MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM SANG LÀO

 

Hai nước Việt Nam và Lào hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Quan hệ thương mại Việt Nam-Lào tuy có phát triển, hai bên dành cho nhau những ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa được sản xuất từ mỗi nước khi nhập khẩu vào nhau, thỏa thuận tạo điều kiện cho người, hàng hóa và phương tiện của hai nước qua lại biên giới, nhưng vẫn chưa tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và tiềm năng xuất nhập khẩu hàng hóa của mỗi nước. Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng giảm do giá cả trên thị trường thế giới giảm, Lào cấm xuất khẩu gỗ bán thành phẩm (mặt hàng gỗ chiếm tới trên 60% kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam) và chỉ cho xuất khẩu gỗ thành phẩm. Dựa trên tài liệu thu thập, nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào giai đoạn 2012 – 2016, thành công và hạn chế, nguyên nhân của hoạt động này trong giai đoạn 2012 – 2016, từ đó để đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào trong thời gian tới.

  1. Giới thiệu

Lịch sử đã ghi nhận mối quan hệ truyền thống gắn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, được vun đắp qua cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Mối quan hệ đặc biệt đó ngày càng có ý nghĩa to lớn trong công cuộc dựng xây đất nước; nhờ đó tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư và phát triển của doanh nghiệp mỗi nước. Tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều không chỉ tạo không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội giao lưu hai nền văn hóa, gia tăng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân hai nước ngày càng phong phú, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam sang Lào có chiều hướng giảm. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào đạt 1,123 tỉ USD ( thấp hơn nhiều so với mục tiêu đạt 2 tỷ USD của Chính Phủ đề ra) giảm 12,6% so với năm 2014 (1,285 tỉ USD). Đặc biệt, năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 823 triệu USD năm 2016, giảm 26,7% so với năm 2015. Một số nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm này là do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống chợ và hạ tầng kỹ thuật, trong khi doanh nghiệp hai nước chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của nhau,… Trên cơ sở thu thập, phân tích tài liệu, nghiên cứu này đã tổng hợp, đánh giá thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào giai đoạn 2012 – 2016, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào trong thời gian tới.

2. Thực trạng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào giai đoạn 2012 – 2016

2.1. Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào những năm vừa qua

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Lào có nhiều biến động, không ổn định. Kim ngạch thương mại Việt Nam sang Lào trong giai đoạn năm 2010-2014 liên tục tăng trưởng theo từng năm, đạt mức tăng bình quân 25,8%/năm. Đặc biệt, đến năm 2014, đạt 1287 triệu USD, tăng 17,86% so với năm 2013 (1092 triệu USD),  và tăng 48,6% so với năm 2012 (866 triệu USD). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến năm 2016 xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào lại giảm đáng kể từ kim ngạch 1287 triệu USD đạt được trong năm 2014 đã giảm 464 triệu USD, xuống còn 823 triệu USD năm 2016, giảm 26,7% so với năm 2015. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống này là do giá cả trên thị trường thế giới giảm và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào liên tục giảm.

Cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam – Lào trong giai đoạn này cũng chủ yếu nghiêng về phía Lào, chỉ riêng đến năm 2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Lào giảm mạnh, Việt Nam đạt mức thặng dư 133 triệu USD.

Biểu đồ 1: Xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào trong giai đoạn từ năm 2012-2016

 

 

                                                                                                                                                                                                                 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong 5 năm qua (2012-2016), trong khi kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào duy trì được sự tăng trưởng tương đối ổn định thì kim ngạch nhập khẩu từ Lào lại có nhiều biến động. Cụ thể:

-   Về xuất khẩu: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nước ta đều duy trì được sự tăng trưởng qua từng năm (năm 2012 đạt 421 triệu USD, năm 2013 lên 423 triệu USD, 2014 lên 485 triệu USD, đến năm 2015 đạt 535 triệu USD ( tăng gần 95% so với năm 2011 chỉ mới đạt 274 triệu USD) và đến năm 2016 giảm nhẹ xuống còn 478 triệu USD.

Điểm nổi bật nữa trong hoạt động xuất khẩu của nước ta sang thị trường Lào đó là sự tăng trưởng về số lượng mặt hàng. Nếu như năm 2011, mới có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào thì đến năm 2015 con số này nâng lên thành 17 nhóm hàng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm sắt thép các loại (chiếm 20%), xăng dầu các loại (chiếm trên 15% và có xu hướng giảm dần trong tỉ trọng các mặt hàng xuất khẩu sang Lào từ 23% năm 2012 xuống gần 13% năm 2016), phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm gần 10% và có xu hướng tăng dần trong tỉ trọng các mặt hàng xuất khẩu sang Lào từ 8,3% năm 2012 lên 10,7% năm 2016). Trong đó, năm 2015 có 1 nhóm hàng đạt trị giá trên 100 triệu USD là sắt thép và sản phẩm sắt thép (đạt gần 118 triệu USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Lào), trong khi mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của năm 2011 là xăng, dầu chỉ đạt 67 triệu USD.

Bảng 1: 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào có kim ngạch lớn nhất trong giai đoạn từ 2012-2016

 

Đơn vị tính: triệu USD

 

Tên nhóm mặt hàng chủ yếu

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Sắt thép các loại

108

79

91

118

76

Xăng dầu các loại

98

107

86

67

62

Phương tiện vận tải và phụ tùng

35

42

58

50

51

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

21

17

22

31

30

Sản phẩm từ sắt thép

15

14

19

28

28

Clanhke và xi măng

-

17

23

29

16

Sản phẩm từ chất dẻo

11

13

18

13

10

Phân bón các loại

17

19

14

7

9

Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

4

4

4

8

9

Cà phê

0

1

0

2

9

Hàng hóa khác

111

110

152

183

178

Tổng cộng

421

423

485

535

478

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

-   Về nhập khẩu: Giai đoạn 2011- 2015 chứng kiến nhiều sự biến động trong kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Lào. Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 445 triệu USD, đến năm 2013 lại vọt lên gần 669 triệu USD, và tiếp tục tăng lên 810 triệu USD vào năm 2014 (tăng 82% so với năm 2012), nhưng sang năm 2015 lại giảm xuống còn gần 587 triệu USD và đến năm 2016 giảm mạnh xuống còn 345 triệu USD (giảm 41,22% so với 2015). Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự đi xuống này là do Lào cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 65-70% kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Lào) bán thành phẩm và chỉ cho xuất khẩu gỗ thành phẩm, khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh từ mức 597 triệu USD năm 2014, 360 triệu USD năm 2015 xuống còn gần 79 triệu USD.

Mặt khác các mặt hàng, hàng hóa nhập khẩu từ Lào còn khá khiêm tốn với 5 nhóm chủ yếu: quặng và khoáng sản khác; phân bón; gỗ, sản phẩm gỗ; cao su và kim loại thường. Nhìn vào sự biến động về hoạt động XNK của Việt Nam vào Lào thời gian qua ta thấy sự phụ thuộc lớn vào một số ít mặt hàng (nhất là ở chiều nhập khẩu từ Lào chủ yếu phụ thuộc vào mặt gỗ, sản phẩm gỗ). Chính vì vậy, khi các nhóm hàng này có sự thay đổi về kim ngạch sẽ tác động rất lớn đến kim ngạch thương mại chung giữa 2 nước.

Bảng 2: Các nhóm hàng lớn nhất được nhập khẩu từ Lào về Việt Nam trong giai đoạn 2012-2016

 

Đơn vị tính: triệu USD

Tên nhóm mặt hàng chủ yếu

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Gỗ và sản phẩm gỗ

285

460

597

360

79

Cao su

13

29

31

40

51

Phân bón các loại

16

27

27

41

39

Quặng và khoáng sản khác

19

28

41

27

33

Kim loại thường khác

68

48

25

11

6

Hàng hóa khác

44

78

81

107

137

Tổng cộng

445

669

802

587

345

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

2.2. Đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam – Lào giai đoạn 2012 – 2016

v Thành công

            Dựa trên tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang Lào giai đoạn 2012 – 2016, có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào đã đạt được một số thành tựu như:

-    Hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng với tốc độ cao, như năm 2011, mới có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Lào thì đến năm 2015 con số này nâng lên thành 17 nhóm hàng.

-   Các cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính bước đầu được hai bên quan tâm cải thiện, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào.

-   Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam sang Lào đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Đến nay, vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt khoảng 5,1 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào. Riêng năm 2016 đã có thêm một số dự án lớn được đưa vào vận hành khai thác, nổi bật là thủy điện Xê-ka-mản 1 đã hoàn thành và phát điện. Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn cũng kịp thời hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ khách Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016.

-   Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào tại khu vực biên giới đã thu được nhiều kết quả tích cực; phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu qua biên giới, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào phát triển.

v Hạn chế và nguyên nhân

            Mặc dù thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào đã đạt được một số thành tựu kể trên nhưng hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, được thể hiện ở các mặt sau:

-   Trong thời gian gần đây, tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào có chiều hướng giảm, do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào chưa đa dạng, vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống chợ và hạ tầng kỹ thuật, trong khi doanh nghiệp hai nước chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của nhau.

-   Trao đổi buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam- Lào đang chủ yếu dựa vào hạ tầng giao thông đường bộ. Do thủ tục thông quan tại các cửa khẩu Việt Nam - Lào chưa được cải thiện nhiều, dẫn tới chi phí vận tải khá lớn, giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh về hàng hóa.

-   Hoạt động thương mại biên giới tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế của thương mại biên giới và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương, do hành lang pháp lý về buôn bán qua biên giới của Việt Nam - Lào đang trong quá trình hoàn thiện nên hiệu quả pháp lý thấp, còn nhiều bất cập, nhiều quy định vẫn còn chồng chéo, phát sinh nhiều thủ tục hành chính chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động thương mại biên giới.

-   Dù kim ngạch trao đổi hàng hóa liên tục tăng qua các năm nhưng chưa tăng mạnh và đồng đều trên cả tuyến biên giới, một số tỉnh có tiềm năng như Điện Biên, Sơn La, Kon Tum... do cơ sở hạ tầng cửa khẩu, thương mại, giao thông chưa được đầu tư tương xứng.

-   Hai nước vẫn chưa xây dựng, ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giao thương qua các cửa khẩu biên giới. Điều này gây ảnh hưởng tới sự thống nhất đồng thuận, giải quyết một số vấn đề trong hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào Việt Nam-Lào

3. Một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào trong thời gian tới.

Sau 55 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Lào luôn giữ vững mối quan hệ hữu nghị truyền thống và không ngừng được củng cố theo thời gian. Đặc biệt, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành cùng nhiều cơ hội và thách thức đặt ra đối với hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước tiếp tục được khẳng định và phát huy, đặc biệt là trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Lào, ngày càng đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển kinh tế mỗi nước. Tuy nhiên, dù cơ chế hợp tác thương mại và khung khổ đa dạng nhưng vẫn chưa đủ mạnh, hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp tham gia một cách tích cực.Theo các số liệu thống kê về nhập khẩu theo mặt hàng, theo thị trường của Lào, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chỉ bằng 12,13% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ các nước, bằng 13,20% kế hoạch nhập khẩu của Lào. Như vậy, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Nhất là đối với các mặt hàng chủ yếu như: thủy sản, giầy da, may mặc và một số vật tư, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép các loại, than đá, xăng dầu các loại, phân bón, nguyên liệu, thiết bị, dây điện, cáp điện, máy móc. Tuy vậy, kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Lào còn khiêm tốn so với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu hàng trăm tỷ USD mỗi năm của nước ta hiện nay. Trong thời gian tới, cần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam sang Lào nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế mỗi nước, trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những hạn chế trong giai đoạn 2012-2016, cần triển khai thực hiện một số biện pháp sau:

-   Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để đáp ứng được nhu cầu hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, Hội chợ xúc tiến thương mại diễn ra ở Thủ đô Viên Chăn do Việt Nam tổ chức năm vừa qua đã thu hút trên 200 DN hai nước tham gia; Hội chợ Techmart công nghệ do Lào tổ chức cũng thu hút đông đảo DN Việt Nam tham dự. Cùng với đó là nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm chuyên đề cũng diễn ra ở nhiều vùng, tỉnh, thành phố của Lào cũng gia tăng việc giao lưu, trao đổi, nắm bắt nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của người dân để DN có hướng đầu tư, tăng nhanh kim ngạch XNK.

