^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

Những tố chất cần có của nhà quản trị giỏi

Nhà quản trị là những người làm việc trong các tổ chức, công việc của họ là phối hợp, định hướng, lựa chọn, quyết định và kết dính các công việc không phải là quản trị trong một tổ chức lại với nhau để đạt mục tiêu chung của chính tổ chức đó.

Nhà quản trị giỏi là người luôn hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ của mình, với kết quả và hiệu quả cao, bất kể trong môi trường thuận lợi hay khó khăn. Chính vì vậy họ là người mà mọi xã hội đều cần đến bất kể trong một chế độ xã hội nào. Sự thành công của một tổ chức thường gắn liền với quá trình hoạt động của nhà quản trị, chính vì vậy có một nhà quản trị giỏi trong tổ chức như có một kho báu tiềm tàng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành nhà quản trị giỏi, họ phải có những tố chất cần thiết cho quá trình quản trị của mình.

1. Khả năng nhận thức và tư duy

Khả năng tư duy là khả năng tuyệt vời nhất của con người mà nhờ đó loài người mới là chúa tể của muôn loài. Các nhà quản trị cần phải có khả năng tư duy tốt, chức vụ càng cao đòi hỏi khả năng tư duy càng lớn.

Khả năng tư duy của nhà quản trị thường được đánh giá qua các khía cạnh cơ bản: trực giác nhạy cảm, nhạy bén, năng động quyết đoán.

Có một tấm gương sáng về khả năng tư duy nhạy bén, óc xét đoán tốt, một trực giác nhạy cảm hơn người đó là Bao Ngọc Cương - vua thuyền của thế giới

Bao Ngọc Cương bắt đầu từ một con tàu đốt than cũ kỹ chở không đến một vạn tấn, kinh doanh ở mức không đầy 100 vạn đô la Mỹ, trong thời gian 10 năm ngắn ngủi đã xây dựng được 1 đội thương thuyền có tên tuổi với mức chở 18 triệu tấn, đạt đến mức của những nhà tư bản vận chuyển hàng hải nổi tiếng có đội thuyền đã xây dựng trước ông 10 năm. Năm 1949, trước ngày giải phóng Thượng Hải, ngân hàng Thượng Hải giải thể, Bao Ngọc Cương cùng gia quyến chuyển đến ở Hương cảng. Lúc đầu ông cố gắng xuất khẩu đường, nhập vitamin về bán, song tình hình kinh doanh không tốt. Đến giữa năm 50, Bao Triệu Long- cha ông cho rằng chính trị và kinh tế của Hương cảng có vị trí khá ổn định. Ông hy vọng tập trung vốn liếng để kinh doanh nhà đất. Bao Ngọc Cương sau khi phân tích đến động thái kinh tế thế giới đã quyết định sẽ kinh doanh ngành vận tải hàng hải. Bởi Hương cảng có bến cảng rất tốt, nghành vận tải hàng hải có liên quan với các nghành tiền tệ, mậu dịch, bảo hiểm, đóng thuyền, là một hoạt động mang tính quốc tế có tiền đồ rộng lớn.

Năm1955 Bao Ngọc Cương tập hợp được số tiền 77 vạn USD, mua được môt con tàu đã dùng 28 năm, đó là con tàu cũ đốt than có sức chở 8700 tấn, ông đặt tên là Kim An và sáng lập ra tập đoàn tàu thuyền Hoàn Cầu. Năm 1956 tình hình vận tải trên biển tăng lên khá mạnh. Đến cuối năm 1956 đội tàu của ông đã tăng lên 7 chiếc. Mấy năm sau đó, Bao Ngọc Cương lại mua thêm một số tàu cũ, đội tàu của ông mau chóng khuếch đại thêm. Năm 1960 Bao Ngọc Cương giành được cổ phần của công ty vận tải á châu từ tập đoàn Đức Phong. Cuối những năm 60 Bao Ngọc Cương thấy cần phải mua tầu mới để thay thế cho tàu cũ của mình. Ông nắm thời cơ có lợi, hướng đến xưởng đóng tàu Nhật Bản đặt mua tàu, lại đem những chiếc tàu ấy cho các công ty Nhật Bản thuê lại. Nguy cơ ở Trung Đông tháng 6 năm 1967, khiến việc vận chuyển qua kênh Xuyê bị bế tắc, Nhật Bản và các nước phương Tây có nhu cầu rất lớn đối với tàu chở dầu, công ty Hoàn Cầu lập tức mua thêm nhiều tàu chở dầu loại 10 vạn tấn, lực lượng của đội tàu mau chóng lớn mạnh, Bao Ngọc Cương leo lên vị trí hàng đầu vận tải hàng hải thế giới. Tập đoàn Hoàn Cầu là do hơn 250 công ty cấu thành, lực lượng của nó có thể cân bằng đựơc với bất cứ tập đoàn quốc tế nào.

Như vậy với óc phán đoán tinh tường, nhãn quan xa rộng, ông đã nắm bắt được một xu thế mới của thời đại bấy giờ đó là nghành vận tải hàng hải. Tóm lại có thể nói rằng, để trở thành nhà quản trị giỏi dứt khoát phải có một tư duy sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng, một sự nhạy bén với thời cuộc, có như vậy mới có thể vượt lên trên đối thủ cạnh tranh của mình, giành được những thắng lợi vẻ vang, không những cho bản thân, gia đình, mà còn cho tổ quốc.

2. Ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm

Kinh doanh là công việc cực kỳ khó khăn và phức tạp, là lĩnh vực hoạt động gắn liền với rủi ro và bất trắc, nên trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng đạt được thành công như mong muốn, thậm chí đứng bên bờ vực của sự phá sản, khi đó nhà quản trị cần có ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm mới có thể chèo lái con thuyền kinh doanh ra khỏi cơn sóng gió và đi tới sự thành công.

Nhà quản trị có những đức tính này, khi gặp sự cố thường hết sức bình tĩnh và sáng suốt. Trong thực tế để có ý chí và nghị lực sắt đá, có lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm cao, nhà quản trị phải không ngừng rèn luyện, đặc biệt từ lúc còn trẻ. Phải rèn luyện được tinh thần không được lùi bước trước bất cứ khó khăn thử thách nào, nếu thất bại thì không được nản lòng, không được từ bỏ con đường mình đã chọn chỉ vì có khó khăn cản đường.

Có biết bao tấm gương sáng cho chúng ta noi theo về những người nhờ có ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm mà đã vươn tới đỉnh cao của sự thành công, để lại danh tiếng lẫy lừng trên thế giới. Như Trịnh Chu Vĩnh- “Nhà doanh nghiệp giàu nhất châu á”. Tập đoàn của ông hoạt động và nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực như đóng tàu, kiến trúc, ô tô. Tuy nhiên có một điều đáng lưu ý là ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó và đông con, sau biết bao gian nan khổ cực tìm đường thoát ra khỏi nơi “rừng thiêng nước độc”, ông đã tìm ra được con đường đi của mình.

3. Đạo đức và ý thức trách nhiệm

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt, nó bao gồm các quan điểm, nguyên tắc, giá trị xã hội được con người thừa nhận để tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích, nhu cầu, mong muốn của người khác và xã hội trong quá trình đạt đến mục tiêu tồn tại và phát triển của bản thân.

Nền tảng cơ bản của đạo đức trong kinh doanh thể hiện thông qua mục tiêu đề ra, các biện pháp thực hiện mục tiêu và hậu quả đem lại do việc lựa chọn và thực hiện các mục tiêu đó. Mục tiêu không thể phi nghĩa và phản khoa học, mục tiêu cũng không thể thoát ly thực tế theo ý muốn chủ quan của người lãnh đạo. Các biện pháp thực hiện mục tiêu cũng vậy, nó không thể vì lợi mình mà hại người khác, nó không trái đạo lý và luật pháp. Robert L.Crandall, tổng giám đốc công ty hàng không Mỹ nói: “Hành động của anh phải làm cho công nhân viên tự hào. Là một người lãnh đạo tài năng, anh phải có mức đạo đức cao nhất, anh phải trở thành cái gương để mọi người noi theo, đồng thời phải tạo ra cái không khí coi trọng đạo đức trong toàn thể công nhân viên”. Có thể nói để làm ăn lâu dài, có ích cho xã hội và cho chính mình, hơn ai hết các nhà quản trị kinh doanh thời nay phải có đạo đức, phải học tập được tinh thần coi trọng đạo đức như Robert.Crandall và phải thường xuyên xem xét lại việc ra quyết định của mình là có đạo đức hay không.

Ý thức trách nhiệm trong quản trị, đó là việc đền đáp phải làm của con người đối với xã hội mà trong đó con người đã tồn tại và đạt được các nhu cầu, các mong muốn, các mục tiêu của mình. Nhờ có xã hội mà con người đạt được các nhu cầu, mục tiêu mong muốn thì con người phải có trách nhiệm hoàn trả cái mà con người đã lấy đi,đã chiếm dụng của xã hội. Trách nhiệm xã hội là nội dung quan trọng của đạo đức quản lý, đó là nghĩa vụ đối với cộng đồng trong cuộc sống thể hiện thông qua việc tự giác không thực hiện các mục tiêu, giải pháp quản lý đem lại hậu quả xấu cho xã hội và cộng đồng.

Matsuno Suke Matsushita là một người mà đạo đức và ý thức trách nhiệm trong kinh doanh của ông đáng để cho các nhà quản trị sau này noi theo. Ông là người sáng lập ra vương quốc Mitsushita nhưng lại là một con người rất giản dị, khiêm nhường, phục vụ cống hiến để nâng cao chất lượng sống của nhân loại, lấy việc tạo phúc cho con người làm chức trách của mình. Giới kinh doanh Nhật Bản có một câu danh ngôn chí lí “Nhà quản trị trước hết hãy quản tốt mình”. Muốn làm một nhà quản trị giỏi, một người có đầy tinh thần trách nhiệm thì trước hết phải nghĩ đến việc quản lý bản thân mình sau đó mới có thể nghĩ đến việc quản lý những người khác, từ đó mới có thể hình thành một sức mạnh đạo đức to lớn, là một tấm gương sáng, kích thích nhiệt tình làm việc của cấp dưới.

4.Sức khỏe

Sản phẩm của các nhà quản trị chính là quyết định, mà quyết định chính là sản phẩm của trí tuệ, nhưng trí tuệ của một người lại phụ thuộc phần lớn vào tình trạng sức khoẻ của người đó. Chính vì vậy chúng ta thấy rằng một cơ thể ốm yếu bệnh hoạn thì khó có thể ra được quyết định kinh doanh đúng đắn.

Thực tế cũng có những ngoại lệ như trường hợp của tổng thống Mỹ Franklin Roosevel, ông là một danh nhân mà sức khỏe lại thật tệ hại (hồi 40 tuổi ông bị liệt ở chân). Nhưng đại đa số các danh nhân, các nhà kinh doanh lỗi lạc đều có một sức khoẻ dồi dào, bởi vì chỉ có như vậy họ mới có thể hoạt động, cống hiến không biết mệt mỏi, có đầu óc minh mẫn để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường. Chính vì vậy các nhà quản trị phải thường xuyên rèn luyện nâng cao sức khoẻ, phải coi đó như là nguồn lực cho một tinh thần minh mẫn. Xưa nay, các giám đốc, các doanh nhân, các chính khách nổi tiếng và thành đạt đều có khả năng làm việc hết sức bền bỉ, họ có thể làm việc liên tục không nghỉ mười mấy tiếng một ngày, trong những điều kiện của môi trường không được thuận lợi và phải chịu nhiều sức ép của môi trường. Để có một tinh thần minh mẫn, sáng suốt, ra được những quyết định đúng đắn nhà quản trị cần có một sức khoẻ dồi dào, một thể lực tốt để có thể chịu đựng những áp lực cao từ công việc và từ đó có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất có thể.

5. Kinh nghiệm

Để ra một quyết định nào đó trong kinh doanh không chỉ đơn thuần đòi hỏi các nhà quản trị phải có học, có hiểu biết lý luận mà đòi hỏi họ phải có càng nhiều kinh nghiệm càng tốt.

