PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ TĨNH - CẦN QUAN TÂM ĐẾN CÁC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là “tài sản” vô giá mà các thế hệ cha ông đi trước đã để lại cho chúng ta hôm nay, nó có thể trở thành một bộ phận quan trọng của tài nguyên du lịch nhân văn khi chúng ta biết khai thác phát huy giá trị để phục vụ cho hoạt động du lịch.

Luật du lịch Việt Nam (năm 2005) ghi rõ: Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Như vậy, theo luật Du lịch Việt Nam các di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) chỉ trở thành tài nguyên du lịch nhân văn khi được khai thác sử dụng phục vụ cho mục đích du lịch.

Ở Hà Tĩnh cùng với sự phong phú, đa dạng của hệ thống các di sản văn hóa vật thể là sự phong phú và đa dạng của hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm “tiếng nói - chữ viết, kho tàng ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian và các loại hình nghệ thuật truyền thống, lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, kho tàng tri thức dân gian về các nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống,…”(Luật Di sản văn hóa năm 2001).Theo thống kê bước đầu các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Tĩnh có: trên 45 làng nghề, trong đó có một số làng nghề nổi tiếng như: Mộc Thái Yên, Rèn Trung Lương, Nón Phù Việt, Gốm Cẩm Trang...; có hơn 108 lễ hội, bao gồm cả lễ hội dân gian và lễ hội tôn giáo, tiêu biểu có các lễ hội như: lễ hội Sĩ, Nông, Công, Ngư, Thương ở Xuân Thành; lễ hội chùa Hương Tích, lễ hội đền Lê Khôi, lễ hội cầu ngư xã Cẩm Nhượng, lễ hội đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,… Hà Tĩnh cũng phong phú cả về mảng thơ ca dân gian, Hát nói, Hò, Vè, Ví, Giặm...bước đầu các nhà nghiên cứu đã thống kê được gần 100 làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh, trong đó Dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Ca trù Cổ Đạm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hò chèo cạn Cẩm Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia,...

Ngoài các di sản văn hóa phi vật thể được nêu trong Luật di sản văn hóa (năm 2001), bài viết còn đề cập đến các di sản văn hóa phi vật thể cũng có vai trò quan trọng,mang giá trị, ý nghĩa hết sức to lớn trong hoạt động du lịch, đó là các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với các di tích lịch sử-văn hóa như: các giá trị lịch sử-văn hóa, lễ hội gắn với di tích, gắn với nhân vật được thờ tại di tích, gắn với sự kiện chính trị, sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích, các trò chơi, trò diễn, tích truyện, truyền thuyết,...liên quan đến di tích, đến nhân vật được thờ tại di tích...Do vậy, cùng với sự phong phú, đa dạng của các di tích lịch sử-văn hóa ở Hà Tĩnh là hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích mà lâu nay chúng ta chưa thật tập trung trong khai thác phát huy giá trị. Các di sản văn hóa phi vật thể này mang giá trị, ý nghĩa to lớn cần được khai thác để đưa vào phục vụ cho hoạt động du lịch, đón khách tham quan, tạo nên sức hấp dẫn du khách, tạo nên nét riêng biệt ở các di tích và tạo nên nét đặc sắc cho du lịch nhân văn ở Hà Tĩnh.

Những năm qua du lịch Hà Tĩnh đã có những khởi sắc, những bước tiến đáng kể, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch biển, khu vui chơi giải trí được đầu tư và thu hút đầu tư, như: bãi biển Thiên Cầm, khu du lịch Xuân Thành, khu du lịch sinh thái nước sốt Sơn Kim, khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, khu Vinpearl Cửa sót,...Tuy nhiên, xét một cách tổng thể và toàn diện thì du lịch Hà Tĩnh những năm qua chỉ mới quan tâm đầu tư về du lịch bãi biển, du lịch sinh thái mà chưa quan tâm đầu tư mạnh mẽ đến tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là chưa khai thác giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể - nguồn tài nguyên du lịch nhân văn dồi dào và giàu tiềm năng của du lịch Hà Tĩnh. Hầu hết các di sản văn hóa của Hà Tĩnh chỉ mới dừng lại ở bảo tồn, mà chưa quan tâm đến tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị, nhất là giá trị văn hóa phi vật thể để phục vụ cho hoạt động du lịch, phục vụ du khách. Chỉ khi nào chúng ta phát huy được các giá trị của di sản văn hóa thì lúc đó các di sản văn hóa mới trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, chuyển tải được bản sắc riêng của du lịch Hà Tĩnh đến với du khách. Bởi chính với hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, dày đặc của Hà Tĩnh mới có thể góp phần tạo nên nét đặc sắc của du lịch Hà Tĩnh khi mà chúng ta biết khai thác, phát huy giá trị để làm cho vùng đất Hà Tĩnh giàu truyền thống cách mạng được nổi bật, được biết đếnqua các di tích lịch sử-văn hóa có tính địa chỉ đỏ và qua các di sản văn hóa phi vật thể có tính bản sắc của Hà Tĩnh.

Bài viết xin đi sâu đề cập một số giải pháp khai thác các di sản văn hóa phi vật thể vào phát triển du lịch ở Hà Tĩnh và chủ yếu là khai thác các di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích lịch sử-văn hóa, các làng nghề truyền thống, các làn điệu Dân ca Ví, Giặm, Ca trù Cổ Đạm, diễn xướng nghệ thuật truyền thống vào phục vụ hoạt động du lịch, không đi sâu vào các di sản văn hóa phi vật thể khác.

- Trước hết, để khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể tại các di tích,chúng ta cần tập trung vào khai thácgiá trị lịch sử-văn hóa, đó là: các sự kiện lịch sử- văn hóa gắn với quá trình hình thành, tồn tại của di tích, gắn với nhân vật được thờ; các truyền thuyết; tích truyện về nhân vật được thờ tại di tích; các lễ hội diễn ra tại di tích; các trò chơi; trò diễn; diễn xướng nghệ thuật dân gian gắn với di tích hoặc có liên quan đến di tích,...Để khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể này chúng ta cần xây dựng hệ thống các công trình bổ trợ tại các di tích, như: nơi nghỉ chân và nghe giới thiệu về giá trị lịch sử- văn hóa của di tích (giống mô hình Ngã Ba Đồng Lộc) hoặc cử cán bộ thuyết minh (hướng dẫn viên tại điểm) giới thiệu các giá trị lịch sử-văn hóa của di tích trong suốt hành trình tham quan di tích của du khách (khu lưu niệm Nguyễn Du); nơi chiếu phim, xem các video clip về tích truyện, dã sử, truyền thuyết, huyền thoại gắn với nhân vật được thờ, ...nơi tổ chức và diễn ra các trò chơi, trò diễn, diễn xướng Nghệ thuật dân gian truyền thống và hiện đại gắn với di tích (và địa phương),..

 

(Đoàn du khách tham quan Di tích Ngã ba Đồng Lộc)

- Về khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể là các làng nghề hay phát triển du lịch làng nghề, đang là hướng quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Ở Hà Tĩnh có trên 45 ngành nghề truyền thống, nhưng việc khai thác phát triển loại hình du lịch này gần như chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở khôi phục, bảo tồn, chống thất truyền,...mà chưa chú trọng đầu tư khai thác giá trị văn hóa của các làng nghề để đưa vào khai thác, phát huygiá trị phục vụ hoạt động du lịch, đón khách tham quan; Mỗi vùng, miền, địa phương khác nhau do những điều kiện tự nhiên, nguyên vật liệu khác nhau mà có những đặc điểm khác nhau tạo nên tính đặc trưng vùng, địa phương. Vì vậy, đến với du lịch làng nghề, du khách ngoài được xem cảnh quan thiên nhiên của làng, các di tích của làng nghề và các di tích liên quan đến tổ nghề,.. rất cần được nghe các câu chuyện, xem các sự tích, truyền thuyết về nghề, về tổ nghề, về lễ hội, về trò diễn, trò chơi…gắn với làng nghề, đó chính là các di sản văn hóa phi vật thể của làng nghề.Ngoài ra, để phát triển du lịch, đón du khách, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn làng nghề và sản xuất ra hàng hóa thông thường để bán, mà phải sản xuất, chế tác các hàng hóa có tính chất du lịch như đồ lưu niệm, các sản phẩm do tự tay du khách trải nghiệm làm ra để mang về,…vì với khách du lịch khi mua một đồ vật nào đó trong chuyến đi du lịch không phải để đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà chủ yếu là để kỷ niệm về chuyến đi. Do vậy, với loại hình du lịch làng nghề truyền thống rất cần áp dụng mô hình du lịch trải nghiệm để du khách tự trải nghiệm với nghề và tự tay làm ra sản phẩm khi họ muốn..

 

( Làng nghề đan lát xã Thạch Long – Thạch Hà – Hà Tĩnh)

 

- Về di sản văn hóa phi vật thể là các làn điệu Dân ca Ví, Giặm, Hò, Vè, diễn xướng nghệ thuật truyền thống,... khối “tài sản” vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta, có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo nên nét đặc sắc riêng của từng vùng, miền; đồng thời là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị trong khai thác, phát triển du lịch. Do đó, thiết nghĩ để góp phần đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển và tạo nên nét đặc sắc cần phát huy một cách có hiệu quả các di sản văn hóa phi vật thể là các làn điệu dân ca Ví, Giặm và diễn xướng nghệ thuật dân gian truyền thống vào phục vụ hoạt động du lịch, cần có các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích, cấp phép hoạt động cho các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm, Câu lạc bộ Ca trù, các đoàn Nghệ thuật, các trường học,.. có biểu diễn Dân ca Ví, Giặm, biểu diễn Ca trù đạt tiêu chuẩn để hoạt động biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch khi có nhu cầu. Tuy vậy, muốn cho các Câu lạc bộ và các đoàn nghệ thuật hoạt động hiệu quả, tất cả chúng ta phải có ý thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quê hương, nhất là các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như: các cơ sở lưu trú (khách sạn), khu du lịch sinh thái (resort),...có thể mời các Câu lạc bộ hoặc đoàn Nghệ thuật, nghệ nhân, ca sĩ,... đến biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch tại khách sạn, khu resort của mình; hoặc cũng có thể dẫn khách du lịch đi theo tua đến đến các địa danh sản sinh ra các làn điệu dân ca, diễn xướng nghệ thuật như: đến Nghi Xuân tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh và nghe hát Ca trù Cổ Đạm và xem diễn xướng Trò Kiều; đến Trường Lưu tham quan Phúc Giang Thư viện, xem Mộc bản Trường Lưu và nghe hát Ví phường Vải, du thuyền trên sông La và nghe hát Ví đò đưa sông La,...hoặc cũng có thể đưa khách du lịch đến các trường phổ thông nghe và xem các em học sinh được dạy hát dân ca từ nhỏ trong trường học, đến thành phố Hà Tĩnh du khách có thể xem các chương trình biểu diễn dân ca của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở nhà hát, rạp hát, các trường nghệ thuật, ...Để làm tốt điều này, đòi hỏi các công ty lữ hành phải vào cuộc mạnh mẽ, trong xây dựng các tua, tuyến du lịch phải có phần nghe hát hoặc xem chương trình nghệ thuật diễn xướng dân gian là những sản phẩm du lịch và là một phần trong các tua, tuyến của mình để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán cho du khách, làm được điều này không chỉ bán được sản phẩm nghệ thuật diễn xướng dân gian mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và  “đặc sản” tinh thần của quê hương Hà Tĩnh, làm cho du lịch Hà Tĩnh có hồn hơn, sâu sắc và ấn tượng hơn.

(Ca trù, Ví, Giặm Hà Tĩnh đi vào đời sống)

Tóm lại, để phát triển du lịch Hà Tĩnh, bên cạnh đầu tư khai thác du lịch biển, du lịch sinh thái tự nhiên,...cần quan tâm hơn nữa trong đầu tư khai thác nguồn tài nguyên du lịch nhân văn là các di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể, hãy tập trung tối đa cho việc khai thác, phát huy các giá trị vốn có của của các di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng trong các di tích lịch sử- văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể là các làng nghề truyền thống và đặc biệt là các nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc của bản địa như Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền, Hò chèo cạn Cẩm Nhượng,...hãy làm cho các giá trị văn hóa phi vật thể đó được sống và phát triển mạnh mẽ phục vụ hoạt động du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, đem lại thu nhập kinh tế cho xã hội. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải làm cho mọi tầng lớp từ cán bộ đến người dân hiểu được các di sản văn hóa phi vật thể là “tài sản” có giá trị mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta và các thế hệ tiếp theo là ứng xử, khai thác đúng đắn khối “tài sản” to lớn mà cha ông để lại để phục vụ cho cuộc sống và phục vụ cho xã hội đương đại. Nếu chỉ dừng lại ở bảo tồn, mà không chú trọng khai thác giá trị vào hoạt động du lịch thì sớm muộn các di sản văn hóa phi vật thể sẽ bị lãng quên theo thời gian./.