Năng lực cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh - Những vấn đề đặt ra

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) từ năm 2005. Đây là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển khu vực kinh tế dân doanh.

 

            Mặc dù có một số lợi thế nhất định về điều kiện vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, cảng… song trong những năm qua nhìn tổng thể điểm số PCI của Hà Tĩnh chưa cao, xếp hạng NLCT chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhiều tiêu chí còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự biến động chỉ số PCI của Hà Tĩnh đang đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Bảng 1. Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2014

Năm ĐiêD        Điểm tổng hợp Kết quả xếp hạng Nhóm điều hành
2006 42.35 59 Tương đối thấp
2007 45.56 57 Tương đối thấp
2008 47.48 49 Tương đối thấp
2009 55.26 47 Khá
2010 57.22 37 Khá
2011 65.97 7 Tốt
2012 56.27 35 Khá
2013 55.48 45 Trung bình
2014 58.19 35 Khá
2015 57.2 45 Khá

            Nguồn: Tác giả tổng hợp từ http://pcivietnam.org

            Nếu như năm 2011 Hà Tĩnh có bước nhảy vọt xếp thứ 7/63 thì 4 năm liên tiếp trở lại đây lại giảm điểm liên tục và xếp vào tốp trung bình cả nước. Mặt khác, so sánh thứ hạng PCI tỉnh Hà Tĩnh với 63 tỉnh, thành trong cả nước và 11 tỉnh trong vùng duyên hải Trung Bộ có thể thấy thứ hạng của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có sự cải thiện nhưng không ổn định (Xem biểu đồ 1). Trừ năm 2011 với việc thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, thứ hạng của Tỉnh tăng vượt bậc đạt 7/63 trong cả nước, 1/12 trong vùng duyên hải Trung bộ.

Thuy 1

Biểu đồ 1. Thứ hạng PCI tỉnh Hà Tĩnh qua các năm

           

            Tuy đã đạt được sự cải thiện đáng kể trong việc cải thiện một số lĩnh vực thuộc MTKD như thay đổi tư duy nhìn nhận về vai trò của DN và DN tư nhân nói riêng đối với sự phát triển của tỉnh, hạn chế những can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chấn chỉnh các khâu trong quản lý nhà nước, các nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính… song nhìn chung đánh giá của DN dân doanh về những cải thiện trong môi trường đầu tư và kinh doanh ở Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự tốt.

             Sự cải thiện các chỉ số thành phần PCI của Hà Tĩnh chưa thật sự đồng đều. Năm 2012, các chỉ số thành phần dưới 7 điểm còn nhiều (7/9 chỉ số), chỉ có 2 chỉ số là chi phí gia nhập thị trường (8.96 điểm) và tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất (7.61) là đạt trên 7 điểm. So với năm 2011 rất nhiều các chỉ số thành phần đều sụt giảm như: tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý. Năm 2013 có 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2012 đó là: Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp từ 4,13 tăng lên 6,28 điểm (xếp thứ 5/63); chỉ số đào tạo lao động từ 5,32 tăng lên 6,08 điểm (xếp thứ 8/63); chỉ số thiết chế pháp lý từ 2,46 tăng lên 4,27 điểm (xếp thứ 58/63). Các chỉ số tăng điểm nhưng thứ hạng không đồng đều. Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động ở vị trí thuộc nhóm tốt. Chỉ số Thiết chế pháp lý tăng điểm nhưng vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2014 có 6 chỉ số tăng điểm song mức độ tăng không nhiều, nhiều chỉ số ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Năm 2015, có 5/10 chỉ số giảm điểm, đặc biệt chỉ số cạnh tranh bình đẳng vẫn ở mức thấp nhất cả nước (Xem biểu đồ 2).

Thuy 2

Biểu đồ 2. Điểm các chỉ số thành phần cấu thành PCI Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015

            Ý thức được tầm quan trọng trong cải thiện chỉ số PCI, Hà Tĩnh đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ.

            Theo đó, tập trung thực hiện đề án đổi mới phương thức hoạt động của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên các mặt: cách thức thực hiện thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, phí, lệ phí, điều kiện TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cấp, ngành và các hình thức công khai.

Thuy 3

            Mặt khác, theo sự chỉ đạo các cơ quan ban, ngành trong tỉnh tập trung rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư của các chủ dự án vào tỉnh, cản trở hoạt động của DN, tạo điều kiện cho nhân dân, DN và thu hút các nhà đầu tư; đặc biệt là ở các ngành: đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan… Cùng với đó là cải cách TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cấp, ngành, nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước và sự phối hợp giải quyết TTHC giữa các cấp, ngành.

            Đồng thời, tăng cường kiểm soát TTHC ở các cấp, ngành; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC theo quy định mới của pháp luật; tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính để hỗ trợ nâng cao chất lượng các quy định hành chính và giám sát việc thực hiện TTHC của cơ quan hành chính các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức…

            Việc 4 năm liền việc cải thiện chỉ số PCI không thực sự tốt và thứ hạng lên xuống thất thường có lẽ cũng là điều cần suy nghĩ. Và với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã và sẽ được triển khai hi vọng rằng Hà Tĩnh sẽ cải thiện được môi trường kinh doanh để nâng cao chỉ số PCI nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào tỉnh trong thời gian tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. http//: pci.org.vn

2. http//:hatinh.gov.vn