Mỗi lần ngã là mỗi lần bớt dại, ai “nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết và thực tế các nhà quản trị sẽ bớt đi những sai lầm không đáng có, nhanh nhạy, dễ dàng và quyết đoán hơn trong những tình huống ra quyết định kinh doanh. Sử dụng kinh nghiệm sẽ là đặc biệt hữu ích trong những trường hợp ra quyết định đã quá quen thuộc hoặc thiếu thông tin. Tuy nhiên lạm dụng sử dụng kinh nghiệm khi tình thế, điều kiện đã thay đổi có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Chính vì vậy sáng suốt sử dụng kinh nghiệm trong quá trình ra quyết định là một đòi hỏi tất yếu khách quan đối với các nhà quản trị.

6. Biết tuyển dụng nhân tài

Tuyển dụng người tài, một công việc khó khăn và hết sức quan trọng đối với tổ chức, nó đòi hỏi nhà quản trị phải nắm bắt được nghệ thuật tìm người tài. Ngoài việc phải biết đặt đúng người vào đúng vị trí sở trường của họ còn phải nắm bắt được các quy luật tâm lý chi phối họ, bởi lẽ đối với bản thân mỗi người tài, điều mấu chốt là phát huy được sở trường của mình, thi thố được tài cán của mình, thậm chí họ không cần tính đến sự báo đáp thù lao của mình.

Ông vua gang thép của nước Mỹ Andrew Carnegie đã từng nói “Cứ việc lấy đi công xưởng, thị trường và toàn bộ tài sản tiền bạc của tôi, nhưng để lại cho tôi số nhân viên của tôi, thì 4 năm sau tôi sẽ lại trở thành ông vua sắt thép như cũ”. Câu nói này đã nói lên một cách đầy đủ vai trò quan trọng của việc phải có một đội ngũ nhân viên giỏi trong doanh nghiệp.

Tuyển mộ người tài trước tiên phải biết người giỏi về mặt nào. Đây là điều mà từ hơn 2000 năm trước đây, các nhà quân sự đã biết tới. Khi hồi tưởng lại những nguyên nhân có thể khiến mình chiến thắng được Hạng Võ mà giành được thiên hạ, Lưu Bang đã nói: “Vận trù mưu lược trong màn trướng để quyết thắng địch ở ngoài ngàn dặm xa ta không bằng Tử Phòng; cai trị quốc gia vỗ về dân chúng, cung cấp lương ăn, ta không kịp Tiên Hà; dẫn trăm vạn quân, đánh tất thắng, cướp tất được ta không bằng Hàn Tín. Cả ba người đều là kiệt nhân, ta có thể dùng họ, điều này khiến ta giành được thiên hạ”. Lưu Bang có thể nói là một điển hình mẫu mực biết sử dụng tài của con người trong thời cổ đại. Ngày nay người lãnh đạo không thể việc nào cũng giỏi hơn người khác nhưng phải có cái tài dùng người hơn người khác.

Có thể nói việc tuyển chọn nhân tài cho tổ chức vừa thể hiện năng lực chuyên môn của nhà quản trị vừa thể hiện nghệ thuật dùng người của người đó, và  chỉ có những nhà quản trị tài năng mới có thể mang về đúng con người mà tổ chức cần.

Tóm lại, để có thể trở thành một nhà quản trị giỏi, nhà quản trị cần có đầy đủ các tố chất trên. Tuy nhiên, không ai là có thể hoàn hảo được, do vậy, họ có thể yếu về mặt này nhưng lại mạnh về mặt khác tuỳ vào khả năng của từng người và tuỳ vào vị trí của họ trong tổ chức. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng để có thể làm một nhà quản trị thành công thì ít nhất nhà quản trị đó cũng phải có ba yếu tố: có lương thức, nghĩa là  biết nhận định, phán đoán, có tinh thần thực tế, để có thể thích ứng; có nhiều kinh nghiệm và có sức khoẻ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để có thể trở thành một nhà quản trị giỏi.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Ngọc Huyền, “Thay đổi và phát triển doanh nghiệp”, NXB Phụ nữ, 2009.

2. Nguyễn Thành Độ, “Quản trị kinh doanh”, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2007.

3. http://www.quantri.com.vn

4. http://www.saigontimes.com

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube