Vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong quản lý

Văn hóa doanh nghiệp là phần hồn, là tài sản vô hình của doanh nghiệp, góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Văn hóa là một công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành, bất kể đó là quản lý điều hành một quốc gia, một xã hội, một doanh nghiệp hay một cơ quan.

1. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp

 Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp. Mỗi nền văn hóa khác nhau có các định nghĩa khác nhau. Mỗi doanh nghiệp lại có một cách nhìn khác nhau về VHDN. Hiện có trên 300 định nghĩa khác nhau về VHDN. Có một vài cách định nghĩa VHDN như sau:

 Theo PGS.TS Phạm Xuân Nam: “Văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các ý nghĩa, giá trị niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên cuả một tổ chức cùng đồng thuận và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến cách thức hành động của từng thành viên” [1, tr21]

Theo PGS.TS Dương Thị Liễu: “Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ giá trị tinh thần mang đặc trưng riêng biệt của doanh nghiệp có tác động tới tình cảm, lý trí và hành vi của tất cả thành viên doanh nghiệp” [2, tr234]

Văn hóa doanh nghiệp từ góc độ quản lý tác nghiệp được hiểu  như sau: “Văn hóa doanh nghiệp bao gồm một hệ thống các ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi thành viên của một tổ chức cùng chia sẻ và có ảnh hưởng ở phạm vi rộng đến cách thức hành động của các thành viên”.

Định nghĩa tác nghiệp về VHDN nhấn mạnh 3 điểm đáng chú ý sau:

+  Về nội dung: Doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua việc lựa chọn một hệ thống các giá trị và triết lý, xác định cách thức ra quyết định và hành động điển hình thông qua nó để tạo dựng hình ảnh, phong cách đặc trưng cho mình;

+  Về mục đích: các nội dung về văn hóa doanh nghiệp được xây dựng và triển khai nhằm định hướng nhận thức và hành động cho các thành viên tổ chức, giúp hình thành năng lực hành động nhất quán cho mọi thành viên;

+  Về ý nghĩa: từ việc xây dựng và triển khai VHDN của tổ chức về mặt quản lý nhằm giúp hiện thực hóa nhận thức, năng lực của các thành viên thành hành động thống nhất phù hợp với đặc trưng, mục tiêu của tổ chức, từ đó hình thành phong cách của tổ chức.

Văn hóa doanh nghiệp tạo điều kiện cho tất cả các thành viên nhận ra được những sắc thái riêng mà một tổ chức muốn vươn tới. Nó cũng tạo ra sự cam kết tự nguyện đối với những gì vượt ra ngoài phạm vi niềm tin và giá trị của mỗi cá nhân. Chúng giúp các thành viên mới nhận thức được ý nghĩa của các sự kiện và hoạt động của tổ chức.

2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong quản lý

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản quý của doanh nghiệp, quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Tổng hợp các yếu tố gắn kết, điều phối, kiểm soát, tạo động lực... văn hóa doanh nghiệp trong quản lý thể hiện hai vai trò quan trọng sau:

+ Thứ nhất, VHDN là công cụ triển khai chiến lược. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển cần thiết phải xây dựng bản chiến lược hoạt động tương lai, xây dựng định hướng kinh doanh cần thực hiện, chỉ rõ thị trường mục tiêu của doanh nghiệp gồm: lĩnh vực hoạt động chủ yếu, khác hàng mục tiêu,… và định hướng hoạt động sản xuất như sản phẩm sản xuất, chất lượng, giá cả, dịch vụ. Sau khi xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp thì mục tiêu kế hoạch có đạt được hay không phụ thuộc vào hiệu quả triển khai thực hiện chiến lược như thế nào. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp không thành công trong triển khai chiến lược do không tập hợp thống nhất được thành viên trong tổ chức. Do chiến lược được thực hiện bởi tất cả mọi thành viên của doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi người tham gia vào một tổ chức với nhiệm vụ riêng, cương vị khác nhau và sở hữu những kỹ năng hành động không giống nhau. Họ là những mắt xích khác nhau trong một cỗ máy, nhưng để cỗ máy hoạt động theo hướng đã định thì buộc các mắt xích này phải phối hợp và thống nhất với nhau. Điều đó chỉ có thể đạt được nếu có những quy tắc hành động thống nhất để hướng dẫn, chi phối việc ra quyết định và hành động của mọi thành viên trong tổ chức, và đó không thể là gì khác ngoài yếu tố văn hóa.

+ Thứ hai, Văn hóa doanh nghiệp là cách tạo động lực cho người lao động và sự đoàn kết cho doanh nghiệp.

Quynh

 

Lý thuyết văn hóa doanh nghiệp được phát triển dựa trên hai yếu tố: giá trị và con người. Giá trị là những niềm tin được thể hiện trong triết lý hành động gồm các quan điểm, cách tư duy, cách giải quyết công việc mà các thành viên trong doanh nghiệp lựa chọn sẽ sử dụng làm thước đo để đánh giá các quyết định, nguồn động lực để hành động và mục tiêu để phấn đấu. Việc xây dựng các giá trị nhằm làm chuẩn mực chung để các thành viên bên tronglàm cơ sở, căn cứ  phấn đấu, và là cái mốc cho bên ngoài sử dụng để đánh giá về doanh nghiệp.

Giá trị là những đóng góp về phúc lợi, về sự phồn vinh và phát triển của xã hội, về việc gìn giữ và phát triển các giá trị đạo đức và nhân văn con người của doanh nghiệp. Giá trị được hình thành trên cơ sở những chuẩn mực, giá trị đạo đức xã hội và kinh doanh. Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình một trong số những chuẩn mực mà xã hội thừa nhận và coi trọng làm giá trị và triết lý chủ đạo của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đưa ra những cam kết của mọi thành viên trong việc tự nguyện phấn đấu vì những giá trị và kiên trì theo đuổi những triết lý đó. Giá trị là  yếu tố tạo nên hình ảnh của doanh nghiệp trong xã hội. Từ những giá trị và triết lý tốt đẹp các thành viên trong doanh nghiệp xây dựng nên mà doanh nghiệp và các thành viên trong doanh nghiệp được xã hội đánh giá cao, là cơ sở tạo nên thương hiệu, tên tuổi của doanh nghiệp. Yếu tố căn bản của VHDN là về con người, vì con người; chính những con người trong doanh nghiệp đã tạo nên văn hóa doanh nghiệp: người lãnh đạo đóng vai trò khởi xướng, thành viên tổ chức đóng vai trò hoàn thành. Con người đã hiện thực hóa những giá trị được tuyên bố, ngược lại, giá trị được tuyên bố làm cho việc làm và sự nỗ lực của mỗi thành viên có ý nghĩa. Giá trị là chất keo gắn kết con người lại với nhau, tạo nên động lực hành động cho con người, làm cho mỗi người tự nguyện cam kết hành động vì mục tiêu chung. Nhờ văn hóa doanh nghiệp mà nhà quản lý có thể triển khai chiến lược kế hoạch, công việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Công việc quản lý lúc này có thể được thực hiện chủ yếu là quản lý bằng văn hóa -  nhấn mạnh vai trò tự quản của từng cá nhân, khích lệ tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, thành viên tổ chức, hướng tới việc khơi dậy nguồn sức mạnh tiềm ẩn ở mỗi thành viên, tập hợp sức mạnh tập thể từ các cá nhân. Quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp là quản lý bằng ý thức, tự quản lý.

3. Kết luận

Môi trường văn hoá của doanh nghiệp tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, thân thiện và tiến thủ. Việc xây dựng một nề nếp văn hoá lành mạnh tiến bộ trong tổ chức giúp cho nhà quản lý dễ dàng hơn trong điều hành và triển khai kế hoạch của tổ chức, việc quản lý doanh nghiệp bằng cách đưa ra những chuẩn mực để hướng các thành viên hành động, tạo ra như một cơ chế khẳng định mục tiêu, hướng dẫn và uốn nắn những hành vi và ứng xử của các thành viên trong tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Xuân Nam, Văn hóa, đạo đức trong kinh doanh, NXB Khoa học XH Hà Nội
  2. Dương Thị Liễu (20012), Bài giảng Văn hoá kinh doanh, Bộ môn Văn hoá kinh doanh, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Đỗ Hữu Hải (2011), Vận dụng văn hoá doanh nghiệp vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu mang đạm đà bản sắc dân tộc cho các doanh nghiệp Việt Nam, chủ  nhiệm đề  tài PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân đề  tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ, Đại học Kinh tế quốc dân.