IMF đưa ra mức dự báo mới về tăng trưởng GDP của Việt Nam 2017

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 5/7/2017 vừa công bố hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 xuống 6,3%, mức dự báo được đưa ra trước đó là 6,5% (hồi tháng 5/2017). Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 vẫn giữ nguyên ở mức 6,3%. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt 6,2% trong năm 2016, giảm so với mức 6,7% năm 2015.


Theo đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 215,4 tỷ USD cuối năm 2017 và tăng lên 232,7 tỷ USD năm 2018, tương ứng với mức GDP bình quan đầu người là 2.301 USD và 2.460 USD. Nguyên nhân IMF đưa ra mức dự báo tăng trưởng thấp hơn so với trước đó là do hoạt động khai thác dầu tiếp tục sụt giảm trong quý I năm nay cùng các rủi ro nợ công cao, nợ xấu ngân hàng chậm xử lý, điều kiện tài chính toàn cầu đang bị thắt chặt

Đồng thời, tỷ lệ lạm phát được dự báo dao động ở mức 5% do các loại phí do Nhà nước quản lý như giáo dục, y tế được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, chỉ số CPI bình quân sẽ tăng 4,9% trong năm 2017 và 4,8% năm 2018.

Một số rủi ro cần lưu ý đối với kinh tế Việt Nam

IMF cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với nền kinh tế Việt Nam về một số rủi ro cơ bản trong thời gian tới.

Về các nguy cơ từ bên ngoài, sự tăng giá của đồng USD đối với đồng nội tệ và áp lực cạnh tranh gia tăng từ các thị trường mới có thể dẫn tới nguy cơ khiến các nhà đầu tư cắt giảm hoặc rút vốn, tạo sức ép lên tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, xu hướng các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại và Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP có thể ảnh hưởng tới dòng vốn FDI, làm giảm đà cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và sự giảm nhiệt của kinh tế Trung Quốc có thể làm giảm giá trị xuất khẩu. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm kéo theo giảm doanh thu ngân sách.

Về các rủi ro trong nước, IMF cho rằng rủi ro tiến trình cấp vốn và xử lý nợ xấu chậm, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao trong lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Nợ công cao làm hạn chế dư địa của Chính phủ trong việc xử lý các điểm yếu của ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và đáp ứng nhu cầu đầu tư lớn của nền kinh tế. Với việc chính sách tiền tệ vẫn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của tỷ giá, lạm phát tăng có thể gây áp lực lên tỷ giá và khiến nhà đầu tư rút vốn. Chậm trễ trong cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân và tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư.

Ngược lại, IMF cũng khẳng định, việc thực hiện thành công nghị trình cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, củng cố tài khóa và hiện đại hóa khung pháp lý tiền tệ có thể nâng tiềm năng tăng trưởng và tăng khả năng chống chịu các cú sốc từ bên ngoài. Ngoài ra, xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Trung Quốc đã tăng nhanh và sẽ được hưởng lợi từ việc tái cân bằng nền kinh tế ở Trung Quốc. Việc sớm thực hiện Hiệp định tự do thương mại với EU và các hiệp định khác sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Khuyến nghị đối với Việt Nam

Các chuyên gia IMF khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục duy trì chính sách tài khóa thắt chặt, đồng thời ủng hộ kế hoạch giảm thâm hụt tài khóa xuống 3,5% GDP đến năm 2020 và giữ trần nợ công ở mức 65% GDP. Đồng thời chú ý tới các dấu hiệu lạm phát lõi tăng. Việt Nam cần cải thiện chính sách tỷ giá hối đoái linh động hơn, và chuyển dần sang sử dụng lạm phát là mục tiêu.

IMF cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách khu vực ngân hàng, tăng cường năng lực cho Công ty VAMC, và tiếp tục cải cách để đẩy mạnh thu hồi nợ và tăng cường kỷ luật thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1.      Báo cáo “IMF Executive Board Completes the 2017 Article IV Consultation with Vietnam”, July 5, 2017 của Tổ chức Tiền tệ thế giới IMF;

 

2.     Bài viết “IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,3% năm 2017, cảnh báo nhiều rủi ro” – Tác giả Minh Tuấn – Chuyên mục Kinh tế vĩ mô – Báo điện tử Cafef.vn.