Vấn đề về cho vay hộ nông dân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Tĩnh

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung ứng vốn cho các hộ có nhu cầu sản xuất, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức cạnh tranh ngày càng khốc liệt, ngân hàng phải thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường hoạt động cho vay hộ nông dân đáp ứng mục tiêu đề ra.

Cho vay hộ nông dânlà mối quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và hộ nông dân, tổ chức tín dụng sẽ cung cấp vốn cho khách hàng (hộ nông dân) để hoạt động sản xuất kinh doanh nếu khách hàng hội đủ được các điều kiện của tổ chức tín dụng và thỏa mãn các điều kiện được kí kết trong hợp đồng giữa hai bên.

Quy trình xét duyệt cho vay hộ nông dân:

                                                                                      

Tính đến ngày 31/3/2015, nguồn vốn huy động tại Agribank Hà Tĩnh đạt 12.393 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 8.533 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 91%, với 330.000 khách hàng. Trong tổng số 5.600 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao hiện có với doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì Agribank đầu tư nguồn vốn cho trên 3.000 mô hình kinh tế. Nguồn vốn của Agribank tập trung chủ yếu đầu tư phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Hà Tĩnh, phát triển được nhiều mô hình sản xuất mới như: mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi hươu, tôm, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng nấm, rau sạch, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ…

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank Hà Tĩnh hiện áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp, nông thôn là 8%/năm. Đối với chương trình cho vay khuyến khích liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, áp dụng lãi suất cho vay từ 7 - 10,5%/năm; mức cho vay đến 90% giá trị của dự án vay vốn. Đến nay, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất của Agribank Hà Tĩnh đạt 1.808 tỷ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 1.032 tỷ đồng, khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất còn dư nợ vay là 12.815 người.

Trong thời gian qua Agribank Hà Tĩnh đã hoàn thiện và phát triển đạt được những kết quả cao trong công tác cho vay, đặc biệt là đối với hộ nông dân nhưng bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện một số tồn tại:

 Về chính sách tín dụng: khách hàng vay theo quyết định 67 của thủ t­ướng chính phủ, khách hàng này không phải bảo đảm tiền vay bằng tài sản.

Về hiệu quả chất lượng cho vay: ngân hàng quản lý các khoản vay của các hộ nông dân nhưng chưa nắm rõ hiệu quả sử dụng vốn vay, ảnh hưởng đến công tác thu hồi vốn cả gốc và lãi của ngân hàng.

Mối quan hệ giữa ngân hàng với chính quyền địa phương và đoàn thể các hội chưa được chú trọng nhiều, ngân hàng chưa bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế địa phương.

Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay hộ nông dân tại Agribank Hà Tĩnh:

+ Tiếp tục củng cố và đẩy mạnh cho vay qua tổ theo Quyết định 67/1999/QĐ-TTg của Chính phủ, Nghị quyết liên tịch số 2308/NQLT-1999 về việc phối hợp giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và hội nông dân Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-2000 giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nâng dần suất đầu tư cho một số tổ viên phù hợp với nhu cầu của từng dự án.

          + Hoàn thiện chính sách lãi suất cho vay đối với hộ nông dân: Đối với khách hàng thường xuyên, khách hàng vay vốn lớn cần có chính sách ưu đãi về lãi suất. Đối với khách hàng có quy mô nhỏ thì cần đưa ra mức lãi suất hợp lí, phù hợp.

       + Cần đơn giản thủ tục cho vay, chỉ chú trọng những nội dung thiết yếu, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tránh rườm rà cho các hộ dân.

+ Ngân hàng cần phát huy nhiều hơn nữa việc cho vay thông qua các tổ, nhóm. Tăng cường xây dựng tốt các mối quan hệ với cấp ủy, xã, chính quyền địa phương và các đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân…

 Trong mở rộng đầu tư cần quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực đầu tư trung hạn hộ sản xuất như đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình VAC, xây dựng hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian qua, Agribank Hà Tĩnhđã làm tốt công tác cho vay hộ nông dân. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân ngân hàng cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, Hội sở chính tạo ra một môi trường vĩ mô thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng.