Một số vấn đề bất cập trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam

Thực tế phát triển của các doanh nghiệp thành công trên thế giới cho thấy việc xây dựng văn hóa kinh doanh có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay có rất ít doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa kinh doanh, còn lại phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi văn hóa kinh doanh là vấn đề mới mẻ và nhiều chủ thể kinh doanh không coi trọng văn hóa kinh doanh. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập cần được giải quyết nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Dưới đây, là một số bất cập điển hình trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam:

1. Về tinh thần hợp tác, tương trợ trong cộng đồng doanh nhân

Doanh nhân là người lãnh đạo, là lực lượng nòng cốt và đi đầu trong hoạt động kinh doanh. Những doanh nhân sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp thường là người tạo lập nên văn hóa doanh nghiệp và là tấm gương nhân cách cho toàn thể nhân sự của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, niềm tin thường được xây dựng quanh các mối quan hệ huyết thống gia đình, họ hàng, quen biết. Do đó giữa các doanh nghiệp với nhau, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong cùng một ngành hàng thường coi nhau là đối thủ cạnh tranh “không đội trời chung”. Vì vậy, tính liên kết giữa các doanh nghiệp rất lỏng lẻo, không có tính đoàn kết, thiếu tinh thần hợp tác. Đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, tiêu, điều…các doanh nghiệp nhỏ, lẻ làm ăn theo kiểu chụp giật, thiếu tinh thần cộng đồng, thiếu tính liên kết dẫn đến việc bị các thương nhân nước ngoài ép giá, một số doanh nghiệp chào bán với giá thấp làm cho giá cả mặt bằng trên thị trường giảm xuống.  Với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu dưới hình thức vừa và nhỏ, vì vậy việc kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu tính liên kết, thiếu tinh thần hợp tác tương trợ lẫn nhau trong điều kiện tiềm lực của từng doanh nghiệp hạn chế so với các doanh nghiệp nước ngoài thì việc các doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước khó có được chỗ đứng vững vàng trong nền kinh tế mở như hiện nay.

2. Về xây dựng triết lý kinh doanh và chiến lược kinh doanh

Với nền kinh tế thị trường non trẻ, vừa được hình thành trong thời gian ngắn, các doanh nhân trong nước chưa có nhiều điều kiện để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh kinh doanh. Nếp làm việc cũ theo cơ chế Nhà nước, bao cấp còn ăn sâu trong nếp cũ của nhiều doanh nhân. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, chỉ tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận tức thời, tầm nhìn ngắn hạn, định hướng về nhu cầu thị trường hạn chế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vấn đề phát triển bền vững của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, hiện nay khi Việt Nam đã gia nhập WTO dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với thị trường cạnh tranh khốc liệt, chung sân chơi với các tập đoàn lớn mạnh của nước ngoài, thì việc không có định hướng, không có kế hoạch phát triển trong dài hạn thì các doanh nghiệp sẽ thất bại ngay trên chính “sân nhà”. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng triết lý kinh doanh và chiến lược kinh doanh để định hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp mình nếu muốn tồn tại và phát triển.

3. Về việc bảo vệ môi trường tự nhiên

Việt Nam là đất nước đang phát triển, với cơ chế mở cửa với nhiều chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy các khu công nghiệp, các nhà máy được đưa vào hoạt động ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với hàng trăm khu công nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có rất ít doanh nghiệp có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định, có nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý chất thải tuy nhiên không đưa vào vận hành bởi vì việc đầu tư, vận hành hệ thống bảo vệ môi trường sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp.  Hệ lụy là môi trường sống xung quanh doanh nghiệp bị hủy diệt, xuất hiện ngày càng nhiều làng ung thư, ngày càng nhiều dòng sông chết…Tuy nhiên, giá trị mà một doanh nghiệp không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường mất đi lớn hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận thu được trước mắt từ việc xả thải ra môi trường. Đó là lòng tin trên thị trường. Công ty Vedan Việt Nam là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Là một doanh nghiệp lớn, sản phẩm tràn ngập thị trường tuy nhiên lại không sử dụng hệ thống xử lý chất thải mà cho xả thải trực tiếp ra môi trường gây chết sông Thị Vải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Hậu quả là ngoài việc công ty Vedan Việt Nam bị xử lý và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật thì từ đó cộng đồng người Việt Nam cũng đã đồng loạt tẩy chay các sản phẩm của Vedan.

Thiết nghĩ, để bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững thì ngoài việc các doanh nghiệp cần xây dựng đạo đức kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội thì các cơ quan quản lý cần thực thi các biện pháp mạnh tay, đồng loạt với tất cả các doanh nghiệp không đảm bảo quy định về cam kết bảo vệ môi trường.

4. Về văn hóa trong giao tiếp kinh doanh của khách hàng

Khách hàng là đối tượng của chủ thể kinh doanh (tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh) vì vậy khách hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên văn hóa kinh doanh của chủ thể kinh doanh và cả nền văn hóa kinh doanh. Phía khách hàng luôn mong muốn có lợi ích khi tiêu thụ sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Yêu cầu của khách hàng về chất lượng, mẫu mã, giá cả…của sản phẩm và dịch vụ ngày càng cao. Khách hàng ngày nay dễ dàng trang bị cho mình các trang thiết bị, kiến thức về các sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ trên thị trường ngày càng nhiều và không có quá nhiều sự khác biệt. Vì vậy, khách hàng dễ dàng tẩy chay các sản phẩm hay các doanh nghiệp mà họ không có thiện cảm, thay vào đó là việc tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp tạo được thiện cảm tốt hơn đến khách hàng. Đó là lý do quan trọng để các doanh nghiệp phải chú trọng đến văn hóa trong kinh doanh để chiếm được cảm tình của khách hàng nhằm tạo nên sự khác biệt trong môi trường cạnh tranh.

Tuy nhiên, để nền văn hóa kinh doanh phát triển thì không chỉ có tác động một chiều của văn hóa giao tiếp kinh doanh của các doanh nghiệp đến khách hàng mà còn phải có văn hóa giao tiếp của khách hàng đối với các doanh nghiệp.

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn, có sức tiêu thụ mạnh các loại sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh những khách hàng có thiện chí hợp tác thì cũng có một bộ phận không nhỏ khách hàng thiếu trung thực, thiếu văn hóa trong giao tiếp kinh doanh. Đó là lý do vì sao các siêu thị ở Việt Nam luôn có hệ thống gửi túi xách…trước khi vào siêu thị. Hay một thực tế điển hình khác trong văn hóa giao tiếp của khách hàng đó là văn hóa xếp hàng. Đa số khách hàng Việt Nam chỉ chịu xếp hàng nếu bị bắt buộc. Khi phải xếp hàng thì rất nhiều khách hàng muốn chen ngang hoặc tỏ thái độ khó chịu. Điều này dẫn đến những cảnh tượng mua bán lộn xộn, gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh và làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS Dương Thị Liễu, Giáo trình văn hóa kinh doanh, NXBĐại học Kinh Tế Quốc Dân, 2012.

2. PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, Giáo trình đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty,NXBĐại học Kinh Tế Quốc Dân, 2012