như pháp luật về cạnh tranh, về thương mại hoặc chính bởi những điều luật về định giá chuyển giao.

Động cơ của hành vi chuyển giá, không gì khác, chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh xét trên phương diện tổng thể. Việc xác định giá giao dịch giữa các thành viên của các bên liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại. Chẳng hạn như, công ty B và C đều là công ty con của tập đoàn A. Công ty B áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Công ty C kinh doanh ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn nên được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Khi B cung cấp vật tư cho C với giá thấp hơn giá thị trường giao dịch sòng phẳng thì làm cho lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của B giảm đi, còn lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của C tăng lên tương ứng. Phần lợi nhuận tăng lên ở công ty C chỉ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10%. Nếu bán đúng giá thị trường thì phần lợi nhuận này nằm ở công ty B và phải chịu thuế suất 25%. Như vậy, nếu xét riêng biệt thì công ty B thiệt, còn công ty C được lợi. Nhưng xét tổng thể thì tổng thuế phải nộp của cả hai công ty đã giảm đi.

Ví dụ trên cho thấy chuyển giá xuất hiện khi có những điều kiện nhất định. Đó là: Sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau; có quy định nhiều mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với những đối tượng khác nhau trong một quốc gia, chẳng hạn như quy định các mức thuế suất ưu đãi thấp hơn thuế suất phổ thông; có các quy định về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn.

        Một số đặc điểm của hoạt động chuyển giá:

          Không có sự thương lượng trước trong điều kiện thị trường cạnh tranh mà nó thường gắn với quan hệ, liên kết giữa bên giao và bên nhận, do chủ công ty điều hành.

          Được xác định không hợp lý nhằm chủ động dồn thu nhập vào nơi không phải nộp thuế hoặc nộp thuế thấp, dồn chi phí vào nơi có thuế cao.

          Đối với công ty đa quốc gia, việc giao nhận là cùng trong một tập đoàn, nên thu nhập chung của tập đoàn thường là không thay đổi, nhưng thu nhập sau thuế thì lớn hơn vì đã gian lận được thuế.

          Đối với nước nhận đầu tư thì ngân sách quốc gia bị mất đi một khoản thuế do bị gian lận, đồng thời còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.

Tác động của chuyển giá

Khi xảy ra hành vi chuyển giá mà không có quy định pháp luật để xử lý hoặc không được xử lý theo quy định của pháp luật thì sẽ có hai tác động cơ bản sau:

Thứ nhất, làm thất thu ngân sách nhà nước. Đây có thể coi là tác động hiển nhiên đầu tiên vì với việc doanh nghiệp được lợi về thuế thì phần thuế lẽ ra có thể thu được theo Luật đã không được nộp vào ngân sách nhà nước, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2009, có 760/1.358, tức là có tới 56% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ. Tất nhiên, có thể có trường hợp lỗ thật và số lỗ này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ khả năng chuyển giá, bởi vì, nếu đó là lỗ thực sự thì không thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã xác định giá chuyển giao khác xa giá thị trường. Kết quả giám định của Công ty giám định quốc tế Thuỵ Sĩ (SGS) cho thấy: “Liên doanh Khách sạn Thăng Long (TP Hồ Chí Minh) - giá trị thiết bị khai báo 496.906 USD, giá trị thẩm định khai khống là 190.006 USD, chiếm tỷ lệ 40,43%. Trung tâm quốc tế dịch vụ văn phòng (Hà Nội) - giá trị thiết bị khai báo là 1.288.170 USD, giá trị thẩm định khai khống là 260.000 USD, tỷ lệ 21,16%. Công ty ô tô Hoà Bình (Hà Nội) - giá trị thiết bị khai báo là 5.823.818 USD, giá trị thẩm định khai khống là 1.602.298 USD, chiếm tỷ lệ 27,51%”.

Thứ hai,tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Mặc nhiên, khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh phải tạo ra khả năng hưởng lợi chính đáng từ hoạt động kinh doanh chính đáng. Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản.

Một số giải pháp chống chuyển giá cần triển khai thực hiện ở Việt Nam thời gian tới

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Những nội dung cụ thể cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá là:

- Trước mắt cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên ban hành Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...

-Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá;

- Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ hai, thu hẹp các ưu đãi thuế. Như đã nêu trong phần phân tích cơ sở của hành vi chuyển giá, chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá. Hiển nhiên, vì những mục tiêu nhất định, cần phải thực hiện ưu đãi thuế, song cần cân nhắc các cách thức khác để điều tiết các vấn đề kinh tế, chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng... Nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.

          Thứ ba, nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi của chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh. Việc giao quyền điều tra không chỉ giúp cơ quan thuế có điều kiện làm tốt hoạt động chống chuyển giá mà còn tạo điều kiện làm tốt hiệu quả quản lý thuế nói chung.

Thứ tư,thành lập bộ phận tình báo thuế ở Tổng cục Thuế. Đây chính là cơ quan có chức năng chuyên trách thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế. Tình báo thuế không chỉ cần thiết cho hoạt động chống chuyển giá, mà còn rất hữu ích cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Có hai việc quan trọng cần làm để hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế là:

- Thành lập bộ phận tình báo thuế để mở rộng nguồn thu thập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế;

- Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác như: công an, kiểm sát, địa chính, kế hoạch – đầu tư...

Như vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động chống chuyển giá trong thời gian tới ở Việt Nam, cần quan tâm trước tiên đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu Hội  nghị chuyên đề về chống thất thu thuế và nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế tổ chức tháng 2/2012

2. Chính Phủ, Hà Nội 20/2/2012, Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế

3. Nguyễn Quang Tiến (2012), Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá, thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính số 3/2012

4. PGS, TS. Lê Xuân Trường(2012), Chống chuyển giá ở Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện thực hiện, Tạp Chí tài chính online, 18/6/2012

5. GS., TS. Ngô Thế Chi, Ngăn ngừa hành vi chuyển giá trong các doanh nghiệp ở Việt Nam góp phần chống thất thu thuế, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Học viện Tài  chính, tháng 8/2012

6. PGS., TS. Phan Duy Minh, Vấn đề chuyển giá của các công ty đa quốc gia,  Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá - Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Học viện Tài chính, tháng 8/2012.

7. Kỷ yếu hội thảo Khoa Thuế và Hải quan, Chống gian lận thuế ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội tháng 9/2012

          8. Effective inter - Agency Co-operation in fighting Tax crimes and other financial crimes -http://www.oecd.org.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube