Nhìn nhận hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh kế khu vực và quốc tế, FDI đã không còn là một hoạt động mới mẻ, mà đã có những ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều năm tới các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. FDI được cho là đi kèm với các tác động tích cực như tăng trưởng kinh tế nhanh, nâng tiền lương lao động, chuyển giao kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, FDI cũng tồn tại những rủi ro gây những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội và môi trường. Việc nhìn nhận hoạt động FDI  ở Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững là cần thiết để có thể hướng hoạt động này tới mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Nội dung

2.1. Quan điểm phát triển bền vững

Phát triển bền vững có thể hiểu là “quá trình phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Thuật ngữ này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED. Phát triển bền vững hướng tới thế cân bằng giữa ba khía cạnh: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Khi thế cân bằng này bị phá vỡ, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế kéo theo sự giảm sút của các lợi ích xã hội và môi trường, quốc gia đó sẽ dễ sa vào một mối nguy hại có ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ tương lai.

2.2. Thực trạng FDI ở Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững

Trong những năm vừa qua, cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến ưa thích của công ty đa quốc gia (TNC) tại khu vực ASEAN. Khi xem xét thực trạng FDI ở Việt Nam trên quan điểm phát triển bền vững, tác giả sẽ phân tích thực trạng FDI dựa trên ba yếu tố: đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng của FDI tới các lợi ích xã hội và môi trường.

·        FDI đối với tăng trưởng kinh tế

Không thể phủ nhận rằng, FDI là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt  Nam trong hơn 10 năm vừa qua. Tính lũy kế tới tháng 12/2016, đã có 20 069 dự án FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đăng kí đạt 281882,5 triệu USD. Theo báo cáo 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước: năm 1995 GDP của khu vực đầu tư nước ngoài tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; tốc độ này tương ứng là 11,44% và 6,79% (2000), 13,22% và 8,44% (2005), 8,12% và 6,78% (2010). Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong GDP tăng dần, từ 2% GDP (1992), lên 12,7% (2000), 16,98% (2006) và 18,97% (2011). Đối với ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp FDI đóng góp 19081 tỷ đồng năm 2005, tăng lên 123802 tỷ đồng năm 2014, tương ứng với 8,36% và 14,11%. Đối với xuất khẩu, FDI đang là khu vực chủ yếu, đóng góp phần lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 52,4% năm 2010 và 70,5% vào năm 2015.

Bên cạnh những mặt tích cực mà FDI đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cũng cần nhìn nhận lại những mặt trái mà FDI gây ra. Mặc dù các doanh nghiệp FDI đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đồng thời khu vực kinh tế này cũng là tác nhân gây ra nhập siêu lớn từ việc nhập khẩu các nguyên, phụ liệu từ nước ngoài. Từ năm 2010 tới 2015, khu vực FDI luôn chiếm từ 43,6% tới 57,8% trong cơ cấu nhập khẩu và con số này có xu hướng tăng lên theo từng năm. Nghiên cứu của tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong chỉ ra rằng yếu tố năng suất tổng hợp tính riêng cho khu vực kinh tế này trong giai đoạn 2006-2011 lại là một con số âm. Điều này ngụ ý rằng vốn FDI đã không đóng góp vào việc gia tăng chất lượng GDP, nếu không muốn nói là đã kéo lùi nó, thông qua đầu tư tập trung vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, chẳng hạn ngành may mặc và da giày, với máy móc và công nghệ lạc hậu (Trương Quang Thông, 2015). Như vậy, dù không thể phủ nhận rằng FDI có những đóng góp nhất định tới sự tăng trưởng kinh tế quốc gia nói chung, FDI vẫn tin những rủi ro tăng trưởng không bền vững.

·        Tác động của khu vực FDI tới xã hội

Các hoạt động kinh tế luôn có những ảnh hưởng nhất định tới xã hội địa phương. Ở đây, tác giả muốn đề cập tới một trong những yếu tố xã hội mà FDI ảnh hưởng lớn nhất - người lao động. Trong năm 2015, có 2,2 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI. Con số này hoàn toàn chưa tương xứng với những mong đợi, đặc biệt khi so sánh với khu vực kinh tế khác. Con số 2,2 triệu lao động chỉ tương ứng với 4,2% tổng số lao động cả nước (52,8 triệu người), khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có tới hơn 45 triệu lao động.

Khi xét tới vấn đề tiền lương, trong năm 2015, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI có mức lương tháng trung bình là 5,313 triệu đồng, cao hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước( 4,241 triệu đồng), nhưng thấp hơn khu vực kinh tế nhà nước (5,695 triệu đồng)/ Mức lương trung bình của lao động trong doanh nghiệp FDI cao hơn mức lương trung bình cả nước, tuy nhiên khi đặt bên cạnh các thông số khác, ta thấy rõ sự bất hợp lý ở con số 5,695 triệu đồng này. Khu vực FDI là khu vực có mức độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp nhiều trong xuất khẩu và ngân sách nhà nước, thời gian làm việc của lao động FDI lớn nhất so với các khu vực kinh tế khác (51,5h/tuần so với mức trung bình của các khu vực kinh tế là 44,9h/tuần). Từ những bất cập đó, có thể thấy rõ hai nguyên nhân: Thứ nhất, các lao động trong các doanh nghiệp FDI có năng suất lao động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, các công việc chủ yếu vẫn mang lại ít giá trị gia tăng. Tuy nhiên, một nguyên nhân thứ hai cũng cần được bàn tới, chính là các doanh nghiệp FDI vẫn chưa đảm bảo và quan tâm tới lợi ích của các lao động Việt Nam. Tính từ năm 1995 tới nay có trên 4000 cuộc đình công, và con số này tại các doanh nghiệp FDI chiếm tới 78%. Trong một khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì có 45/170 ý kiến từ các lao động của doanh nghiệp FDI cho biết cho rằng họ đang gặp phải các vấn đề về bất đồng ngôn ngữ, bị miệt thị, bị phân biệt đối xử. Trong khi đó, có 11,15% cho rằng điều kiện làm việc không được đảm bảo, ví dụ thiếu nước uống, nhà xưởng quá nóng về mùa hè, môi trường làm việc nhiều độc hại, bữa ăn công nhân không được đảm bảo. Như vậy, những hứa hẹn như FDI sẽ làm hỗ trợ giải quyết vấn đề việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động Việt Nam cũng cần được xem xét lại.

·        Tác động của FDI tới môi trường

Một trong những ảnh hưởng lớn của FDI tới các nước đang phát triển chính là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều này có thể dự đoán trước bởi động cơ đầu tư ra nước ngoài của đa phần các TNC chính là giảm thiểu ô nhiễm trong nước và tránh phí thải ở mức cao ở nước đầu tư. Ở các nước đang phát triển, các cơ chế, pháp luật về môi trường còn lỏng lẻo dễ dẫn tới hiện tượng các doanh nghiệp FDI cố ý không thực hiện đúng các quy định. Theo một báo cáo vào năm 2016 của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung Ương, chỉ có khoảng 66% trong số 289 khu công nghiệp trên cả nước có trạm xử lý nước thải tập trung,  67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao.

Trong những năm gần đây, số vụ phát hiện các doanh nghiệp FDI vi phạm quy định, gây sự cố môi trường nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Năm 2008, Công ty Vedan Việt Nam xả thải, gây ô nhiễm trên sông Thị Vải (Đồng Nai). Với việc xả chui 100.000m³ nước thải độc ra sông mỗi tháng, bán kính ô nhiễm rộng tới 10km dọc bờ sông Thị Vải, Vedan đã làm thiệt hại gần 2.700 hécta nuôi trồng thủy sản của Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Mới đây nhất, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc Đài Loan đã xả thải hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế).

Quay trở lại vấn đề thu hút FDI vào Việt Nam trong những năm vừa qua, số lượng các dự án FDI về các ngành khai khoáng và công nghiệp chế biến có chiều hướng gia tăng, và vẫn đang là các lĩnh vực kinh tế thu hút FDI lớn nhất cả về số dự án và vốn đăng kí. Hai lĩnh vực này chiếm tới  53,7% số dự án, và 57,8% số vốn đăng ký ;trong khi trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải chỉ chiếm 0,2% số dự án và 0,47% vốn đăng ký. Một thực tế cần nhìn nhận là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn chưa tạo sức ảnh hưởng tích cực thông qua chuyển giao công nghệ mới, sạch vào Việt Nam. Nghiên cứu của Đinh Đức Trường (2015) chỉ ra rằng những công nghệ mới được sản xuất từ năm 2000 - nay chỉ chiếm 5% trên tổng số công nghệ sản xuất của doanh nghiệp FDI.  Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi một trong những động cơ của FDI chính là kéo dài vòng đời công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp FDI hiếm khi chuyển giao các công nghệ sản xuất mới, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường nếu không có sự ràng buộc từ nước nhận đầu tư.

3. Kết luận

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy rằng, FDI vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển. Tuy nhiên, hoạt đông này cần được nhìn nhận dưới quan điểm phát triển bền vững để từ đó thấy được những rủi ro tiềm ẩn, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với mục tiêu FDI mang lại phúc lợi xã hội lớn và đảm bảo môi trường cho hiện tại và tương lai.

Tài liệu tham khảo

 [1]. Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2013, Kỷ yếu hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

[2].Trương Quang Thông, 2015, Tăng trưởng kinh tế nhờ vào FDI - đằng sau những con số, http://www.thesaigontimes.vn/112840/Tang-truong-kinh-te-nho-vao-FDI---dang-sau-nhung-con-so.html

[3]. Đinh Đức Trường, 2015, Quản lý môi trường tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tập 31, Số 5 (2015)