^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2020 - 2022

 

  1. Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020 - 2022

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trong những tháng đầu năm 2020 đạt thấp, thậm chí nhiều thời điểm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Đến hết tháng 8, KNXK toàn tỉnh chỉ mới đạt 647,54 triệu USD; mới đạt hơn 50% kế hoạch. Tuy vậy, với nỗ lực tăng tốc chặng nước rút của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, những tháng cuối năm, lĩnh vực xuất khẩu đã có nhiều bứt phá ngoạn mục, nhất là tháng 11 và 12 đạt xấp xỉ 130 triệu USD/tháng, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vượt qua con số 1,2 tỷ USD, tăng 41,2% so với năm 2019. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên lĩnh vực này lập kỷ lục vượt mốc 1 tỷ USD.

Góp phần quan trọng vào kết quả này chủ yếu là xuất khẩu thép và phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh với KNXK đạt 938 triệu USD, chiếm 85,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Bên cạnh đó là các sản phẩm: dăm gỗ 30 triệu USD; hàng dệt may 6 triệu USD; thủy sản 5,1 triệu USD; chè 4,2 triệu USD; xơ, sợi, dệt các loại 4,7 triệu USD; gạo 3,2 triệu USD…

Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận, mở rộng thị trường ở các quốc gia mới. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng với đối tác đến quý II năm 2021. Ngoài ra, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết, 2 doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn đã tìm hiểu để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Chính vì vậy, năm 2021 tuy trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt mốc 2 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020; mức tăng chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng thép (xuất khẩu thép từ Formosa ước đạt 1,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ như, dăm gỗ đạt 38,75 triệu USD (tăng 60,5%); dệt và may mặc đạt 7,91 triệu USD (tăng 68%); xơ, sợi dệt đạt 9,67 triệu USD (tăng 161,4%)...

Đặc biệt, xuất siêu đã quay trở lại trong tháng 9/2021, chủ yếu do sản lượng thép xuất khẩu tăng đột biến, giá thép xuất khẩu tăng từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng thế mạnh cũng có sự tăng đáng kể.

Sang đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,8 tỉ USD, giảm 10% so với năm 2021. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do giá và sản lượng thép, phôi thép xuất khẩu của Formosa Hà Tĩnh (mặt hàng chiếm tỷ trọng trên 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh) giảm. Theo đó, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Formosa ước đạt gần 1,295 tỷ USD, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng giảm so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản giảm gần 14%; xơ sợi dệt các loại giảm gần 15%.

Tuy nhiên, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ở các mặt hàng chủ lực khác như dệt, may mặc, dăm gỗ... có xu hướng tăng. Hàng dệt và may mặc là sản phẩm có mức tăng cao nhất, ước đạt 21,1 triệu USD, tăng 137,61% so với cùng kỳ. Hai mặt hàng khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2022 là chè (tăng hơn 5%) và dăm gỗ (tăng 45%). Nguyên nhân giúp các doanh nghiệp may xuất khẩu, mặt hàng dệt và may mặc có sự tăng trưởng tốt là nhờ tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nên việc cung ứng nguyên liệu, khâu vận chuyển hàng đảm bảo thông suốt và đơn hàng từ thị trường các nước đối tác thương mại ổn định hơn năm trước.

Bảng 1: Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa Hà Tĩnh giai đoạn 2020 – 2022

Năm

Kim ngạch xuất khẩu

(tỉ USD)

Kim ngạch nhập khẩu

(tỉ USD)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (tỉ USD)

Tỉ trọng KNXK trong tổng KN xuất nhập khẩu (%)

2020

1,2

2,2

3,4

35,29

2021

2

3,3

5,3

37,74

2022

1,8

3,4

5,2

34,62

Nguồn: Báo cáo tình hình KT – XH tỉnh Hà Tĩnh năm 2020, 2021, 2022.

  1. Đánh giá chung tình hình xuất khẩu hàng hóa tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020 - 2022

Nhìn chung, giai đoạn 2020 – 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng giảm thất thường, năm 2021 giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 66,67% so với năm 2020, nhưng đến năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm 10% so với năm 2021. Tuy vậy, tỉ trọng của hoạt động xuất khẩu trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khá ổn định, trung bình cả giai đoạn 2020 – 2022 chiếm 35,88% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh. Bước đầu đưa xuất khẩu góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy quá trình hội nhập, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn do công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xuất khẩu chưa quyết liệt; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và dịch vụ logistics còn ít; sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng; ngoài sản phẩm thép, giá trị xuất khẩu các mặt hàng khác chiếm tỷ trọng thấp; dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu chưa phát triển; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, hệ thống kho bãi, dịch vụ hỗ trợ còn thiếu và yếu. Nên hoạt động xuất khẩu những năm qua tuy đã đạt được những cột mốc đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa tiềm xứng với tiềm năng của tỉnh Hà Tĩnh.

 Ngoài những nguyên nhân khách quan do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chậm phát triển, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến hoạt động vận chuyển hàng qua biên giới ảnh hưởng lớn; nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở các nước giảm, thì nguyên nhân chính của những khó khăn trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành chưa thực sự quan tâm hoạt động xuất khẩu và dịch vụ logistics; cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn; chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu; huy động nguồn lực xã hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh các năm 2019, 2020, 2021, 2022, chi cục thống kê Hà Tĩnh.
  2. Đỗ Đức Bình, Nguyễn Thị Thúy Hồng (2015), Giáo trình Kinh tế quốc tế, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  3. Tỉnh Uỷ Hà Tĩnh (2022), Nghị Quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy: Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
  4. Ngọc Loan (2021), Xuất khẩu Hà Tĩnh lội ngược dòng lập kỉ lục 1,2 tỉ USD, truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2023 từ https://hatinh.dcs.vn/kinh-te/news/xuat-khau-ha-tinh-loi-nguoc-dong-lap-ky-luc-hon-12-ty-usd.html
  5. Thái Oanh (29/12/2022), Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Hà Tĩnh năm 2022, truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2023 từ https://baohatinh.vn/dau-tu/cong-bo-so-lieu-thong-ke-kinh-te-xa-hoi-ha-tinh-nam-2022/242416.htm

 

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube