Bàn về vấn đề chuyển dịch lao động ở Hà Tĩnh

Cơ hội việc làm và thu nhập cạnh tranh đã thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các quốc gia và vùng miền. Hà Tĩnh là tỉnh được đánh giá có mức độ chuyển dịch lao động cao, đặc biệt là chuyển dịch lao động đi nước ngoài. Chuyển dịch lao động đã góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, nó cũng gây ra không ít những khó khăn và thách thức.

  1. Tình hình chuyển dịch lao động tại Hà Tĩnh

Theo số liệu của tổng cục thống kê giai đoạn 2010-2019, tỷ suất xuất cư của Hà Tĩnh có xu hướng tăng trong những năm gần đây, trong đó nữ giới có xu hướng xuất cư nhiều hơn nam giới.

Hà Tĩnh có số lượng nhập cư và xuất cư đều lớn, điều này gây nên những biến động trong dân số và đời sống xã hội. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, Hà Tĩnh có tỷ suất di cư thuần âm -64,5‰, trong đó tỷ suất xuất cư chiếm tỷ lệ lớn 76,0‰. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, do lao động nhập cư tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng nên tỷ suất di cư thay đổi, chênh lệch giữa xuất cư và nhập cư thu hẹp, tỷ suất di cư thuần năm 2019 còn -25,06‰.

Theo báo cáo của Lãnh đạo tỉnh, Hà Tĩnh hiện có khoảng 58.000 lao động đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua lượng kiều hối gửi về, nguồn thu ngoại tệ và kỹ năng tay nghề được nâng cao. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) năm 2021, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD. Con số này chiếm hơn 6% GDP của Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á là nước nhận được lượng kiều hối lớn nhất, chỉ sau Philippines. Thu nhập từ người lao động nước ngoài đã cải thiện đời sống của người dân, tăng tiết kiệm và gia tăng đầu tư tư nhân trong dài hạn. Hiện tại, trong số các lao động tại nước ngoài, số có hợp đồng là 30.033 người (chiếm 51,78 %), số không có hợp đồng là 27.967 người (chiếm 49,22%). Do nhu cầu của một bộ phận người dân nên đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép, chủ yếu là sang Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Anggola…Điều này đã gây ra rất nhiều rủi ro và thách thức như chi phí cao, bị lừa đảo trong quá trình tuyển dụng, không được bảo hộ lao động, phải chịu một số hình thức vi phạm quyền lao động và tiếp cận rất hạn chế với cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả.

Xét theo giới tính, nữ lao động thường làm những công việc như giúp việc gia đình (chiếm khoảng 25% tổng số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài), trong ngành dệt may (khoảng 12%) hoặc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (khoảng 12%). Lao động nam làm việc tại Đài Loan và Trung Quốc (chiếm khoảng 15% tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài), Malaysia (khoảng 12%) và Hàn Quốc (khoảng 12%), đây là thị trường tiếp nhận phổ biến. Ngành nghề công việc thường được người lao động thực hiện ở nước ngoài gồm xây dựng (khoảng 19% trong tổng số lao động nam đi làm việc ở nước ngoài), lao động nhà máy (khoảng 16%) và thợ điện (khoảng 6%).

Theo khảo sát, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường trong độ tuổi từ 20 đến 29, chiếm 49% trong tổng số. Trong nhóm tuổi này, lao động nữ chiếm 38% và lao động nam chiếm 54%... Với lượng xuất cư lớn dẫn tới biến động dân số, đồng thời "chảy máu" nguồn lao động, thiếu lao động bám biển, chăm sóc người già, giáo dục trẻ em…làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển ở một số địa phương và đời sống tinh thần của không ít người dân. Ví dụ như ở xã Cương Gián- huyện Nghi Xuân, hiện tại có khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động đi làm việc nước ngoài, dân cư sinh sống tại địa phương chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Trẻ em thiếu sự giáo dục chu đáo của cha mẹ có thể dẫn tới những hệ lụy trong tương lai, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Hơn nữa, người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng ở nước ngoài trở về nước khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mới, do độ tuổi không còn phù hợp.

  1. Một số giải pháp và kiến nghị

Những năm qua cơ hội việc làm tại Hà Tĩnh gia tăng, tuy nhiên nguồn nhân lực tại chỗ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hoạt động xuất cư, nhập cư lớn đã ảnh hưởng đến tình hình dân số, đời sống xã hội của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động xuất cư trái phép vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Chính vì những lý do đó, tác giả xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau:

+ Tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, công an Tỉnh và các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), tư vấn du học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này. Người lao động xuất cư ra nước ngoài thông qua môi giới, thiếu thông tin về quy định các mức phí phải đóng, và thông tin về công việc tiếp nhận. Thực tế cho thấy người lao động vẫn chịu chi phí cao trong tuyển dụng. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về XKLĐ, quy định rõ, chặt chẽ để xử lý nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài nhằm trục lợi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến thông tin về các hành vi lừa đảo trong XKLĐ để người lao động nâng cao cảnh giác. Xây dựng website chính thống của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về XKLĐ, cập nhật các thông tin liên quan, các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép XKLĐ để người lao động dễ dàng tiếp cận.

+ Có chính sách hỗ trợ đặc thù đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho Tỉnh Hà Tĩnh

Các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp với các doanh nghiệp rà soát nhu cầu nhân lực, định kỳ hàng quý cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng. Việc đào tạo cần có sự phối hợp giữa các trường Đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa phương và các doanh nghiệp thực hành. Đồng thời, rà soát lại và tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền để thu hút học sinh, sinh viên tốt nghiệp, lao động có hộ khẩu thường trú tại Hà Tĩnh về làm việc tại KKT Vũng Áng, nghiên cứu chính sách hỗ trợ hoàn học phí cho sinh viên. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chính người dân địa phương kêu gọi con em họ về làm việc tại quê hương.

+ Tăng cường cải thiện môi trường kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, thu hút đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm cho các lao động tại địa phương

Tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp, doanh nhân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

  1. Kết luận

Dịch chuyển lao động đã mang lại việc làm và thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại nhiều bất cập trong quá trình XKLĐ, gây ra những biến động dân số, giáo dục tại địa phương. Chính vì thế, cần phối hợp các đơn vị liên quan để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực về XKLĐ, giải quyết việc làm cho lao động, ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cục Thống kê Hà Tĩnh. 2019. Niên giám Thống kê Tỉnh Hà Tĩnh năm 2019. Nxb Thống kê

Tổng cục Thống kê. 2019. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019

Tổng cục Thống kê. 2020. Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nxb

Thống kê

Tổng cục Thống kê. 2021. Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020.