MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐÀO TẠO KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH

Tóm tắt

Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đổi mới đang át triển rất mạnh mẽ, tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp được nhân lên, xã hội chú trọng các hoạt động giáo dục đào tạo về khởi nghiệp đặc biệt cho học sinh sinh viên. Là một trường đại học công lập địa phương, trường Đại học Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động truyền cảm hứng và hình thành năng lực khởi nghiệp cho học sinh sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh. Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề trong đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên tại trường Đại học Hà Tĩnh.

Từ khóa: khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp

  1. Đặt vấn đề

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành QĐ 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”; Bộ GD&ĐT ban hành QĐ số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 ban hành Kế hoạch triển khai đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Vào ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 – Techfest 2017” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã khẳng định vấn đề truyền tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên các trường đại học là một trong những khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam mặc dù nhiều trường Đại học đã rất tích cực tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy hành trình khởi nghiệp thông qua việc tăng cường hoạt động nghiên cứu và đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là các trường đại học phải tập trung phát triển các chương trình giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên để trang bị cho người học thông tin, kiến thức, kỹ năng, và trải nghiệm nhằm tạo tiền đề thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, nâng cao chất lượng khởi nghiệp, từ đó hướng tới định hướng đào tạo ứng dụng và khởi nghiệp.

Trường Đại học Hà Tĩnh bên cạnh sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương cũng đang nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là việc truyền cảm hứng khởi nghiệp và hình thành năng lực khởi nghiệp trong các thế hệ sinh viên. Thời gian qua, nhà trường cũng đã tổ chức một số hoạt động hỗ trợ học sinh sinh viên như: tổ chức lớp “Ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp” từ năm 2017, tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” từ 2017 - 2019, tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021, xây dựng công trình “Không gian khởi nghiệp”, thành lập CLB Khởi nghiệp… tuy nhiên, những giải pháp này chưa có tính mới, chưa có sự phát triển bứt phá, đem lại hiệu quả thiết thực.

Như vậy, việc xây dựng và phát triển môi trường đào tạo khởi nghiệp tại Trường Đại học Hà Tĩnh để giáo dục kiến thức, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, trao cho sinh viền nhiều cơ hội khởi nghiệp, kết nối xã hội, thực tập va chạm thực tế là một trong những yêu cầu cần thiết.

  1. Hoạt động đào tạo khởi nghiệp đổi mới tại Trường Đại học Hà Tĩnh

2.1.Những kết quả đạt được

Trường ĐH Hà Tĩnh với sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp với cộng đồng đã tích cực trong việc tổ chức nhiều hoạt động  hỗ trợ phát triển phong trào khởi nghiệp cho HSSV nhằm mục đích hỗ trợ về kiến thức  chuyên môn, tạo môi trường cho SV xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, từ đó góp phần tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

Cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, Bộ GD&ĐT và tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động hỗ trợ SV khởi nghiệp tại Trường ĐH Hà Tĩnh đã được tổ chức  khá phong phú: Phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức Lễ phát động chương trình thanh niên  khởi nghiệp và diễn đàn SV khởi nghiệp năm 2007; Phối hợp với Trung tâm Hoa Kì, Đại sứ quán Mĩ tại Việt Nam mở các khóa học “Uơm mầm ý tưởng khởi nghiệp” và tổ  chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” liên tiếp trong ba năm từ 2017-2019; Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo; Tổ chức hướng dẫn và lựa chọn các ý tưởng khởi nghiệp SV tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp trường, cấp tỉnh, cụ thể 2 năm 2021 - 2022 đều có ý tưởng khởi nghiệp của SV HTU lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh và đạt giải tiềm năng (2021), giải khuyến khích (2022); Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp cho SV (năm 2021) với nhiều hoạt động như: tham gia “Lớp tập huấn khởi nghiệp ĐMST năm 2021 HTU”; tham quan 3 mô hình khởi nghiệp kinh doanh thành công trên địa bàn TP. Hà Tĩnh; tham gia buổi Talk-show “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Hiểu đúng để làm đúng”, Xây dựng “Không gian đổi mới sáng tạo” phục vụ SV khởi nghiệp… Thông qua các hoạt động này để thúc đẩy SV nuôi dưỡng     ý tưởng khởi nghiệp.

Bảng 2.1. Khóa học - cuộc thi khởi nghiệp do HTU tổ chức từ 2017-2019

 

Năm

Số học viên tham gia khóa học “Ươm mầm khởi nghiệp”

Số ý tưởng tham gia cuộc thi

 “Ý tưởng khởi nghiệp”

2017

 80

500 đăng kí

 

2018

 

60

2.000 đăng kí, 150 ý tưởng sơ khảo, 06  ý tưởng lọt vào chung kết

2019

50

6 ý tưởng lọt vòng chung kết

(Nguồn: tác giả tổng hợp)

Nhà Trường hàng năm đều tổ chức Hội nghị SV NCKH, tổ chức các cuộc thi làm cơ sở rèn luyện kiến thức, kỹ năng và hình thành những ý tưởng khoa học, ý tưởng khởi nghiệp như cuộc thi “Nhà quản trị tương lai”; “Kế toán giỏi” năm 2016 – 2017; “SV Kinh  tế 2023” là sân chơi trí tuệ, học thuật giúp SV trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, xử lý tình huống kinh đoanh để rèn luyện, bồi dưỡng tố chất kinh doanh, thúc đẩy tinh thần doanh  nhân.

Ngoài ra, trong chương trình học của ngành QTKD, Khoa Kinh tế - QTKD đã đưa  môn “Khởi sự kinh doanh” vào đào tạo nhằm trang bị, nâng cao những kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để SV sẵn sàng khởi nghiệp.

2.2.Đánh giá thực trạng đào tạo khởi nghiệp đổi mới tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Kết quả khảo sát 119 sinh viên tại Trường Đại học Hà Tĩnh, cho thấy hầu hết sinh viên có xu hướng đồng tình với nhận định chương trình học tại trường Đại học Hà Tĩnh đã cung cấp kiến thức và kĩ năng khởi nghiệp cũng như được khuyến khích phát triển ý tưởng khởi nghiệp tuy nhiên giá trị trung bình nằm trong khoảng từ 3 đến 4 trong thang đo 5 mức độ (nghĩa là dưới mức đồng ý)  cho thấy việc chú trọng bồi dưỡng, hỗ trợ sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp nhưng chưa thực sự quyết liệt và đồng bộ và hiệu quả.

Bảng 2.2. Kết quả thống kê mô tả

BIẾN QUAN SÁT

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

GD1: Chương trình học tại Trường Đại học Hà Tĩnh cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp

3,9

,973

GD2: Tại Trường đại học Hà Tĩnh, tôi được khuyến khích phát triển ý tưởng khởi nghiệp

3,91

1,020

GD3: Tại Trường đại học Hà Tĩnh, tôi được tham gia các hoạt động ngoại khóa về khởi nghiệp (cuộc thi, tập huấn)

3,87

,951

 

Ngoài Khoa Kinh tế – QTKD, tất cả các Khoa, Bộ môn còn lại, trong chương trình đào tạo chưa có các học phần liên quan đến kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, sinh viên tiếp xúc với hoạt động khởi nghiệp chỉ thông qua các đợt tập huấn, chương trình nhỏ, các cuộc thi không thường xuyên, chưa có hệ thống nên việc tích lũy kiến thức và trải nghiệm về khởi nghiệp đổi mới của SV còn hạn chế. Những hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển những ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên chưa thực sự hiệu quả, chưa phong phú, đa dạng để đủ sức hấp dẫn, SV tham gia chưa thực sự nhiệt tình.       Mặc dù, nhà trường đã có phân công giảng viên hướng dẫn SV chuẩn bị kế hoạch,   thuyết trình ý tưởng, tuy nhiên, những hoạt động này mang tính thời điểm, phục vụ quá trình thi “   Ý tưởng khởi nghiệp” chứ chưa có những hoạt động thường niên, mang tính chiến lược nhằm ươm mầm các hoạt động khởi nghiệp như diễn đàn khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

SV mới chỉ tập trung vào tham gia các diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm, có rất ít hoạt động tham quan thực tế, học hỏi các mô hình đã được hiện thực hóa thành công dẫn đến SV còn thiếu trải nghiệm thực tế. Nhà trường chưa có một hoạt động nào mang  tính thường xuyên, liên tục để kích thích động lực khởi nghiệp cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khởi nghiệp.

Trường ĐH Hà Tĩnh chưa xây dựng đội ngũ Giảng viên chuyên giảng dạy về khởi nghiệp, được qua đào tạo bài bản mà giao cho các GV bộ môn Quản trị kinh doanh phụ trách, và hầu hết các GV cũng chưa có trải nghiệm thực tế về khởi nghiệp.

Đối với chương trình học phần “Khởi sự kinh doanh”, “Lập và thẩm định dự án” vẫn đang được giảng dạy lý thuyết, chương trình tập huấn kiến thức khởi nghiệp cũng đã hướng dẫn SV các bước và cung cấp thông tin cho SV khởi nghiệp, tuy nhiên, trong chương trình tập huấn còn ít hoạt động tham quan trải nghiệm tại doanh nghiệp, và SV vẫn đang thực hành lập kế hoạch khởi nghiệp chứ chưa tiến hành hoạt động kinh doanh thực tế dựa trên kế hoạch mình thiết lập.

  1. Một số giải pháp cần thực hiện
    • Xây dựng chương trình đào tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Để giúp SV nhận thức đúng về khởi nghiệp cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp thông tin, kiến thức, kĩ năng, công cụ hỗ trợ SV khởi nghiệp, Trường Đại học Hà Tĩnh phải đưa xây dựng chương trình đào tạo cho tất cả các ngành đều có học phần “Khởi sự kinh doanh” nhằm giúp sinh viên có năng lực thực hiện và có kỹ năng phối hợp các chức năng quản trị kinh doanh, ngoài ra cần bổ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên bằng các khóa học chuyên môn như: pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Chương trình đào tạo được thể hiện trên hai khía cạnh: nội dung chương trình đào tạo và tính thực tiễn của chương trình đào tạo. Vì vậy, đối với từng ngành học khác nhau, tiến hành xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, với phương pháp giảng dạy phù hợp. Thay vì dạy lý thuyết, GV cần chuyển sang giảng dạy thông qua trải nghiệm nhằm giúp SV có được tư duy, tầm nhìn của người khởi nghiệp, có năng lực ra quyết định.

Ví dụ, đối với ngành Công nghệ thông tin, nội dung của các môn học có thể điều chỉnh theo hướng gắn liền với một sản phẩm phục vụ thực tiễn như việc hỗ trợ viết một phần mềm, hay lập trình một trang website, một ứng dụng có tính thực tiễn, để ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có thể thương mại hóa được. Đối với ngành Quản trị kinh doanh, SV có thể lập nhóm, tiến hành thực hiện một dự án kinh doanh thực sự, tự mình trải nghiệm các bước lập kế hoạch kinh doanh, chiến lược kinh doanh và thực hiện hoạt động kinh doanh để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp và chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp, phát huy vai trò dẫn dắt đồng hành của câu lạc bộ Khởi nghiệp. Đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc đủ năng lực vận hành các dự án khởi nghiệp.

Để xây dựng các chương trình có tính thực tiễn, cần có gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong việc thẩm định, góp ý chương trình đào tạo kiến thức khởi nghiệp, và hơn nữa là tạo môi trường giúp sinh viên trải nghiệm, khám phá, tiếp cận công việc thông qua việc liên kết, hợp tác doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin kinh tế tài chính, chương trình, giáo trình cập nhật hoặc mời các Doanh nhân đến thỉnh giảng các môn học. Định kỳ tiếp xúc tìm để hiểu nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo.

Ngoài ra, cần xây dựng diễn đàn khởi nghiệp, tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề về khởi nghiệp thường xuyên theo tháng, giao câu lạc bộ Khởi nghiệp tổ chức các chuyến tham quan tại doanh nghiệp định kì hoặc tổ chức giao lưu SV với Doanh nhân vào ngày 13/10 hàng năm…

3.2.Phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo khởi nghiệp là Giảng viên. Giảng viên là người truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê và trực tiếp cung cấp các kiến thức, kĩ năng về khởi nghiệp cho sinh viên, vì vậy Trường ĐH Hà Tĩnh cần tập trung vào các giải pháp nâng cao trình độ, kiến thức, kĩ năng về khởi nghiệp và đào tạo khởi nghiệp cho giảng viên thông qua việc cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước về khởi nghiệp để cập nhật các kiến thức về khởi nghiệp mới trên thế giới.

Giảng viên của các khóa học khởi nghiệp cần thể hiện được các kỹ năng kinh doanh, và tốt nhất là có kinh nghiệm tham gia tư vấn cho doanh nghiệp hoặc tử mở doanh nghiệp, khi đó Giảng viên hoàn toàn tự tin về kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm thực tế để hoàn thành tốt vai trò người dẫn dắt hoặc cố vấn kinh doanh cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trường ĐH Hà Tĩnh nên khuyến khích các CBGV có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tham gia công tác tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, mời các doanh nhân thành đạt thỉnh giảng các học phần phù hợp, từ đó có thể gợi ý một số mô hình khởi nghiệp để sinh viên tham khảo và hướng dẫn sinh viên cách thức để khởi nghiệp, khơi dậy trong sinh viên niềm đam mê khởi nghiệp.

Ngoài ra, Giảng viên có thể hỗ trợ thêm cho sinh viên những thông tin như: thị trường, đầu tư, chính sách, huy động vốn, cách thức tổ chức, điều hành... và các thông tin quan trọng khác.

  1. Kết luận

Để thúc đẩy đào tạo khởi nghiệp sáng tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh, nhà trường cần có những giải pháp quyết liệt, thể hiện vai trò hạt nhân trong việc nâng cao năng lực và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua việc trở thành đầu mối để liên kết các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, ban hành sớm chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, đầu tư đào tạo phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy khởi nghiệp, cùng với các giải pháp khác về truyền thông, kết nối… từ đó thực hiện tốt trách nhiệm của Trường Đại học địa phương với sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo tại Hà Tĩnh.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Huỳnh Văn Đặng, (2022), Giải pháp khuyên khích ý định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong bôi cảnh hiện nay, Tạp chí kinh tế và dự báo, số 5, Tr 42-45.
  2. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, (2019), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, “Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững”, Nhà xuất bản Lao động – xã hội.
  3. Nguyễn Thị Hồng Trang, (2021), Một số giải pháp phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh, Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tháng 4, Tr 28-30.