^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Cơ hội và thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Việt Nam là một trong những quốc gia đã đồng thuận với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vào ngày 29 tháng 11 năm 2023 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ năm 2024.

  1. Khái niệm thuế tối thiểu toàn cầu

Nhằm ngăn chặn việc xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế thấp hoặc không thuế, thuế tối thiểu toàn cầu là một quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn. Theo đó, thuế tối thiểu toàn cầu quy định các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế ở mức thuế suất tối thiểu là 15% trên lợi nhuận hoặc thu nhập tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tập đoàn đó hoạt động. Nếu thuế suất thực tế (được tính trên cơ sở toàn bộ các công ty thành viên của tập đoàn tại một nước) thấp hơn mức thuế suất tối thiểu 15%, quốc gia nơi có công ty mẹ hoặc công ty thành viên của tập đoàn sẽ thu thuế bổ sung để bù đắp sự chênh lệch.

  1. Một số cơ hội cho Việt Nam khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam từ năm 2024 sẽ mang lại một số cơ hội cho nền kinh tế và xã hội, cụ thể:

Thứ nhất, cơ hội tăng thu ngân sách: Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam thu được thuế bổ sung từ các tập đoàn đa quốc gia có thuế suất thực tế thấp hơn mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhờ vậy, theo ước tính của OECD, quy định về thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng có thể giúp tăng thu ngân sách cho Việt Nam khoảng 0,5% GDP.

Thứ hai, tạo cơ hội để nâng cao công bằng thuế, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đa quốc gia, giữa các doanh nghiệp đa quốc gia với nhau, và giữa các quốc gia với nhau. Qua đó, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh, giúp hạn chế các hành vi trốn tránh thuế và chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia, làm ảnh hưởng và thất thoát nguồn thu thuế của nhà nước.

Thứ ba, tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế: Theo đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu và thể hiện sự cam kết của nhà nước với các quy định quốc tế về thuế. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng ở trong tương lai.

  1. Một số thách thức cho Việt Nam khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Bên cạnh các cơ hội, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam cũng đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế và xã hội.

Thứ nhất, làm giảm mức độ hấp dẫn và khả năng cạnh tranh khi thu hút đầu tư. Theo đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ giảm bớt lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng của thuế này. Trong điều kiện cạnh tranh cao giữa các quốc gia để thu hút FDI, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của các ngành công nghiệp chiến lược của quốc gia. Do đó, Việt Nam cần đánh giá lại chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi khác cho các nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, thị trường lao động hoặc môi trường kinh doanh... khi thực hiện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024.

Thứ hai, khó khăn trong thực thi thuế. Thuế tối thiểu toàn cầu là quy định mới, do đó khi áp dụng sẽ đòi hỏi nhà nước phải thực thi theo quy định mới, phức tạp mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chẳng hạn việc tính toán thuế suất thực tế và thuế bổ sung trên cơ sở toàn bộ các công ty thành viên của tập đoàn tại một nước. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thanh kiểm tra và xử lý thuế. Mặt khác, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều ưu đãi về thuế suất ban đầu khi thu hút đầu tư không còn đúng theo thỏa thuận của nhà nước với các doanh nghiệp, gây ra các rủi ro về chính sách, do đó, thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi nhà nước phải xây dựng được các kịch bản áp dụng cho nhiều trường hợp nhằm vừa có thể đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp theo cam kết đầu tư ban đầu mà vừa triển khai thực hiện được các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

1.   Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2023), Nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu, Truy cập từ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhin-nhan-ro-co-hoi-thach-thuc-de-phan-ung-voi-thue-toi-thieu-toan-cau-119230227153837752.htm

2.   Kim Chi (2023), Việt Nam sắp áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tác động cụ thể là gì?, Tạp chí điện tử kinh doanh, Truy cập từ https://vnbusiness.vn/viet-nam/viet-nam-sap-ap-thue-toi-thieu-toan-cau-tu-nam-2024-tac-dong-cu-the-la-gi-1096916.html

3.   Văn Chiến (2023), Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội hoàn thiện chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Tạp chí điện tử pháp lý, truy cập từ https://phaply.net.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-co-hoi-hoan-thien-chinh-sach-cai-cach-manh-me-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-a257040.html

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube