Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đánh dấu bước tiến vượt bậc trong sự phát triển của hoạt động thanh toán cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; các chỉ số TTKDTM tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được coi trọng và tăng cường. Kết quả này được thể hiện ở những mặt sau:

-Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư, nâng cấp (đến nay có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Đến tháng 5/2020 có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt, tiếp tục phá huy vai trò là Hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc;

-Hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet (đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018);

-Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Tỷ trọng giao dịch tại ATM năm 2018 thông qua hệ thống Napas chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42% trong khi tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 là 26%, năm 2019 tăng lên 48%, thể hiện sự thay đổi thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang TTKDTM qua các kênh ngân hàng điện tử;

-Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với 3 tháng đầu năm 2019. Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống TTĐTLNH trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, thói quen là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen này. Và thói quen chỉ thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi, chưa kể dịch vụ phả ithật đa dạng. 

Để thúc đẩy TTKDTM, NHNN cần phải xác định tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số. Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các Bộ ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...