Một số đánh giá về chính sách chống lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015

 

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát nhờ vào việc phối hợp tốt chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa. Tuy nhiên, các biến động kinh tế khó lường vẫn đặt ra nhiều nguy cơ cho điều hành kinh tế vĩ mô.

Lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Lạm phát ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp lạm phát cao hoặc siêu lạm phát và không dự đoán được sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế, cơ cấu nền kinh tế dễ bị mất cân đối, làm cho hoạt động của của hệ thống tín dụng rơi vào tình trạng khủng hoảng,  nguồn thu ngân sách nhà nước giảm do sản xuất bị suy thoái… chính vì vậy nhà nước phải áp dụng những biện pháp thích hợp để kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Trong phạm vi bài viết này tập trung phân tích nững nội dung cơ bản của chính sách chống lạm phát mà Việt Nam áp dụng trong thời gian qua, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của chính sách, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện các chính sách chống lạm phát trong thời gian tới.

Mục tiêu của chính sách chống lạm phát là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện mục tiêu trên Việt nam sử dụng hai công cụ chủ yếu là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

1. Nội dung chính sách chống lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015

1.1. Chính sách tiền tệ

Trong thời gian qua để thực hiện mục têu kiềm chế và kiểm soát lam phát Việt Nam đã thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 15%-16%, ưu tiên tập trung vốn cho phát triển SXKD, nông nghiệp nông thôn, SX hàng xuất khẩu, hỗ trợ DN vừa và nhỏ, giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng ở khu vực phi sản xuất, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản.

Điều hành hiệu quả và linh hoạt các công cụ của thị trường tiền tệ, đặc biệt là điều tiết trực tiếp lãi suất trong điều kiện biến động kinh tế có tính bất thường.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn thúc đẩy sản xuất phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu hoặc cần thiết trong nước nhưng còn thiếu...

Kiểm soát chặt chẽ giá cả, kiên quyết xử lý nghiêm kinh doanh tiền tệ trái pháp luật, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, chống nhập lậu vàng...

1.2. Chính sách tiền tệ

Để thực hiện kiềm chế và kiểm soát lạm phát trong thời gian qua chính sách tài khoá được điều hành theo hướng:

- Tăng thu ngân sách.

- Tiết kiệm  chi thường xuyên (không tiết kiệm lương, các khoản chính sách).

- Tạm dừng mua sắm tài sản, thiết bị văn phòng, giảm các chi phí văn phòng, hội nghị, hội thảo, không cấp NS bổ sung trừ khắc phục thiên tai, dịch bệnh...

- Giảm bội chi NS dưới 5% của GDP, rà soát và khoanh nợ Chính phủ, hạn chế nợ dự phòng, không mở rộng phạm vi bảo lãnh chính phủ, đảm bảo dự nợ nước ngoài trong phạm vi an toàn tài chính quốc gia.

- Rà soát nhanh toàn bộ các công trình dự án sử dụng vốn NS, trái phiếu CP, thu hồi hoặc điều chuyển các đã bố trí vốn nhưng chưa cấp bách.

- Chưa khởi công các công trình, dự án mới trừ các dự án trọng điểm quốc gia, ODA; kiểm tra và rà soát đầu tư của các DNNN...

2. Đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại của chính chống lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua

2.1. Những kết quả đạt được

Với cơ chế xây dựng, điều hành thực thi Chính sách tiền tệ linh hoạt, kết hợp với các giải pháp tài khóa thích ứng, Việt Nam đã thực hiện thành công xuất sắc nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định sức mua đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô

Binh1

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tỷ lệ lạm phát từ mức 18,13% năm 2011giảm xuống còn 6,81% năm 2012; đạt mức 6,04% năm 2013. Tỷ lệ này giảm mạnh ở mức 1,84%  vào năm 2014 và năm 2015 được kiểm soát ở mức 0,63%. Đây là trong những mục tiêu quan trọng đã đạt được khi NHNN sử dụng kết hợp các công cụ linh hoạt để thực thi CSTT.

2.1.1. Đối với chính sách tiền tệ

- Chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng  đặc biệt là điều tiết lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát trong từng quý và từng năm đã phát huy tác dụng tích cực trong việc điều tiết lạm phát, từ mức lạm phát 18,13% năm 2011 giảm xuống còn 6,81% năm 2012 và được kiểm soát, kiềm chế ở mức 6,3% năm 2013, năm 2014 là 5,45%, năm 2015 là 1,5%.

- Ngân hàng tăng cường kiểm soát các lãi suất, duy trì lãi suất ở mức hợp lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường nhằm thúc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh từ đó tăng cung hàng hóa, dịch vụ. Ngày 03/03/2011 Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư số 02/TT-NHNN quy định trần lãi suất huy động VND của các tổ chức tín dụng là 14% nhàm thu hút khối lượng tiền mặt trong lưu thông góp phần kiềm chế lạm phát. Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2013 NHNN đã 8 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động tiền gửi VND từ đó làm cho lãi suất cho vay giảm đáng kể. Lãi suất cho vay giảm nhanh từ 18,2%, năm 2011xuống 15,4% năm 2012 và 10,5% năm 2013, năm 2014 lãi suất là 7-8%, năm 2015 là 7,7 - 9%.

- Kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng, giới hạn tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức hợp lý nhằm điều tiết lượng cung tiền, ngăn chặn lạm phát gia tăng

- Kiểm soát tỷ giá, hoạt động kinh doanh ngoại tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối

- Kiểm soát hoạt động của thị trường vàng nhằm hạn chế tiến tới xóa bỏ hiện tượng đầu cơ, huy động nguồn vốn cho phát triển sản xuất, tăng cung hàng hóa và hạn chế nhập khẩu vàng.

2.1.2. Đối với chính sách tài khoá

Chính sách tài khoá trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực trên các mặt như:

- Chủ động áp dụng các biện pháp về thuế, kiểm tra và giám sát việc kê khai và thu nộp thuế, hạn chế thất thoát nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách góp phần giảm bội chi ngân sách từ đó giúp chính phủ chủ động hơn trong điều tiết cung tiền giúp chống lạm phát.

- Chính phủ xem xét, miễn, giảm thuế và gia hạn nộp thuế nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, những ngành mà nguyên liệu trong nước còn thiếu như da, giầy, dược phẩm… từ đó giúp sản xuất trong nước phát triển tăng cung hàng hóa

- Tăng thuế xuất khẩu đối với những mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu như nguyên, nhiên liệu thô.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hoàn thuế đầu vào cho các mặt hàng thực xuất khẩu nhằm giảm bớt khó khăn cho sản xuất

2.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được thì chính sách chống lạm phát trong thời gian qua còn tồn tại những mặt hạn chế sau:

- Việc ban hành và vận dụng linh hoạt chính sách thắt chặt tiền tệ chưa tiệm cận điều kiện thực tế (làm phát sinh những hậu quả không mong muốn), kiểm soát giá chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, việc xử lý dư thừa ngoại tệ chưa chuẩn xác dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp

- Chưa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy được vai trò định hướng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hiệu quả đầu tư rất thấp, còn hiện tượng làm thất thoát vốn NN với quy mô lớn mà không có biện pháp khắc phục tốt.

- Thiếu các giải pháp đồng bộ phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán, sự can thiệp của chính phủ vào thị trường bất động sản, chứng khoán còn chưa hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp.

- Chính sách kinh tế vĩ mô còn chưa bắt kịp với định hướng tiếp cận thực tế và mang tính ổn định, lâu dài. Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước còn mang tính hình thức, chưa triệt để, thiếu sâu sát, kịp thời.

3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách chống lạm phát

3.1. Giải pháp đối với chính sách tiền tệ

- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt. Trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang sụt giảm, thì việc tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt; theo kịp sự phát triển của thị trường tiền tệ và trong khả năng kiểm soát tiền tệ là một trong các giải pháp để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.

- Tiếp tục điều hành công cụ dự trữ bắt buộc một cách chủ động và linh hoạt theo diễn biến của thị trường nhằm kiểm soát tiền tệ; mặt khác tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng sử dụng vốn khả dụng linh hoạt và hiệu quả

- Tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt theo quan hệ cung cầu trên thị trường, trong mối quan hệ phối hợp với lãi suất, có sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô: kiểm soát được lạm phát; kích thích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; không ảnh hưởng lớn đến việc doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ; tạo điều kiện quản lý và thu hút nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng; nâng cao quỹ trữ ngoại tệ của Nhà nước. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp áp dụng các công cụ phòng ngừa, bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

- Nâng cao tính độc lập, trách nhiệm của NHNN.

Đây là một trong các điều kiện tiên quyết nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Việc nâng cao tính độc lập, trách nhiệm cho NHNN phải thích ứng với mức độ hội nhập tài chính thế giới và phù hợp thể chế chính trị ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tiền tệ. Tiếp tục tạo hàng hoá và phát triển nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ; mở rộng thành viên tham gia thị trường; nâng cao vai trò điều tiết, hướng dẫn của NHNN trên thị trường tiền tệ; hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ phát triển. Sự phát triển của thị trường tiền tệ sẽ là kênh dẫn có hiệu quả trong cơ chế truyền tải các tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.

3.2. Giải pháp đối với chính sách tài khoá

- Hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế theo hướng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho thị trường. Định hướng chính sách thuế và thu NSNN nên theo hướng giảm thuế suất, mở rộng đối tượng chịu thuế; tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và các mặt hàng có khả năng sản xuất trong nước, tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm từ khai thác tài nguyên., tránh thất toát nguồn thu,. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách thuế, phí và chế độ thu cho phù hợp với tình hình thực tế; tiếp túc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan nhằm giảm thiểu tối đa thời gian kê khai, nộp thuế cho DN, khuyến khích các DN kê khai qua mạng.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại DN và đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại… qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm, gian lận, trốn lậu thuế.

- Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tăng cường kiểm soát chi ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả.

- Đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước…; Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước.

- Đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị; khẩn trương nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thích hợp để từng bước điều chỉnh khung giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường đối với các dịch vụ giáo dục, y tế.

- Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá và một số chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế thế giới sụt giảm, thì việc điều hành chính sách tiền tệ trong quan hệ phối hợp chính sách tài khoá nhằm mục tiêu góp phần ngăn chặn nguy cơ sụt giảm nền kinh tế trong nước, nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát.

Qua những phân tích trên cho thấy thời gian qua Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc kiểm soát và điều chỉnh lạm phát góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vũ Đình Bách, Trần Thọ Đạt, Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB giáo dục,2012.

2. Phan Huy Đường, Giáo trình Quản lý nhà nước về kinh tế, NXB ĐHQG Hà Nội, 2012.

3. Bộ Tài Chính, Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2011, 2012, 2013.

4. Lê Hoàng Nga, Chính sách tiền tệ Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, NXB Học viện ngân hàng, 2013

5. Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 18/7/2013

6. Nghị quyết 01/NQ-CP/ 2013

7. www.tapchitaichinh.vn