THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI CHĂN NUÔI TẠI TỈNH HÀ TĨNH

TÓM TẮT

            Kinh tế trang trại là cơ sở, là động lực để đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, phục vụ theo nhu cầu thị trường và góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, các trang trại nói chung cũng như trang trại chăn nuôi nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn về định hướng kinh doanh, đất đai, vốn, lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm...Từ đó, đòi hỏi phải nghiên cứu để tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm phát triển kinh tế trang trại góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh.

TỪ KHÓA: Kinh tế, trang trại, nông nghiệp, nông thôn

ABSTRACT

            Farm economy is the basis and drive for the economic promotion of Ha Tinh in the orientation of massive and centralized profuction to meet the market demand and to help shift the agriculture and rural structure. This study evaluates the potientials, advantages and challenges for the farm economy to discover the best solutions to promote the development of this economy for the benefit of rural and agriculture industrialization and modernization in Ha Tinh.

KEYWORDS: Economics, farm, agriculture, rural area.

  1. Thực trạng phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tại tỉnh Hà Tĩnh

1.1. Sự phát  triển về số lượng, quy mô, cơ cấu các loại hình kinh tế trang trại

Số lượng trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh trong những năm qua phát triển nhanh, trong đó chủ yếu là loại hình trang trại chăn nuôi. Đặc trưng cơ bản của trang trại tỉnh Hà Tĩnh là phát triển mạnh trang trại chăn nuôi. Năm 2016, trong tổng số 252 trang trại thì có 204 trang trại chăn nuôi, chiếm 80,95% trong tổng số (năm 2012 chỉ chiếm 50,0%).

Bảng 1:  Số lượng trang trại chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2016

phân theo huyện, thành phố, thị xã

Huyện, Thành phố, Thị xã

Số lượng (Trang trại)

Tốc độ phát triển (%)

Tốc độ tăng bình quân (%)

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2013 so 2012

Năm 2014 so 2013

Năm 2015 so 2014

Năm 2016 so 2015

Toàn tỉnh

43

87

140

152

204

202,3

160,9

108,6

134,2

147,58

TP Hà Tĩnh

1

2

4

4

7

200,0

200,0

100,0

175,0

162,66

Hồng Lĩnh

1

1

2

2

2

100,0

200,0

100,0

100,0

118,92

Hương Sơn

2

26

24

26

42

1300,0

92,3

108,3

161,5

214,07

Đức Thọ

8

8

16

19

17

100,0

200,0

118,8

89,5

120,74

 Vũ Quang

2

8

8

10

11

400,0

100,0

125,0

110,0

153,14

Nghi Xuân

2

3

8

8

5

150,0

266,7

100,0

62,5

125,74

Can Lộc

2

8

14

22

26

400,0

175,0

157,1

118,2

189,88

Hương Khê

1

5

15

18

25

500,0

300,0

120,0

138,9

223,61

 Thạch Hà

3

3

11

11

20

100,0

366,7

100,0

181,8

160,69

Cẩm Xuyên

15

17

27

22

35

113,3

158,8

81,5

159,1

123,59

Kỳ Anh

4

4

9

5

6

100,0

225,0

55,6

120,0

110,67

Lộc Hà

2

2

2

2

3

100,0

100,0

100,0

150,0

110,67

Kỳ Anh

 

 

 

3

5

 

 

 

166,7

 -

               Nguồn: Niên giám thống kê Hà Tĩnh

Mặc dù số lượng trang trại chăn nuôi tăng nhanh hàng năm nhưng phân bố không đồng đều giữa các ngành sản xuất cũng như giữa các địa phương trong tỉnh. Số lượng trang trại chăn nuôi năm 2016 tăng 3,7 lần so với năm 2012 (tăng 161 trang trại). Trong tổng số 204 trang trại chăn nuôi của toàn tỉnh, thì số lượng trang trại tập trung nhiều ở huyện Hương Sơn, Cẩm Xuyên,  Can Lộc, Hương Khê. Như vậy, chỉ tính riêng 4 huyện này đã chiếm 62,75% tổng số trang trại chăn nuôi của toàn tỉnh. Đây đều là những khu vực có diện tích đất đai lớn, nguồn lao động dồi dào, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nên các mô hình trang trại chăn nuôi tại các nơi này có điều kiện để phát triển và đạt hiệu quả cao.

Về quy mô vốn đầu tư

Ở Hà Tĩnh quy mô vốn đầu tư của các trang trại nhìn chung vẫn còn hạn chế, tập trung nhiều nhất với khoản vốn đầu tư từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng. Riêng đối với các trang trại chăn nuôi, để tiến hành sản xuất kinh doanh các chủ trang trại cần phải đầu tư nguồn vốn lớn hơn để thuê đất, xây dựng chuồng trại, mua máy móc thiết bị, mua con giống, thức ăn, trả công lao động…Vì vậy, cơ cấu số lượng trang trại chăn nuôi có số vốn đầu tư trên 1 tỷ chiếm trên 85,29% tổng số trang trại chăn nuôi. Số lượng trang trại chăn nuôi có nguồn vốn từ 1 tỷ đến 2 tỷ chiếm đến 69,6%, trong đó số lượng trang trại chăn nuôi có vốn đầu tư từ 1 tỷ đến dưới 1,5 tỷ và số trang trại chăn nuôi có vốn đầu tư từ 1,5 tỷ đến dưới 2 tỷ là xấp xỉ nhau. Có 15,69% số lượng trang trại chăn nuôi có nguồn vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng tương ứng với 32/204 trang trại .

Bảng 2: Tình hình phát triển trang trại chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2016 theo quy mô vốn đầu tư

     

Đơn vị tính: Trang trại

Quy mô vốn (Triệu đồng)

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

So sánh năm 2016 với 2012

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Số tuyệt đối (+,-)

Số tương đối (%)

Tổng số

43

87

140

152

204

161

474,42

147,58

Dưới 500

11

14

12

9

7

-4

63,64

89,32

Từ 500 đến dưới 1.000

22

28

23

21

23

1

104,55

101,12

Từ 1.000 đến dưới 1.500

9

37

41

46

72

63

800,00

168,18

Từ 1.500 đến dưới 2.000

1

4

50

58

70

69

7.000,00

289,25

Trên 2.000

-

4

14

18

32

32

 -

 -

 

      Nguồn: Số liệu Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, 2016

 

1.2. Đánh giá chất lượng của kinh tế trang trại chăn nuôi

Sản phẩm của sản xuất nông nghiệp là những sản phẩm thiết yếu để duy trì cuộc sống của con người nói chung và là nguồn sống chủ yếu của dân cư ở nông thôn nói riêng. Giá trị sản xuất của các loại hình trang trại có sự khác nhau đáng kể vì nó phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm, tính chất của sản phẩm sản xuất kinh doanh, mặt khác nó cũng phụ thuộc vào năng lực, trình độ tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của các chủ trang trại.

Bảng 3 : Một số chỉ tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh

của trang trại chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh năm 2016

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Số lượng

 
 

1. Nguồn lực sản xuất kinh doanh

 

 

 

- Số lượng trang trại

Trang trại

204

 

- Số lao động

Người

1.155

 

- Vốn

Tỷ đồng

645

 

- Diện tích đất sử dụng

Ha

977

 

2. Hiệu quả sản xuất kinh doanh

 

 

 

- Giá trị sản xuất (GO)

Tỷ đồng

1.119,6

 

- Giá trị sản phẩm, dịch vụ bán ra

Tỷ đồng

1.111,2

 

- GO/trang trại

Tỷ đồng/ Trang trại

5,488

 

- GO/lao động

Tỷ đồng/ người

0,969

 

- GO/vốn

Lần

1,74

 

- GO/diện tích

Tỷ đồng/ ha

1,146

 

- Tỷ suất hàng hóa bán ra

%

99,25

 

 

- Về quy mô giá trị sản xuất (GO): Từ kết quả bảng 4 cho thấy, tổng giá trị sản xuất của các trang trại tạo ra trong năm 2016 là 1.223 tỷ đồng. Trong đó giá trị sản xuất của các trang trại chăn nuôi đạt 1.119,6 tỷ đồng, chiếm tới 91,55% tổng giá trị sản xuất các trang trại tạo ra. Giá trị sản xuất bình quân của một trang trại chăn nuôi năm 2016 là 5,488 tỷ đồng/trang trại, cao hơn mức bình quân chung là 13,08%, tương đương 635 triệu đồng.

- Về hiệu quả sử dụng lao động (GO/lao động): Xét về kết quả sử dụng lao động thì trang trại chăn nuôi đem lại hiệu quả sử dụng lao động lớn nhất. Bình quân 1 lao động của trang trại chăn nuôi trong năm 2016 tạo ra 969 triệu đồng giá trị sản xuất, cao hơn mức bình quân chung là 34,58%, tương đương 249 triệu đồng. Điều này cho thấy trang trại chăn nuôi đang là thế mạnh tạo ra sản phẩm cho xã hội trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

- Hiệu quả sử dụng vồn của trang trại (GO/vốn): Nếu xét về kết quả sử dụng của một đồng vốn thì trang trại chăn nuôi đem lại hiệu quả sử dụng vốn lớn nhất 1,74 lần, cao hơn mức bình quân chung 0,02 lần. Do chu kỳ sản xuất của trang trại chăn nuôi tương đối ngắn nên hiệu suất sử dụng vốn trong năm lớn hơn so với các loại hình trang trại có chu kỳ sản xuất dài hơn như trồng trọt hay lâm nghiệp.

- Hiệu quả sử dụng đất (GO/diện tích): Trang trại chăn nuôi vẫn là loại hình sản xuất đem lại hiệu quả sử dụng đất đai lớn nhất. Bình quân trang trại chăn nuôi trong năm 2016 tạo ra 1,146 tỷ đồng giá trị sản xuất/ha đất sử dụng, cao hơn mức bình quân chung 46,73%, tương đương 365 triệu đồng. Hiện nay các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thường chăn thả khép kín, do đó loại hình trang trại chăn nuôi chiếm diện tích nhỏ. Ngược lại trang trại lâm nghiệp và trồng trọt sử dụng diện tích đất đai lớn, chu kỳ sản xuất dài nên đem lại hiệu quả thấp hơn.

- Tỷ suất hàng hóa: Điểm đặc trưng lớn nhất của kinh tế trang trại so với kinh tế nông hộ là là sản xuất hàng hóa để bán. Đây cũng là một trong hai tiêu chí để nhận dạng kinh tế trang trại. Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi vẫn có tỷ suất hàng hóa lớn nhất so với các loại hình trang trại khác với mức tỷ suất hàng hóa của các trang trại chăn nuôi đạt 99,25%. Do đặc thù của sản phẩm chăn nuôi là sau chu kỳ sản xuất không thể cất trữ nên các chủ trang trại thường phải tìm kiếm thị trường để tiêu thụ. Với tỷ suất hàng hóa của trang trại chăn nuôi đạt trên 99% thể hiện nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi cũng đang rất dồi dào.

  1. Đánh giá chung về phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi Hà Tĩnh

2.1. Kết quả

Trong những năm qua, việc phát triển kinh tế trang trại nói chung và trang trại chăn nuôi nói riêng ở Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả rất khả quan, đó là:

- Việc chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại là một xu thế tất yếu và phù hợp với quá trình phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao trong sản xuất chăn nuôi. Từng bước thay đổi thói quen sản xuất manh mún, truyền thống của người chăn nuôi để ứng dụng tiến bộ khoa học, kỷ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. 

- Cùng với các loại hình kinh tế khác như doanh nghiệp, hợp tác xã, gia trại thì số lượng trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã không ngừng tăng lên qua các năm.

- Trang trại chăn nuôi phát triển đã góp phần khai thác tốt hơn các tiềm năng và lợi thế của địa phương như: Đất đai, lao động, nguồn vốn trong dân...Chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Trang trại chăn nuôi phát triển đã giúp chủ trang trại và các lao động trong trang trại nâng cao thu nhập. Tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần xoá đói, giảm nghèo ở vùng nông thôn, tạo ra xu thế và nhu cầu hợp tác mới trong sản xuất ở khu vực nông thôn.

- Giá trị sản xuất cũng như tỷ suất hàng hóa bán ra của trang trại chăn nuôi ngày càng cao đã từng bước khẳng định được vai trò và vị trí của ngành chăn nuôi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2.2. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển của các trang trại chăn nuôi cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là trang trại hộ gia đình nông dân, quy mô trang trại vừa và nhỏ.

- Việc quản lý, sử dụng diện tích đất để phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi hiệu quả còn hạn chế. Quy mô vốn đầu tư của các trang trại chăn nuôi còn khá thấp, chủ yếu là vốn tự có của các chủ trang trại, vốn vay của các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Thiếu các nguồn vốn vay dài hạn với số lượng vốn lớn để các trang trại chăn nuôi đầu tư phát triển mở rộng sản xuất.

- Cơ sở vật chất của trang trại chăn nuôi còn thô sơ. Việc quan tâm đầu tư mua sắm máy móc thiết bị và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi còn hạn chế. 

- Trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ sản xuất của người lao động nói chung và các chủ trang trại chăn nuôi nói riêng còn thấp, người lao động có trình độ cao đẳng, đại học còn rất ít, chủ yếu là chưa qua đào tạo là lao động phổ thông.

- Sản phẩm của các trang trại chăn nuôi thiếu đa dạng về chủng loại sản phẩm. Năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sản phẩm làm ra có lúc khó tiêu thụ. Còn thiếu các hình thức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi trên địa bàn với các loại hình kinh tế khác, nhất là trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh luôn có thể xẩy ra đối với các trang trại chăn nuôi bất kỳ lúc nào.

- Vấn đề ô nhiểm môi trường do các trang trại chăn nuôi tạo ra đối với môi trường và đời sống người dân vẫn còn xẩy ra, nhất là các trang trại gần khu dân cư, gây nên sự bức xúc của người dân.

  1. Giải pháp phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tại Hà Tĩnh

3.1. Nâng cao quy mô và chất lượng trang trại chăn nuôi

Vốn đầu tư là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo cho sự ra đời, tồn tại và phát triển có hiệu quả của các trang trại. Vì vậy, cần phải hình thành thị trường vốn có tổ chức ở nông thôn để đa dạng hóa các kênh cấp vốn; đổi mới về hình thức vay vốn tín dụng như tăng hình thức cho vay trung hạn, dài hạn; chủ trang trại có thể thế chấp bằng tài sản hình thành sau đầu tư để vay vốn. Cùng với việc mở rộng quy mô đất đai, tăng nguồn vốn đầu tư thì cần phải mở rộng quy mô lao động trong các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô lao động thì ngoài việc cần phải mở rộng quy mô sản xuất của các trang trại, các chủ trang trại chăn nuôi cần phải có chế độ tiền lương, tiền công hợp lý và các chế độ khác như ký kết hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm, đồ bảo hộ lao động...Mặt khác, phải không ngừng nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ lao động trong các trang trại chăn nuôi.

Cần phải đa dạng hóa chủng loại sản phẩm vật nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chủ trang trại chăn nuôi cần tập trung tìm hiểu thị trường để đưa vào sản xuất những loại sản phẩm hàng hóa mới đối với trang trại, tận dụng được những lợi thế mà trang trại đang có để sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm bớt rũi ro trong sản xuất như phát triển các trang trại chăn nuôi động vật rừng như heo rừng, nhím...đã được thuần hóa.

