^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH SẢN XUẤT GẠO GÒ CÔNG, TỈNH TIỀN GIANG

Nói đến đặc sản của Tiền Giang không thể không nhắc đến gạo Gò Công. Gò Công là vùng đất nổi tiếng về lịch sử, địa lý của tỉnh Tiền Giang, có vị trí rất đặc biệt, ranh giới phía Nam của Gò Công là sông Cửa Đại, tiếp giáp phía Bắc có sông Vàm Cỏ Tây, còn phía Đông Bắc là sông Nhà Bè đổ ra cửa Soài Rạp, được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Trong số các cây trồng nông nghiệp được chú trọng phát triển, cây lúa luôn được ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của miền đất này. Với những điểm nổi trội về chất lượng gắn với đặc thù riêng biệt về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Gò Công, gạo Gò Công có tiềm năng cao về kinh tế, là một sản phẩm mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn Gò Công.

Khu vực các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang do có vị trí địa lý nằm gần cửa biển nên hình thành vùng thổ nhưỡng với nhiều khoáng chất tốt cho cây trồng, đặc biệt là giống lúa VD 20, Nàng Hoa 9… đã phát triển rất thuận lợi trên vùng đất này. Qua nhiều năm khảo nghiệm cho thấy, các loại giống như VD 20, Nàng Hoa 9… hoàn toàn vượt trội so với canh tác ở các vùng trồng khác trên cả nước. Các huyện phía Đông của tỉnh sản xuất gạo VD 20, Nàng Hoa 9 chiếm hơn 50% diện tích, trong đó, huyện Gò Công Tây có gần 28.000 ha đất canh tác lúa mỗi năm, là địa phương có sản lượng lúa gạo hàng hóa lớn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Các giống lúa này thích nghi được với vùng phèn nhẹ, chịu hạn, mặn, cho năng suất cao và bán ra thị trường có giá hơn các giống lúa khác, lợi nhuận khoảng 55 triệu đồng/ha/năm.

Gạo Gò Công là một trong những sản phẩm có danh tiếng và lịch sử phát triển lâu đời gắn liền với vùng đất Gò Công, là một trong những cây nông nghiệp chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Trong khi đó, gạo Gò Công tuy đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến; trên thị trường tuy đã được số lượng người tiêu dùng nhất định biết đến, nhưng danh tiếng vẫn cần thêm thời gian để vun đắp và quảng bá để được biết đến rộng rãi hơn nữa;

 

 

 

Biểu đồ 1. Số năm thâm niên trong nghề trồng lúa tại Gò Công

Quá trình điều tra được cố định với 3 mốc thời gian tương ứng với số năm kinh nghiệm sản xuất lúa gạo tại Gò Công, cụ thể từ dưới 5 năm; từ 5 - 10 năm; từ trên 10 năm. Trong 3 mốc thời gian được thiết lập so sánh, mốc giai đoạn từ trên 10 năm chiếm tỷ lệ cao nhất với 64.5%; mốc giai đoạn từ dưới 5 năm chiếm tỷ lệ thấp nhất với 11.8%; mốc giai đoạn từ 5 - 10 năm chiếm 23.7%. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Gò Công ngành nông nghiệp được phát triển chủ yếu nên có tính kế cận giữa các thế hệ. Ruộng thuộc sở hữu của thế hệ trước được chuyển nhượng lại cho thế hệ tiếp theo. Số thành viên mới muốn đầu tư sản xuất lúa thường phải thuê ruộng hoặc mua. 

Các giống lúa chủ yếu tại Gò Công:

Qua quá trình chọn lọc và lai tạo, các giống lúa nói chung tại Việt Nam và vùng Gò Công nói riêng có nhiều thay đổi đáng kể. So với trước đây, nguồn giống lúa địa phương tại Gò Công khá phong phú, tuy nhiên hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường các giống lúa địa phương hầu như không còn phát huy khả năng phục vụ nhu cầu thị trường. Sau năm 1968, các giống mới không ngừng phát triển, chất lượng, năng suất được cải thiện đáng kể.

Biểu đồ 2. Kết quả khảo sát tỷ lệ các giống lúa được trồng chủ yếu tại Gò Công

Kết quả khảo sát được ghi nhận tại biểu đồ 3 cho thấy giống lúa VD 20 chiếm ưu thế tại hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, chiếm trên 50% diện tích gieo trồng lúa ở mỗi vụ (khoảng 5.000 ha/vụ), phân bố khắp các xã và thị trấn trên địa bàn của 2 huyện. Nguyên nhân, giống lúa VD 20 thích nghi được với vùng phèn nhẹ, chịu được hạn mặn, cho năng suất cao và bán có giá hơn các giống lúa khác. Ngoài các giống Nàng hoa 9, OM, một số giống ST 24 và ST 25 cũng đang đưa vào sản xuất thử nghiệm tại địa phương và bước đầu cho kết quả khả quan

Kết quả khảo sát thu thập thông tin cho thấy gạo Gò Công được cộng đồng tiêu thụ đánh giá cao về chất lượng, và có thể nói là một trong những đặc sản của địa phương. Phần lớn đáp viên đều cho rằng, do điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng vùng Gò Công khác biệt, chịu ảnh hưởng của hệ thống sông Tiền và sông Soài Rạp, đồng thời chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều không đều, với địa lý đặc trưng nên chất lượng gạo Gò Công luôn được đánh giá cao hơn so với các vùng khác. Hơn nữa, trải qua bao đời gắn bó với nghề nông, vùng Gò Công đã trở thành một trong những vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Như vậy, đối với cộng đồng sản xuất, tiêu thụ gạo Gò Công được xem như là đặc sản của địa phương, của xứ Gò Công.

