MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN Ở VIỆT NAM

  1. Đặt vấn đề

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 15 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN), tuy nhiên, số lượng người tham gia vẫn còn khiêm tốn so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong nền kinh tế, ngược lại, hiện tượng rời hệ thống và hưởng bảo hiểm một lần lại có xu hướng gia tăng đã đặt ra nhiều khó khăn trong việc gia tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo áp lực lên đảm bảo chính sách an sinh xã hội ở trong tương lai. Thực tế, quá trình chuyển đổi và phát triển nền kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ đã làm xuất hiện nhiều hình thức lao động mới mà chính sách BHXH đang áp dụng hiện nay chưa thể bao quát hết, đồng thời tình trạng già hóa dân số đang ngày càng cao cũng góp phần tạo nhiều gánh nặng trong cân đối và đảm bảo an toàn quỹ hưu trí, tử tuất. Với vị trí là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, chính sách BHXHTN phải thường xuyên được rà soát, đánh giá nhằm đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, đồng thời đảm bảo theo kịp và phù hợp với tình hình kinh tế, lao động, dân cư ở hiện tại lẫn xu hướng biến động trong tương lai. Vì vậy, việc đánh giá lại sự phù hợp và hiệu quả của chính sách BHXHTN hiện nay là vô cùng cần thiết.

  1. Tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam

- Về Chính sách BHXHTN

Giai đoạn 2018-2022, chính sách BHXHTN được thực hiện theo quy định của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 (Luật số 58/2014/2013), cụ thể:

+ Đối tượng: Là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXHBB).

+ Mức đóng: 22% thu nhập hàng tháng do người lao động lựa chọn, trong đó mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXHTN thấp nhất là chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cao nhất là 20 lần mức lương cơ sở.

+ Phương thức đóng: Được chọn đóng định kỳ theo tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần hoặc nhiều năm một lần (nhưng không quá 5 năm); đối với người đã đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu thì được đóng một lần cho số năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm.

+ Cách tham gia: Lập tờ khai tham gia BHXHTN tại nơi đăng ký gồm trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện hoặc tại đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn, bưu điện, hội đoàn thể,…

+ Quyền lợi của người tham gia BHXHTN: Chế độ hưu trí và tử tuất.

+ Mức hỗ trợ: Căn cứ nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 áp dụng từ năm 2018, Chính phủ hỗ trợ người tham gia BHXHTN 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% với các đối tượng khác; thời gian hỗ trợ không quá 120 tháng.

+ Điều kiện hưởng BHXH một lần: Nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm tối thiếu đóng BHXH; Người tham gia BHXHBB sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXHTN sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; Người ra nước ngoài định cư; Người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; Bộ đội, công an sau khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Như vậy, so với Luật BHXH năm 2006 áp dụng trước năm 2018 thì Luật BHXH sửa đổi năm 2014 đã có những điều chỉnh nhằm phát triển BHXHTN, đó là: chuyển 3 nhóm đối tượng từ diện BHXHTN sang BHXHBB, qua đó giúp tăng tỷ lệ tham gia BHXHTN (Lao động làm việc theo hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng; lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ, giấy phép hành nghề; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn), bỏ quy định về tuổi trần tham gia BHXHTN (người lao động không cần phải nằm trong độ tuổi lao động mới được tham gia mà chỉ cần từ 15 tuổi trở lên), giảm mức quy định về thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXHTN (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn so với mức cũ là 1 tháng tiền lương tối thiểu chung). Mặt khác, chính sách BHXHTN sau năm 2018 cũng đã giúp người tham gia BHXHTN được tự do lựa chọn phương thức đóng và mức đóng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và mức thu nhập của bản thân, cách đăng ký tham gia cũng càng ngày càng đơn giản hóa với mẫu tờ khai được công bố sẵn, có nhiều đại lý thu BHXH để cùng phối hợp, người tham gia có thể tra cứu danh sách các đại lý thu ở gần khu vực sinh sống và làm việc của cá nhân để đăng ký, đóng nộp, đồng thời các đại lý thu BHXHTN được hưởng một mức thù lao theo quy định của từng vùng, cụ thể từ năm 2019, quyết định mức chi thù lao của các đại lý thu theo quy định là từ 17% đến 19% cho đối tượng tham gia BHXHTN lần đầu và từ 7% đến 9% cho đối tượng tiếp tục tham gia BHXHTN. Nhìn chung, quy định của BHXH đối với thù lao cho đại lý thu là tỷ lệ trích cố định.

- Về kết quả thực hiện

Năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 558.000 người, gấp 2 lần so với năm 2018, bằng cả 11 năm trước cộng lại; năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 1.125.000 người, gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

Năm 2020- 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, làm giảm số việc làm và LLLĐ trong nền kinh tế, sang năm 2022 mặc dù nền kinh tế dần khôi phục lại sản xuất nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát cao cùng các tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế trên thế giới nên mặc dù số lượng tham gia BHXHTN không ngừng tăng lên  nhưng mức tăng có xu hướng giảm thấp. Cụ thể: Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,44 triệu người, tăng 29% so với năm 2020; năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,46 triệu người, tăng khoảng 12.000 người so với năm 2021 (tương ứng tăng 0,85%), chiếm tỷ lệ 2,82 % trong tổng LLLĐ.

Như vậy, tỷ lệ tham gia BHXHTN vẫn đang ở mức thấp cho thấy tiềm năng phát triển của BHXHTN trong thị trường vẫn còn rất lớn và chưa được khai thác hiệu quả, công tác triển khai phát triển BHXHTN đã có những kết quả tích cực tuy nhiên tác dụng thực tế còn chậm.

  1. Một số bất cập trong chính sách BHXHTN tại Việt Nam

Thứ nhất, chính sách BHXH hiện nay đang áp dụng có sự phân biệt giữa 2 nhóm đối tượng BHXHBB và BHXHTN, trong đó đối tượng BHXHBB được hưởng nhiều chế độ ngắn hạn hơn trong khi những người tham gia BHXHTN phải chờ 20 năm (dài hạn) mới được hưởng chế độ hưu trí hay tử tuất. Như vậy, khi so sánh với BHXHBB, người tham gia BHXHTN không được hưởng đầy đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, do đó tính hấp dẫn giảm.

Thứ hai, hỗ trợ chi phí đóng cho người tham gia BHXHTN tính theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn nên còn thấp, chưa đủ để người lao động có thu nhập thấp khắc phục khó khăn và thay đổi quyết định lẫn mong muốn tham gia vào hệ thống. Ngoài ra, theo quy định mức đóng nộp của người tham gia BHXHTN là 22% thu nhập (phần được nhà nước hỗ trợ không đáng kể, trong điều kiện bình thường chỉ có 10% chuẩn nghèo khu vực nông thôn), so sánh với nhóm đối tượng BHXHBB chỉ phải đóng với tỷ lệ 8% và phần lớn còn lại được người sử dụng lao động nộp thay cũng là một nguyên nhân khiến các lao động tự do khi tham gia BHXHTN phải chịu tỷ lệ chi phí cao hơn.

Thứ ba, thù lao đại lý thu BHXHTN chưa cao, chưa tạo cơ sở kích thích các đại lý tăng cường công tác tìm kiếm, phát triển khách hàng tham gia BHXH. Khi so sánh với cơ chế thù lao của các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác như bảo hiểm nhân thọ, chính sách chi trả thù lao đại lý thu của BHXH không có sức hấp dẫn và cạnh tranh bằng.

Thứ tư, chính sách BHXH cũng đang bỏ sót nhiều đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia BHXHBB nhưng chưa được luật hóa thành quy định như người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, các lao động tự do làm việc tại nhà, không ký kết hợp đồng lao động mà làm việc theo đơn hàng, sản phẩm như kỹ sư, nhà sáng tạo nội dung, chủ cửa hàng trực tuyến,…

Thứ năm, điều kiện hưởng bảo hiểm một lần tương đối đơn giản, không có chính sách giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH nên khi gặp khó khăn về kinh tế, người lao động sẵn sàng rút khỏi hệ thống để hưởng chế độ một lần.

Thứ sáu, quy định thời gian đóng bảo hiểm dài, tối thiểu 20 năm trong khi đối tượng tham gia BHXHTN chủ yếu là các lao động tự làm, lao động gia đình, nông dân, khu vực phi chính thức nên có nguồn thu nhập không ổn định, thiếu đảm bảo, gây khó khăn trong việc duy trì đóng nộp. Ngược lại, nhiều lao động tự do và có thu nhập cao lại không muốn tham gia BHXHTN vì có nhiều kênh đầu tư sinh lời khác cạnh tranh có thời gian thu lãi nhanh hơn như bảo hiểm nhân thọ hay các khoản đầu tư, tiết kiệm, chứng khoán…

  1. Một số kiến nghị

Để khuyến khích người dân tham gia BHXHTN nhằm gia tăng mức độ bao phủ của chính sách BHXH, nhà nước cần điều chỉnh chính sách pháp luật về BHXH để nâng cao tính hấp dẫn của BHXHTN. Cụ thể:

Thứ nhất, bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam phải thiết kế, xây dựng lại các chính sách về BHXH, trong đó điều chỉnh theo hướng hạn chế sự khác biệt giữa quyền và lợi ích được hưởng giữa BHXH bắt buộc và BHXHTN. Theo đó, nên bổ sung chính sách trợ cấp thai sản, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng tham gia BHXHTN. Xem xét và nhanh chóng thực hiện rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu xuống 15 năm để những người lao động có thời gian gia nhập muộn vẫn có cơ hội tham gia và giảm bớt gánh nặng duy trì trong thời gian dài. Ngoài ra, xem xét mở rộng thêm các đối tượng có khả năng tham gia BHXH vào diện bắt buộc như những người lao động tự do nhưng phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân,… nhằm giảm bớt phạm vi đối tượng tham gia BHXHTN.

Thứ hai, phải đánh giá lại các quy định về hưởng BHXH một lần, điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi cho người tham gia nếu bảo lưu thời gian đóng BHXH như việc bảo lưu được đánh giá là một tiêu chí ưu tiên để tiếp cận các gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đồng thời xem xét cho phép người lao động được nộp lại tiền trợ cấp BHXH một lần đã hưởng cộng với mức lãi suất đầu tư để có cơ hội được cộng nối thời gian tham gia,… 

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, Hà Nội

Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (2021), Bản tin thị trường lao động việt Nam quý 4 năm 2022, Hà Nội.

Tổng cục thống kê (2020), Báo cáo tình hình lao động việc làm năm 2020, Hà Nội.

Đinh Mai Hạnh (2021), Giái pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, Tạp chí tài chính, kỳ 1 tháng 11/2021, trang 31-33, Hà Nội.