Vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường

Hiện nay, nhiều sinh viên dù đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng hết sức lo lắng về tình hình thất nghiệp. Theo báo cáo điều tra lao động, hiện nay, cả nước có 857.000 người thất nghiệp và 1,3 triệu người thiếu việc làm. Con số này tăng nhiều so với các thời điểm trước, và chắc chắn con số thực tế còn lớn hơn nhiều so với thống kê. Hơn 60% sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải làm những công việc tạm thời, không đúng với chuyên ngành. Thực trạng này tạo nên những tâm lý tiêu cực cho nhiều sinh viên, thậm chí cả những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp đại học cũng mang tâm lý lo lắng luôn đặt câu hỏi: Kết quả học tập sẽ như thế nào? Ra trường sẽ đi đâu về đâu?

24-5ViecLam1

Hà Tĩnh là một tỉnh đang trên đà phát triển, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn còn ít trong khi nhu cầu lao động hàng ngày tăng lên với mức độ chóng mặt, số lượng nhân viên cần tuyển có hạn. Trong khi, một năm theo thống kê,  Hà Tĩnh có hơn 9000 sinh viên tỉnh nhà từ các trường Đại học, cao đẳng ra trường và con số này đang tăng lên hàng ngày. Những số liệu ở trên có thể thấy rõ rằng nguồn lao động của Hà Tĩnh  được đào tạo đang ngày càng tăng lên. Đây cũng là một thách thức không nhỏ trong vấn đề tìm việc làm. Có khoảng 63% sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm và trong số sinh viên ra trường kiếm được việc làm thì lại có nhiều sinh viên không làm đúng chuyên ngành mình được học. Với số lượng sinh viên ra trường ngày càng lớn như hiện nay thì cơ hội việc làm ngày càng trở nên khó khăn.

24-5ViecLam2

Vậy đâu là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề giải quyết việc làm hiện nay?

Là một sinh viên năm thứ 3 đang học tập tại khoa Kinh tế - QTKD Trường Đai học Hà Tĩnh, chuẩn bị ra trường,  điều mà tôi cũng như các bạn thường quan tâm và lo lắng đó là tương lai sau khi ra trường mình sẽ về đâu. Một thực tế hiện nay đó là các sinh viên ra trường năm đầu tiên thường là thử việc, làm việc tạm thời hay làm việc  hợp đồng với mức lương không đủ trang trải cuộc sống. Mấy năm vừa qua nền kinh tế Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng gặp khó khăn, vấn đề việc làm lại càng gặp khó khăn hơn, đặc biệt là các sinh viên khối ngành Kinh tế. Riêng năm 2012,  trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có tới 511/3331 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy rằng con đường phía trước chúng ta đi sẽ gặp rất nhiều chông gai.

Bên cạnh những sinh viên đáp ứng đủ những yêu cầu mà nhà tuyển dụng đòi hỏi hoặc những người có người thân, xin việc hộ thì số còn lại phải chật vật chạy đi chạy lại với các trung tâm giới thiệu việc làm. Cũng phải nói thêm rằng chính dựa vào sự khan hiếm việc làm này mà nhiều trung tâm giới thiệu việc làm “ ma ” mọc lên vài ba bữa để thu tiền lệ phí, tiền môi giới việc làm rồi biến mất. Hoặc một số sinh viên ra trường chấp nhận làm trái nghề hoặc bất cứ nghề gì miễn là có thu nhập. Đó là về phía sinh viên, còn về phía nhà tuyển dụng thì họ vẫn ‘than’ là thiếu lao động mà theo họ là thiếu những người có kinh nghiệm và khả năng làm việc độc lập cũng như một số yêu cầu khác.

Sau vài năm vất vả học hành tích luỹ kiến thức và tìm kiếm việc làm sinh viên đành phải chấp nhận một công việc có thể không đúng chuyên ngành đào tạo của mình. Có những sinh viên còn chẳng sử dụng một chút kiến thức đã được trang bị trong những năm học ở trường. Đó có thể coi là một sự lãng phí cả về nguồn lao động cũng như nguồn vốn cho nhà nước.  Sinh viên học chuyên ngành này lại đi làm một chuyên ngành khác là một thực tế đang diễn ra khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Bên cần nguồn lao động nhưng lao động này cần có kiến thức cao, có trình độ. Nhưng các bạn sinh viên lại khó có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó.

Và một vấn đề nữa lại mở ra trước mắt: Những người ra trường không xin được việc làm, họ sẽ làm gì trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn? Câu trả lời ở đây là "Nộp rất nhiều đơn xin việc làm và ngồi chờ đợi, không có sự lựa chọn cho công việc mình thích, ngành nghề mình đam mê, không cần biết mình thích hay không, miễn là có việc làm!". Một số khác không tự tin vào bản mình thì lại sự lựa chọn việc chờ đợi cơ hội việc làm sẽ đến với mình.

Các bạn ạ, hãy thay đổi cuộc đời mình ngay từ bây giờ, từ cách nhìn nhận vấn đề và tìm hướng giải quyết vấn đề, công việc không tìm tới mình thì mình hãy cố gắng tìm đến nó. Hãy trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để phục vụ cho công việc của bạn sau nay. Có người nói rằng: "Mỗi lần bạn lựa chọn một cách có ý thức là bạn đã học được một bài học tự tin" và "Khi không làm được những điều bạn muốn, hãy làm những điều bạn có thể làm".  Điều đó có nghĩa là gì ? Chúng ta không nhất thiết là cứ suy nghĩ, lo lắng mà không cố gắng hết sức cho việc học hôm nay, đó là một phần quyết định tới công việc sau này của bạn. /.