Xóa đói giảm nghèo trên quê hương Hà Tĩnh

Năm 2015, với cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ nghèo 41.998 hộ, chiếm 11,4% với 103.929 nhân khẩu. Tổng số hộ cận nghèo 30.953 hộ, chiếm 8,4% với 119.484 nhân khẩu. Đây là những con số phản ánh sự cố gắng của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà một thành quả đáng khích lệ của nhân dân toàn tỉnh.

 

Xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tập trung vào XĐGN và thu được những thành quả không nhỏ, đưa nước ta trở thành một nước có thành công ấn tượng trên trường quốc tế về chống đói nghèo, là một trong bốn nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, làm tăng vị thế và uy tín của Việt Nam trên toàn cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.Hà Tĩnh, việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo quy định, tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, về thu nhập gồm có chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo. Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, gồm có 05 dịch vụ xã hội cơ bản (y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch và vệ sinh; thông tin) và 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

 

Cũng theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống. Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ nghèo khu vực thành thị, là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống. Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là  hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Căn cứ các tiêu chí, kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Hà Tĩnh năm 2015 như sau: Tổng số hộ nghèo 41.998 hộ, chiếm 11,4% với 103.929 nhân khẩu. Tổng số hộ cận nghèo 30.953 hộ, chiếm 8,4% với 119.484 nhân khẩu. Đây là những con số phản ánh sự cố gắng của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà một thành quả đáng khích lệ của nhân dân toàn tỉnh.

 

 

            Tỉnh ta là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt nhất chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn… đều được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố thông qua nguồn vốn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình. Chính vì vậy, đối với Hà Tĩnh, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là cái gốc trong công tác giảm nghèo.

 

Trong quá trình thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách về giảm nghèo của Trung ương đã được cụ thể hóa thành các chính sách giảm nghèo trên địa bàn như: hỗ trợ cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo, tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mở rộng đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho lao động đi xuất khẩu lao động,…

 

Bên cạnh đó,  Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hệ thống chính sách hỗ trợ như: về giáo dục và đào tạo; y tế, khám chữa bệnh; nhà ở; tiền điện cho hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin; hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù...Những chính sách trên đã góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; diện mạo các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt...

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn những vấn đề bất cập như: Bên cạnh đó còn một bộ phận hộ nghèo chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; bản kế hoạch giảm nghèo còn mang tính hình thức, chung chung, thiếu cụ thể, chưa có các giải pháp cụ thể hóa chương trình giảm nghèo của cấp trên tại địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn lực đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… Năng lực quản lý, điều hành Chương trình giảm nghèo bền vững nhìn chung còn hạn chế, nhất là cấp xã, phường và thôn, bản, do vậy hiệu quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; Nguồn lực bố trí cho chương trình xóa đói giảm nghèo chưa đáp ứng đủ nhu cầu cần có của chương trình như: vốn vay ưu đãi hộ nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu vay của hộ nghèo; cấp xã chưa quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi.; năng lực sử dụng vốn vay của các hộ nghèo còn thấp,…

 

Trong năm vừa qua tỉnh ta cũng đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc làm, thu nhập của người dân như thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã làm cho môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề, làm cho ngư dân ven biển mất việc làm,thu nhập;  ngành du lịch chững lại, những nguồn thu phụ thuộc vào biển bị giảm sút nặng nề. sự biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp – sinh kế của đa số người dân tỉnh Hà Tĩnh. Tất cả những điều này ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh ta hiện nay và trong tương lai.

 

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Hà Tĩnh, với sự đồng sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà hi vọng chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tích cao trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có công tác xóa đói giảm nghèo. Cùng với những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa cả nước, chúng ta cần đưa ra và thực hiện những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo để đạt được những chỉ tiêu đặt ra, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.