Sinh viên tốt nghiệp Khoa KT-QTKD và khả năng thích ứng với công việc

Đối với sinh viên, sau khi tốt nghiệp, tìm được việc làm là vấn đề quan trọng nhất. Trong khi với giảng viên, ngoài công tác chuyên môn, điều mà họ quan tâm nhất là sản phẩm do mình đào tạo ra có đáp ứng được nhu cầu của xã hội hay không ?

Tháng 7/2012, sinh viên K1-QTKD, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (KT-QTKD) tốt nghiệp. Đây là khóa đào tạo đại học đầu tiên của trường Đại học Hà Tĩnh chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, miệt mài nghiên cứu sách vở, các em bước vào một môi trường hoàn toàn mới với nhiều thử thách của cuộc sống, nhưng cũng đầy cơ hội để chứng tỏ năng lực và khả năng của bản thân.

Gặp lại Tuấn ở Công ty Cẩm Anh chuyên về tư vấn xây lắp mạng an ninh và cảnh báo. Vẫn giữ được phong thái nhiệt tình, năng nổ của một người từng rất trách nhiệm trong công tác đoàn, Tuấn giờ chín chắn và chững chạc hơn trong vai trò của một nhân viên kinh doanh mạng - lĩnh vực mà Tuấn rất đam mê khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bạn cho biết: “Ngay sau khi tốt nghiệp mình lập tức nộp hồ sơ xin việc. Trong một thời gian ngắn, mình được nhận vào công ty. Giữa môi trường học đường và môi trường làm việc hoàn toàn khác nhau, nhưng mình không hề bất ngờ vì khi đi học, qua những tiết giảng của thầy cô và qua quá trình thực tập mình cũng đã phần nào tiếp cận được với môi trường làm việc của các công ty.”

Tuấn còn chia sẻ, đa số các bạn sinh viên trong lớp và Khóa I đã xin được việc làm, có nhiều bạn đang công tác tại tỉnh nhà, nhưng cũng có bạn vào Nam hoặc ra Bắc để thể hiện khả năng làm việc ở những công ty lớn. Đây là một thông tin bất ngờ, bởi ở thời điểm hiện  tại thật không dễ để tìm được việc làm.

04-01KinhTe

Nhằm kiểm chứng thông tin, tôi liên lạc với Phương qua số điện thoại mà Tuấn cung cấp. Giọng nói cứng cáp, Phương cho biết bạn đang làm tại phòng Bồi thường thuộc Công ty Bảo Minh Hà Tĩnh. Qua Phương, tôi cũng biết Trinh giờ đang là nhân viên của Công ty Viettel chi nhánh Hà Tĩnh, Oanh đang làm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thạch Hà, Cảnh  công tác ở một Công ty kinh doanh Cà phê, trong khi Hiền, Ánh Dương đã ra Thủ đô làm việc, nghe nói cũng ở các công ty lớn, còn Đàn tiếp tục thể hiện năng lực công tác đoàn khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Tình cờ gặp Quỳnh Anh tại VPbank Hà Tĩnh, được biết Quỳnh Anh đã vượt qua gần 50 thí sinh khác để thi đỗ vào VPbank Hà Tĩnh cùng hai bạn ở Học viện Tài chính và Học viện Ngân hàng, đang là nhân viên tập sự rất duyên dáng ở bộ phận chăm sóc khách hàng; gặp Tất vào một buổi chiều tại một quán ăn dịp 20/11, Tất đang cùng các bạn khóa sau đi ăn tối sau chuyến hành hương về quê Bác, Tất bây giờ là nhân viên phòng Tài chính ở thị trấn Hồng Lĩnh, nghe Tất bảo các bạn lớp Tất khoảng 50% vào Nam xin việc và về cơ bản các bạn cũng đã có việc làm. Gặp lại các em tôi không nén nỗi xúc động, vậy là "sản phẩm" đầu tiên của chúng tôi nhiều em đã có những bước khởi đầu thuận tiện, điều này thể hiện nỗ lực của các em trong học tập và rèn luyện, và bản thân mỗi người giáo viên cũng thấy tự hào về thành quả của mình trong đó.

Tuy nhiên, không phải sinh viên K1-QTKD của Khoa KT-QTKD nào cũng tìm được việc ưng ý, đúng ngành nghề đào tạo. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ, trên thị trường lao động thực tế rất khó tìm được điểm “cân bằng” giữa cung và cầu về lao động. Do đó, sau một thời gian làm việc, một số sinh viên đã xin nghỉ việc chờ cơ hội mới hoặc tiếp tục học để nâng cao trình độ. Điển hình như Trang. Bạn chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp mình xin vào làm ở VP Bank. Nhưng bây giờ mình đã nghỉ việc để tiếp tục học lên.” Hiện Trang đang chuẩn bị nhập học lớp thạc sĩ chuyên ngành QTKD ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; theo thông tin từ phòng đào tạo, một vài bạn khác cũng đang nộp đơn thi cao học tại Trường Đại học Hà Tĩnh.

Còn Thơ, dù học ngành QTKD, nhưng hiện tại bạn lại làm kế toán cho một Công ty xây dựng trên địa bàn Hồng Lĩnh. Thế nên, khi tôi băn khoăn về khả năng thích ứng với công việc, Thơ lập tức khẳng định: “Mình vẫn làm tốt công việc vì khi ở trường mình đã được học môn kế toán”. Bạn còn nhắn nhủ với các em sinh viên khóa sau rằng, để thích ứng nhanh với công việc, khi còn đi học, các nên chủ động trong việc tìm Công ty để thử khả năng làm việc của mình.

Đồng tình với quan điểm của Thơ, Tuấn chia sẻ thêm: “Dù học bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào đi nữa thì mỗi bạn sinh viên cũng cần tạo cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc thì mới có thể làm tốt công việc của mình. Tạo cho bản thân một niềm đam mê công việc, một sự nhiệt tình khao khát thể hiện bản thân. Sinh viên ngoài những kiến thức được học trên lớp còn những kĩ năng cả trong công việc và cuộc sống. Đó cũng là một trong những nhân tố không thể nào thiếu khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Sinh viên có thể học các kĩ năng này bất kì đâu. Trong hoạt động giao tiếp hàng ngày, trong các tổ chức, trong các hoạt động chung  của trường (trong các câu lạc bộ, các cuộc thi,.. ). Tất cả đều tạo cho sinh viên những kĩ năng, sự tự tin và khả năng thích ứng với công việc và môi trường mới.”

Trong khi Đàn nhấn mạnh: “Bên cạnh một kiến thức chuyên môn sâu và chắc chắn các bạn cần có phải có kiến thức về ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc theo nhóm, kĩ năng làm việc, cách trình bày diễn đạt tự tin, đam mê nghề nghiệp. Đó thật sự và không thể thiếu đòi hỏi các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.”

Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, thậm chí không ít doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Để tồn tại, họ buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc cắt giảm nhân công. Thế nên, không quá ngạc nhiên khi theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố tại Hà Nội ngày 18/12/2012 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện cả nước có gần 1 triệu người thất nghiệp bởi nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp cũ.

Với một thực trạng như vậy thì tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đã chứng tỏ được khả năng thích ứng nhanh với môi trường mới của các sinh viên Khoa KT-QTKD. Đây vừa là niềm vui ban đầu của các em vừa là niềm phấn khởi của các thầy cô giáo Khoa KT-QTKD nói riêng và Trường Đại học Hà Tĩnh nói chung. Bởi khả năng tìm việc và làm việc của các em đã cho thấy phương hướng, mục tiêu “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội” của nhà trường đang đi đúng hướng./