3.2. Phát triển nguồn giống vật nuôi đảm bảo cả về số lượng và chất lượng

Phải xây dựng các trung tâm giống và đưa vào sản xuất các loại giống vật nuôi có năng suất và chất lượng nhằm phục vụ nhu cầu về con giống trên địa bàn. Hình thành ở mỗi huyện có từ 5 đến 6 cơ sở sản xuất giống gia cầm thương phẩm để cung cấp con giống cho sản xuất chăn nuôi. Về giống lợn chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái lai, bổ sung đực giống năng suất, chất lượng cao nhằm nạc hóa đàn lợn. Chọn lọc đàn bò cái nền lai Zêbu (F1), sử dụng tinh của các nguồn bò thịt cao sản như Charolais, Shahiwal, Brahman để tạo đàn bò thịt có 75% máu ngoại trở lên. Sử dụng các giống gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt như gà Ai cập, Gà Lorgh, vịt Kakicapbell...để phát triển theo hướng công nghiệp trong các trang trại chăn nuôi.

3.3. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các trang trại chăn nuôi

Xây dựng các kiểu chuổng trại thích nghi với biến đổi khí hậu như: Chống lũ lụt, chống rét, chống nắng nóng; áp dụng các công nghệ chuồng lồng, chuồng sàn có hệ thống làm mát đối với chăn nuôi lợn và gia cầm. Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong các trang trại chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi khép kín, cùng vào - cùng ra..

3.4. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thành lập các hiệp hội ngành nghề chăn nuôi, hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất, dịch vụ chăn nuôi thông qua Hội nông dân, các đoàn thể để phổ biến kinh nghiệm, thông tin và giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới. Phát triển hình thức chăn nuôi liên doanh, liên kết theo hướng an toàn dịch bệnh, ký kết hợp đồng giữa các trang trại chăn nuôi với các doanh nghiệp để xây dựng vùng thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh liên kết giữa các trang trại với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học. Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi cùng loại sản phẩm cần liên kết chặt chẽ hơn để tận dụng lợi thế của mỗi bên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của trang trại.

Các trang trại chăn nuôi phải xây dựng được thương hiệu, trong đó coi trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhằm cung cấp kịp thời cho các trang trại chăn nuôi về tình hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng cũng như nhu cầu của thị trường. Tổ chức lại chuỗi thị trường từ khâu chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học đến các chợ buôn bán gia súc, gia cầm được kiểm dịch, đến các cơ sở giết mổ, chế biến công nghiệp và đến bàn ăn của người tiêu dùng.

3.5. Xử lý chất thải tránh ô nhiễm môi trường

Các trang trại chăn nuôi cần có các biện pháp để xử lý chất thải tránh ô nhiểm mỗi trường. Mỗi trang trại chăn nuôi tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng các phương pháp xử lý chất thải phổ biến như sau: Xử lý theo công nghệ khí sinh học (hầm Biogas quy mô lớn), xử lý theo công nghệ hiếu khí (bể sinh học sục khí) hoặc xử lý theo phương pháp công nghiệp. Đối với các trang trại chăn nuôi hiện đang nằm trong khu dân cư phải có kế hoạch di dời đến địa điểm đảm bảo an toàn sinh học. Xung quang trang trại phải có tường rào để hạn chế việc tiếp xúc, lây lan mầm bệnh. đối với gia súc, gia cầm ốm chết phải được tiêu hủy bằng biện pháp chôn, đốt; phân phải được xử lý trước khi đưa ra sử dụng, nước thải cũng phải được xử lý trước khi thải ra môi trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Cục Thống kê Hà Tĩnh (2012, 2013, 2014, 2015, 2016), Niên giám thống kê, NXB thống kê Hà Nội.
  • Cục Thống kê Hà Tĩnh (2012), Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, Nxb Thống kê Hà Nội.
  • Cục Thống kê Hà Tĩnh (2016), Báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.
  • Đề án phát triển ngành chăn nuôi Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Ban hành kèm theo Quyết định số 4263?QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.