PHÂN BIỆT KHÁI NIỆM “DU LỊCH VĂN HÓA” VÀ “VĂN HÓA DU LỊCH”

Đặt vấn đề

Việc hiểu rõ các thuật ngữ chuyên ngành du lịch để làm việc hiệu quả là một nhu cầu thiết thực đối với các nhà quản lý du lịch, những người công tác trong ngành du lịch. Thế nhưng, lâu nay, nhiều người công tác trong ngành Du lịch có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ Du lịch văn hóa và Văn hóa du lịch và người ta thường sử dụng lẫn lộn và xem chúng là một. Chúng ta cứ tưởng nó đồng nghĩa với nhau, nhưng thực ra chúng khác nhau về nội hàm của định nghĩa. Trước hết, trong bài viết này, tôi cố gắng làm rõ nội hàm của hai thuật ngữ Du lịch văn hóa và Văn hóa du lịch với hy vọng giải quyết dứt điểm sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ trên.

Du lịch văn hóa là gì?

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà khách muốn tìm hiểu và thẩm nhận về văn hóa, lịch sử dân tộc của nước sở tại thông qua di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán, cách tổ chức cộng đồng, lối sống của một dân tộc v.v... Du lịch văn hóa sử dụng nguồn Tài nguyên du lịch văn hóa để làm nền tản xây dựng sản phẩm của nó. Về tài nguyên du lịch văn hóa, Luật Du lịch 2005 gọi là Tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm “truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.

Trong loại hình Du lịch Văn hóa có thể được chia nhỏ thành nhiều loại du lịch khách như: du lịch di tích lịch sử, du lịch phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch di sản văn hóa nổi tiếng v.v... Ngoài ra, chúng ta còn có Du lịch Văn hóa đại trà cho nhiều đối tượng và Du lịch Văn hóa chuyên sâu cho một vài loại khách đặc biệt tìm hiểu sâu về văn hóa. Cũng theo Luật Du lịch 2005: “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống”.

Theo tác giả Dương Văn Sáu: “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch khai thác giá trị của các thành tố trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nhằm đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu của du khách mà vẫn bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa dân tộc”.

Như vậy chúng ta thấy rằng Du lịch văn hóa trước hết là một loại hình du lịch cũng như nhiều loại hình du lịch khác. Du lịch văn hóa lấy chỗ dựa là tài nguyên du lịch văn hóa đó là bản sắc văn hóa dân tộc (theo Luật Du lịch 2005), nhưng nói rộng ra là dựa vào văn hóa mà văn hóa là tất cả những gì con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình sống của mình.

Du lịch văn hóa tận dụng tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có sức hấp dẫn du khách và trở thành một bộ phận của tài nguyên du lịch. Du lịch văn hóa còn là phương thức để đánh thức giá trị văn hóa tiềm năng của một dân tộc. Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa phát lộ và đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc. Nhờ có du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng mà nhiều quốc gia-dân tộc trên thế giới đã tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vật chất và phục nguyên các giá trị văn hóa tinh thần vốn lâu nay bị lãng quên hay chìm đắm vì nhiều sự kiện khác của quốc gia-dân tộc xảy ra. Nhờ có du lịch văn hóa mà các di sản văn hoá được bảo vệ, trung tu, tôn tạo đồng thời với việc xây dựng mới các công trình văn hoá đương đại, làm phong phú thêm giá trị của văn hoá đương đại của quốc gia, dân tộc.

Văn hóa du lịch là gì?

Tiếp cận văn hóa từ du lịch còn được gọi là Văn hóa du lịch. Những người làm du lịch khai thác các giá trị của văn hóa và biến nó thành sản phẩm du lịch văn hóa để cung cấp cho khách du lịch. Tác giả Dương Văn Sáu xem các giá trị văn hóa là sản phẩm văn hóa, do đó ông có lập luận như sau: “Khi đưa các sản phẩm văn hóa vào trong kinh doanh du lịch sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch. Việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch đã ra đời khoa học Văn hóa du lịch. Trong hệ thống các sản phẩm được sinh ra từ văn hóa, Văn hóa du lịch là một khoa học mang tính đặc trưng, nổi trội của du lịch Việt Nam, của Văn hóa Việt Nam. Dưới đây là bảng so sánh những đặc trưng giữa sản phẩm văn hóa và sản phẩm du lịch của tác giả Dương Văn Sáu:

Sản phẩm văn hóa

Sản phẩm du lịch

Bền vững, tính bất biến cao.

Thích ứng, tính khả biến cao.

Bên cạnh dấu ấn cá nhân còn mang nặng dấu ấn của cộng đồng cư dân bản địa.

Mang nặng dấu ấn của các cá nhân, các nhà tổ chức, khai thác.

Dùng cho tất cả các đối tượng khác nhau khi có nhu cầu, phục vụ mọi người.

Chỉ dùng cho khách du lịch, phục vụ những đối tượng sử dụng dịch vụ du lịch.

Sản xuất ra không nhất thiết để bán, chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa - tinh thần của cư dân bản địa.

Hàng hóa sản xuất phải được bán ra thị trường, bán cho du khách, phục vụ nhu cầu của các đối tượng khách du lịch là cư dân của các vùng miền khác nhau.

Chú trọng giá trị tinh thần, giá trị không đo được hết bằng giá cả.

Giá trị văn hóa đi kèm giá trị kinh tế - xã hội. Giá trị được đo bằng giá cả.

Qui mô hạn chế, thời gian và không gian xác định.

Qui mô không hạn chế, thời gian và không gian không xác định.

Sản phẩm mang nặng định tính, khó xác định định lượng. Giá trị của sản phẩm mang tính vô hình thể hiện qua ấn tượng, cảm nhận...

Định tính, định lượng được thể hiện qua thời gian hoạt động. Giá trị của sản phẩm là hữu hình, biểu hiện thông qua những chỉ số kinh tế thu được.

 

Như vậy, từ các giá trị của văn hóa, chúng ta đưa vào khai thác du lịch và nó trở thành Du lịch văn hóa. Nói cách khác, Du lịch văn hóa là một sản phẩm cụ thể củaVăn hóa du lịch. Từ nguyên liệu văn hóa đến sản phẩm du lịch văn hóa là một quá trình kết hợp và sàng lọc các giá trị văn hóa mà chúng thật sự hấp dẫn con người nói chung, khách du lịch nói riêng. Từ đó, chúng ta thấy rằng không phải bất kỳ giá trị văn hóa nào cũng trở thành sản của văn hóa du lịch.

Muốn các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm của văn hóa du lịch, những người làm du lịch văn hóa phải biết kết hợp các yếu tố du lịch và văn hoá, là kết quả tinh thần và vật chất do tác động tương hỗ lẫn nhau giữa 3 loại: Nhu cầu văn hoá và tinh thần của chủ thể du lịch (du khách), nội dung và giá trị văn hoá của khách thể du lịch (là tài nguyên du lịch có thể thoả mãn sự hưởng thụ tinh thần và vật chất của người du lịch), ý thức và tố chất văn hoá của người môi giới phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người thiết kế sản phẩm, nhân viên phục vụ…) sản sinh ra. Như vậy là bằng sự kết hợp giữa chủ thể du lịch (có nhu cầu về tìm hiểu và thẩm nhận các giá trị văn hóa), khách thể du lịch (tài nguyên du lịch văn hóa) và tố chất hiểu biết văn hóa của người môi giới du lịch (người trực tiếp phục vụ, diễn giải và truyền tải các giá trị văn hóa đến du khách). Nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì chúng ta sẽ không có Văn hóa Du lịch mà sản phẩm cụ thể là loại hình Du lịch Văn hóa. Văn hóa là một nguồn tài nguyên nhân tạo bao gồm toàn bộ những sáng tạo vật chất và tinh thần có giá trị của con người qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Như vậy, đối tượng nghiên cứu của môn Văn hóa du lịch cũng khá rộng, gần như là bao quát toàn bộ giá trị của văn hóa có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Bàn về khoa học Văn hóa du lịch, chúng ta có thể bàn đến các giá trị văn hóa vật thể (vật chất) như các di sản văn hóa vật thể, các di tích lịch sử văn hóa như di tích kiến trúc nghệ thuật, đô thị, thành lũy, vật dụng, cổ vật có giá trị sử dụng và giá trị biểu trưng của một nền văn hóa cụ thể và các giá trị văn hóa phi vật thể (hay tinh thần) như các di sản tinh thần, lễ hội, thơ ca, âm nhạc, múa, nghề nghiệp, tôn giáo v.v… Nói tóm lại, đối tượng nghiên cứu của môn Văn hóa du lịch là khá rộng. Văn hóa du lịch nghiên cứu những giá trị của văn hóa để rồi biến nó thành sản phẩm cụ thể là sản phẩm du lịch văn hóa để có thể bán cho du khách.

Kết luận

Từ lập luận trên chúng ta thấy rằng Du lịch văn hóa là một loại hình du lịch trong nhiều loại hình du lịch khác có thể kể ra đây như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá v.v… Nó là một sản phẩm cụ thể của quá trình kết hợp tài nguyên du lịch văn hóa và các dịch vụ cần thiết như cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, quảng bá sản phẩm… Còn Văn hóa du lịch là một môn khoa học có đối tượng nghiên cứu của nó là giá trị của văn hóa của các tộc người sinh sống trên một không gian nhất định (trong trường hợp này, là các tộc người sinh sống trên dải đất Việt Nam) nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về giá trị của văn hóa các tộc người ở Việt Nam. Vậy thì, chúng ta có thể nói rằng thuật ngữ Văn hóa du lịch có nội hàm rộng hơn, bao quát hơn thuật ngữ Du lịch văn hóa. Vậy thì, chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi giữa hai thuật ngữ này.