-   Đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, tạo sự kết nối mạng giao thông xuyên suốt, tăng nhanh khối lượng, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa.

-   Tiếp tục cải thiện thủ tục thông quan hàng hóa giữa hai nước, tiến tới áp dụng mô hình “Một cửa, một lần dừng”, rút ngắn thời gian thông quan, giảm phiền hà, giảm chi phí DN, tăng nhanh khối lượng vận chuyển hàng hóa, rút ngắn thời gian lưu thông, tăng tính cạnh tranh…góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong thời gian tới.

-   Chính phủ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc để cơ cấu lại, hoạch định lại chiến lược về phát triển hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào, nhất là đa dạng hóa về cơ cấu các mặt hàng XNK để tránh bị phụ thuộc lớn vào một số ít mặt hàng (cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Lào tập trung chủ yếu vào những nhóm mặt hàng chính là: gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá ) như thời gian vừa qua. Điều đó sẽ góp phần phát huy được lợi thế về quan hệ giữa Việt Nam và Lào để thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững.

-   Phối hợp nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển thương mại Việt Nam – Lào giai đoạn 10 năm tới (2017-2026); nhanh chóng cụ thể hóa và tăng cường phổ biến các văn kiện quan trọng đối với quan hệ thương mại song phương đã ký giữa hai nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào.

-   Cần đơn giản thủ tục quản lý biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cần hợp tác với Lào để xây dựng cơ chế phối hợp về việc trao đổi thông tin gắn với việc quản lý công tác thương mại biên giới được diễn ra nhanh chóng giúp giải quyết kịp thời các vấn đề tồn đọng.

-   Thúc đẩy các thành phần kinh doanh tham gia vào việc phát triển thương mại biên giới và xây dựng chợ biên giới, nhất là chợ vùng biên, nằm trong kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt – Lào 2020 hai bên sẽ nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ mỗi nước về khả năng thành lập cũng như hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cặp cửa khẩu, Khu hợp tác kinh tế dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

-   Xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển thương mại biên giới để quảng bá, thu hút tài chính của các nước trong khu vực và quốc tế nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của cư dân ở khu vực biên giới hai nước.

-   Tiếp tục hợp tác nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ thương mại của các DN Việt Nam tại các khu vực cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

-   Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa các thủ tục xuất, nhập khẩu cũng như giảm thiểu và thống nhất giữa hai bên các loại phí và lệ phí cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào.

-   Hệ thống chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu hai bên liên tục được cải cách theo lộ trình của các cam kết quốc tế. Cùng với việc cải cách chính sách thuế xuất nhập khẩu, quy trình về thủ tục thu nộp thuế, khấu trừ, miễn giảm, hoàn thuế, quyền nộp thuế cũng được xác lập đầy đủ, rõ ràng hơn. Đã hạn chế được tối đa việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan như: hạn ngạch, xuất khẩu, nhập khẩu theo đầu mối, đơn giản hoá quy định quản lý chuyên ngành. Điều này góp phần khuyến khích, thu hút được một số lượng lớn các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân biên giới tham gia vào hoạt động thương mại biên giới hai nước.

-   Phối hợp nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ mỗi nước về khả năng thành lập cũng như hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cặp cửa khẩu, Khu hợp tác kinh tế dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

-   Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tăng cường trao đổi các đoàn tiếp xúc, quan hệ cùng hợp tác đầu tư giữa các doanh nhân Việt Nam và Lào, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại tại các tỉnh biên giới

Tài liệu tham khảo

1. GS.TS. Đỗ Đức Bình – PGS.TS. Nguyễn Thương Lạng, (2012), Giáo trình Kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

2. PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn – TS. Trần Hòe, (2012), Giáo trình Thương mại quốc tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

3. Tổng cục hải quan, Báo cáo quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Lào tính đến tháng 3/2017

4. http://www.trungtamwto.vn: Động lực mới cho hợp tác thương mại Việt Nam - Lào

 

5. http://vov.vn: Thương mại song phương Việt Lào giảm mạnh.