Mức độ phổ biến của gạo Gò Công: Thông tin khảo sát mức độ phổ biến của gạo Gò Công được tiến hành thu thập tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, tập trung ở các khu chợ dân sinh tại các quận/huyện, siêu thị, cửa hàng. Kết quả cho thấy, song song với gạo của các vùng khác như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… thì gạo Gò Công gần như chiếm ưu thế với giống VD 20, Nàng hoa 9 và OM 5451.

Chất lượng gạo theo đánh giá chung của thị trường: Nhìn chung, khi so sánh chất lượng gạo của vùng Gò Công so với các vùng khác, kết quả cho thấy, gạo Gò Công luôn được đánh giá cao hơn. Các đặc điểm so sánh thể hiện sự khác biệt bao gồm: tỷ lệ hạt nguyên, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt cơm, độ trở hồ (độ cứng cơm khi nguội) … Trong tất cả các yếu tố so sánh, tỷ lệ hạt nguyên của gạo Gò Công thể hiện sự khác biệt rõ nét nhất. Nhiều thương lái căn cứ vào tỷ lệ hạt nguyên sau khi tách vỏ để quyết định giá thu mua và giá bán. Nhờ tỷ lệ hạt nguyên lớn, nên hạn chế tỷ lệ hao hụt và tỷ lệ tấm, do đó gia tăng được lợi nhuận. Về yếu tố chất lượng, mùi thơm và độ dẻo của gạo Gò Công được đánh giá cao hơn khi so sánh các loại gạo cùng chủng loại và cùng cấp so với các vùng khác.

Doanh thu, lợi nhuận:

Bảng 3. Chi phí sản xuất, doanh thu và lợi nhuận sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo Gò Công

TT

Chi phí đầu vào cho 1ha

Đơn giá (đ/ha)

Thành tiền (đ)

Doanh thu (đ)

Lợi nhuận (đ)

1

Giống

3.000.000

3.000.000

1 ha thu 7 tấn. Giá bán bình quân 7.000đ

 

2

Thuốc BVTV

1.500.000

1.500.000

3

Phân bón

1.500.000

1.500.000

4

Nước

1.000.000

1.000.000

5

Công lao động

4.000.000

4.000.000

6

Thuê máy móc (gặt, làm đất…)

2.500.000

2.500.000

7

Chi khác

1.500.000

1.500.000

 

Tổng

15.000.000

15.000.000

49.000.000

34.000.000

 

Kết quả Bảng 3 cho thấy về chi phí đầu tư, doanh thu và lợi nhuận tính trung bình cho 1ha trồng lúa tại thời điểm khảo sát (tháng 3/2021).

Chi phí đầu tư bao gồm: tiền mua giống xác nhận, thuốc BVTV, phân bón, và chi phí thuê mướn máy móc làm đất, thu hoạch và công lao động. Các khoản chi phí trên chưa tính chi phí thuê đất.

Theo giá thu mua lúa tươi tại thời điểm thu hoạch (tháng 3/2021) trung bình 1 kg lúa tươi có giá 7.000 đ, sau khi trừ các khoản chi phí, người nông dân thu lãi từ trên 30 triệu đồng/ha/vụ.

Nhìn chung, với giá bán 7.000đ/kg và mức lãi từ trên 30 triệu đồng/ha, mặc dù vẫn còn thấp so với mặt bằng chung đối với các loại cây trồng khác, nhưng về cơ bản, các nông hộ vẫn chấp nhận được với mức giá bán và mức lãi kể trên.

Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gạo Gò Công được biết đến khá rộng bao gồm xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc… tuy nhiên, kể từ năm 2019 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên thị trường xuất khẩu có dấu hiệu chững lại.

Đối với thị trường trong nước, gạo Gò Công gần như có mặt khắp hầu hết các thị trường các tỉnh trên cả nước, trong đó thị trường lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm gạo VD 20, Nàng hoa 9, OM 4900 và OM 5451 có mặt khắp các cửa hàng/sạp chợ tại thành phố Hồ Chí Minh. Tùy theo nhu cầu thị trường, sản phẩm gạo VD 20 và Nàng hoa 9 phục vụ cho thị trường cao cấp. Đối với gạo OM thường phục vụ cho nhu cầu bình dân và chế biến.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Quyết định số 2722/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về ban hành chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2017 – 2020.

8. Đề án số 3320/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube