^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Tự chủ đại học: cơ hội và thách thức

Hiện nay, tự chủ đại học được xem là xu thế phát triển được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và ở nước ta trong thời gian qua cũng đã tiến hành áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ ở một số trường đại học. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng đã và đang cho thấy những cơ hội và thách thức nhất định.

Tự chủ đại học là gì?

Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học quyết định sứ mạng và chương trình hoạt động của mình, cách thức và phương tiện thực hiện sứ mạng và chương trình hoạt động đó, đồng thời tự chịu trách nhiệm trước công chúng và pháp luật về mọi quyết định cũng như hoạt động của mình. Đây là hình thức quản trị thích hợp với những tổ chức không thuộc hệ thống hành chính (hệ thống có cấp trên cấp dưới; cấp dưới do cấp trên bổ nhiệm và phải làm theo quyết định của cấp trên).

Thông thường, tự chủ đại học bao gồm 4 khía cạnh: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự.

Tự chủ đại học có nhiều mặt ưu điểm như giúp các trường đại học tháo gõ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Quyền tự chủ đại học được thể hiện ở nhiệm vụ và quyền hạn của Luật như Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Hội đồng quản trị, của cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục, tuyển sinh, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh…

 

Cơ hội của các trường đại học khi áp dụng cơ chế tự chủ

Khi áp dụng cơ chế tự chủ, các trường đại học sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học đến thay đổi chương trình đào tạo và khẳng định thương hiệu. Tự chủ Đại học là gắn liền với trách nhiệm cho nên mỗi trường sẽ tự lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tự chủ được xem như là một con đường để tìm kiếm phương cách thúc đẩy sự xuất sắc trong học thuật, trong quản lý tài chính, và trong quản trị của các cơ sở giáo dục. Đi chệch ra khỏi quỹ đạo đó, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng tự chủ đã được sử dụng một cách sai lầm.

Tự chủ giúp các cơ sở giáo dục đại học có toàn quyền trong việc quyết định những vấn đề thuộc về học thuật như là chương trình, tài liệu giảng dạy, phương pháp sư phạm, kỹ thuật đánh giá thành quả học tập của sinh viên.

Tự chủ đại học cũng chính là sự tự do của cơ sở đào tạo trong việc sắp xếp và tổ chức các sự kiện, các mối quan hệ liên quan đến công việc lập kế hoạch, tổ chức và điều phối. Sự tự do trong công việc như vậy sẽ thúc đẩy sự năng động và sự phát triển của từng cá nhân và kéo theo đó là sự vững mạnh của cơ sở giáo dục đại học.

Cơ chế tự chủ đại học sẽ giúp nhà trường chủ động, mềm dẻo và sáng tạo cũng như linh hoạt được trong các hoạt động diễn ra trong trường, còn tùy vào điều kiện của mỗi trường mà thực hiện mức độ tự chủ, từ tự chủ một phần cho đến tự chủ hoàn toàn. Các cơ sở giáo dục ĐH thí điểm tự chủ cho thấy được sự linh hoạt và chủ động hơn về tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tuyển dụng nhân sự. Khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, trường đại học đó phải được đánh giá về chất lượng uy tín, thương hiệu, có khả năng thu hút được sinh viên và có những chế độ chính sách miễn học phí cho sinh viên.Vì khi tự chủ các trường đại học tự chủ tài chính, tự chủ về nguồn thu – chi, được thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, được ngưng mở ngành nào, quyết định mở thêm ngành nào để đào tạo theo nhu cầu của xã hội nếu như đáp ứng được điều kiện theo quy định. Tự chủ đại học còn góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều hơn trong mỗi cá nhân của trường, giúp các thầy cô khơi dậy sức sáng tạo.

 Bên cạnh những cơ hội thì tự chủ đại học cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với các trường đại học địa phương.

 

Thách thức đặt ra đối với các trường đại học khi tiến hành áp dụng cơ chế tự chủ

Hiện nay nhiều quy định văn bản pháp lý chưa kịp thay đổi để hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ. Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 của Chính phủ chỉ mới là thí điểm nên các văn bản pháp luật không thay đổi theo. Dưới góc độ quản lý tại các trường đại học công lập, do sự thiếu định hướng từ các cơ quan quản lý nhà nước cho nên bản thân các trường khá lúng túng trong việc xây dựng chiến lược và tầm nhìn rõ rệt cho mình.

Quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận từ lâu nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, ngoài việc do những vướng mắc về cơ chế, thì một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng. Các trường đại học vẫn chưa mạnh dạn thực thi sự tự chủ, các vẫn mang tâm lý e dè, thói quen phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của Nhà nước. Các trường đại học công lập được bao cấp tư duy đã quá lâu và chưa có tinh thần  chấp nhận tự mình đương đầu với thách thức, vượt qua nó và được hưởng thành quả tùy theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình. Họ vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công lập thay vì chấp nhận cạnh tranh tự do và công bằng trong thế giới phẳng.

Thách thức về tự chủ tài chính: “Trường còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí, trong khi các nguồn thu về chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp luật còn ít. Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ ĐH, nếu không đảm bảo về nguồn thu sẽ là thách thức lớn”. Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn và nhiều biến động, nguồn thu học phí trở nên không bền vững, nguy cơ rủi ro cao nếu nhu cầu thị trường lao động bão hòa. Trái lại, nguồn thu từ các dịch vụ lại chưa nhiều

Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, chưa ban hành nghị định cơ chế tự chủ, chưa điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục dạy nghề theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Và một trong những khó khăn lớn nữa của các trường là cơ sở vật chất. Hầu hết ở các trường, quỹ này được trích từ nguồn thu nhưng không nhiều vì vậy việc xây dựng cơ sở vật chất mang tính từng bước. Để các trường mạnh dạn đăng ký tự chủ hoàn toàn, cần hoàn thiện về mặt hạ tầng, cơ sở vất chất, nghĩa là tự chủ nhưng cần Nhà nước đầu tư ban đầu.

Tóm lại, Tự chủ đại học mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các khó khăn thách thức đối với các trường đại học. Vấn đề đặt ra là các trường đại học cần phải nỗ lực, thay đổi để đạt được các mục tiêu cũng như tồn tại và ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, các trường phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và công khai minh bạch, khẳng định được vị thế, thương hiệu.

Tài liệu tham khảo, trích dẫn:

  1. Nguyễn Kiều Oanh: Đường lối chiến lược, chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, Chuyên đề Bồi dưỡng Ngạch giảng viên chính, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

 

  1. Hoàng Thị Cẩm Thương: Giải pháp tăng cường tự chủ đại học ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, số tháng 3/2017.

 

  1. Nguyễn Minh Thuyết: Tự chủ đại học – Thực trạng và giải pháp, Đối thoại Giáo dục Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề Cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam, ngày 31/07 và 01/08/2014 tại TP Hồ Chí Minh.
  2. Hoàng Thị Xuân Hoa: Tự chủ đại học – Xu thế của phát triển,  VNU Media.
  3. Phan Thị Bích Nguyệt: Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải, Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 30/9/2016.
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube