Tầm quan trọng của hợp tác quốc tế với các trường đại học tại Việt Nam

Xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới. Vì vậy, nền giáo dục đại học mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng cần hội nhập quốc tế để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, hợp tác quốc tế của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển của các trường đại học trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Bài viết sẽ làm rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế đối với các trường đại học tại Việt Nam qua hai vấn đề chính: sự cần thiết của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của các trường đại học tại Việt Nam và vai trò của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của các trường đại học tại Việt Nam.

 

1. Sự cần thiết của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của các trường đại học tại Việt Nam

Để trả lời được câu hỏi sự cần thiết của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của các trường đại học Việt Nam hiện nay, trước hết bài viết sẽ làm rõ khái niệm hợp tác quốc tế của trường đại học là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2010, hợp tác là “cùng chung sức giúp đỡ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó, nhằm một mục đích chung”, còn quốc tế là “các nước trên thế giới trong quan hệ với nhau”. Như vậy, có thể hiểu hợp tác quốc tế là hành vi các chủ thể quan hệ quốc tế đáp ứng lợi ích hay nguyện vọng của nhau, không chống đối nhau. Đặc điểm cơ bản của hợp tác quốc tế là có 2 chủ thể tham gia trở lên và có sự tham gia của yếu tố quốc tế. Trong phạm vi hợp tác của các trường đại học, hợp tác quốc tế là hoạt động chủ thể thuộc một trường đại học hợp tác với chủ thể thuộc quốc gia khác nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng của nhau. Hay nói một cách khác hợp tác quốc tế của trường đại học là những hoạt động có sự kết hợp giữa cá nhân/tập thể của một trường đại học với cá nhân, tổ chức nước ngoài nhằm thực hiện những nội dung mà hai bên thỏa thuận.

            Sự cần thiết của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển các trường đại học tại Việt Nam xuất phát từ ba vấn đề chính: mở cửa trong lĩnh vực giáo dục của các quốc gia, thị trường giáo dục đại học hiện nay là một thị trường cạnh tranh và tiêu chuẩn xếp hạng các trường đại học.

Thứ nhất, mở cửa trong lĩnh vực giáo dục của các quốc gia đặt ra yêu cầu cho các trường đại học phải triển khai và phát triển hoạt động hợp tác quốc tế. Xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới. Trong một thế giới không ngừng biến đổi với các thách thức ngày càng tăng, trọng trách nặng nề của giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng, tồn tại và phát triển ở môi trường cạnh tranh khốc liệt. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, các trường đại học cần có năng lực mang tính toàn cầu với những mối quan hệ có tính chất quốc tế dưới nhiều hình thức. Để có thể phát triển phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học hiện đại trên thế giới, đồng thời kéo gần khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới đặt ra yêu cầu cho các trường đại học tại Việt Nam phải biết nắm bắt cơ hội hợp tác quốc tế để cọ xát, cạnh tranh, tự đánh giá năng lực của mình và có động lực phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó, từ khi mở cửa hội nhập cho đến nay, Đảng và nhà nước Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này thông qua các Nghị quyết và chiến lược phát triển giáo dục định hướng cho vấn đề hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định một trong bảy quan điểm chỉ đạo là “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”. Liên quan đến hợp tác quốc tế về đào tạo, Nghị quyết xác định Việt Nam phải từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung, chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam; quản lý học sinh, sinh viên đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách của nhà nước và theo hiệp định của nhà nước; tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước... Ngoài ra, Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng đã chỉ rõ quan điểm “Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng giao lưu hợp tác với các nền giáo dục trên thế giới, nhất là các nền giáo dục tiên tiến hiện đại; phát hiện và khai thác kịp thời các cơ hội thu hút nguồn lực có chất lượng”. Như vậy, trong xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay, việc hợp tác quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam diễn ra như một sự tất yếu khách quan.

            Thứ hai, khi thị trường giáo dục là một thị trường cạnh tranh như hiện nay, hợp tác quốc tế là hoạt động cần thiết để giúp các trường đại học tại Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Toàn cầu hóa đẩy mạnh kinh tế thị trường, tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của giáo dục đại học dưới nhiều hình thức phong phú hơn và mang nhiều đổi thay sâu sắc. Ngày nay không chỉ có hình thức đào tạo công lập mà còn có sự tham gia của các thành phần tư nhân. Giáo dục vì thế trở thành một ngành dịch vụ được thương mại hóa và quốc tế hóa. Thông qua Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi giáo dục là một dịch vụ trong hoạt động thương mại. Theo phân loại của WTO, dịch vụ giáo dục được dẫn chiếu tới các mã CPC 921-924 và CPC 929 trong Hệ thống phân loại các sản phẩm chủ yếu (CPC), bao gồm các dịch vụ sau: Giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục đại học, giáo dục người trưởng thành và giáo dục khác. Quá trình quôc tế hóa giáo dục đại học đặt các trường đại học trong nước trong tình thế không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các trường đại học ở nước ngoài. Nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Singapore... được biết đến như những thị trường xuất khẩu giáo dục tiềm năng, đưa nền giáo dục của họ vượt qua khỏi biên giới quốc gia, đồng thời thu hút hàng trăm ngàn du học sinh đến học tập nghiên cứu. Trong tình hình đó, các trường đại học Việt Nam hiện nay không chỉ phải cạnh tranh với nhau trong việc thu hút sinh viên mà còn phải cạnh tranh với các trường đại học quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu các trường đại học tại Việt Nam phải phát triển các loại hình giáo dục đa dạng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài trong tương lai.

            Thứ ba, hợp tác quốc tế là một trong số các tiêu chuẩn xếp hạng các trường đại học của các bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới hiện nay. Nhu cầu quốc tế hóa khiến các trường đại học ngày nay không thể phát triển mà không chú trọng tới hợp tác quốc tế và hoạt động theo những chuẩn mực quốc tế nhằm đạt được sự thừa nhận, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh của mình trong một môi trường toàn cầu. Hiện nay, các bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới như Quacquarelli Symonds và The Times Higher Education đều sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến yếu tố quốc tế là những tiêu chí cơ bản khi xếp hạng, chẳng hạn như tỉ lệ sinh viên quốc tế, số bài báo khoa học quốc tế, số lượng giảng viên quốc tế, số lượng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc. Trước năm 2010, QS liên danh với tờ Phụ trương của Thời báo Giáo dục Đại học (Times Higher Eduction Surplement) của Anh Quốc để công bố bảng xếp hạng chung QS-THES. Tuy nhiên, từ 2010 đến nay 2 tổ chức này công bố độc lập các bảng xếp hạng là bảng xếp hạng QS và bảng xếp hạng cuả Times Higher Education. Trong số 13 tiêu chí xếp hạng đại học của QS có 5 tiêu chí liên quan đến yếu tố quốc tế, cụ thể: Tỉ lệ giảng viên quốc tế trên 20%, tỉ lệ sinh viên quốc tế trên 10%, 25 chương trình nghiên cứu hợp tác với các đại học thuộc top 500 của xếp hạng QS trong vòng 3 năm gần đây, tỉ lệ giảng viên đi giảng dạy và nghiên cứu nước ngoài trên 10%, tỉ lệ sinh viên đi trao đổi nước ngoài trên 10%. Bên cạnh đó, theo bảng xếp hạng The Times Higher Education, điểm số chung để xếp hạng toàn cầu “Overall score” được tính ra từ 5 thành phần rất quan trọng của hệ thống đào tạo-nghiên cứu: a) Giảng dạy; b) Tính quốc tế; c) Thu nhập và đổi mới; d) Năng lực nghiên cứu; và e) Uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu. Trong đó tính quốc tế chiếm trọng số 7,5% được xét trên các khía cạnh về tỉ lệ sinh viên, giảng viên quốc tế, số bài báo khoa học quốc tế. Trong mấy năm trở lại đây, các trường đại học tại Việt Nam mới chỉ có trường Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 500 trường đại học hàng đầu châu Á do 2 bảng xếp hạng này xếp. Do vậy, ngoài việc tập trung vào các hoạt động truyền thống là đào tạo và nghiên cứu khoa học, để có thể bắt kịp xu hướng phát triển của giáo dục thế giới, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, các trường đại học tại Việt Nam bắt buộc phải tiến hành hoạt động hợp tác quốc tế.

2. Vai trò của hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của các trường đại học tại Việt Nam

            Thứ nhất, hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của các trường đại học theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, các trường đại học Việt Nam có thể rút ra các kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng, cải tiến hệ thống và quy trình đào tạo, kết hợp nghiên cứu khoa học với giảng dạy, đồng thời biết tận dụng thời cơ và lợi thế để từng bước kéo gần khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, hoạt động này tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển bền vững, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho việc phát triển đất nước.

            Thứ hai, hợp tác quốc tế giúp các trường đại học thiết lập được nhiều hình thức hợp tác đa dạng, phong phú với các chương trình, dự án hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác song phương và đa phương... Trong quá trình đó, các trường đại học có thể khai thác các cơ hội, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ thông qua các chương trình nghiên cứu chung, liên kết với các đối tác nước ngoài để từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tiến tới quốc tế hóa các chương trình, giáo trình giảng dạy.

            Thứ ba, việc hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với sự phát triển của các trường đại học nói riêng và nền giáo dục đại học của các quốc gia nói chung. Đối với sinh viên và giảng viên, hợp tác quốc tế của các trường đại học mang lại cơ hội to lớn trong việc tiếp cận nhanh chóng với nguồn tri thức quốc tế khổng lồ. Đối với các trường đại học, hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy các tổ chức này cải tiến cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể thu hút được các đối tác cũng như tìm được vị thế trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi hợp tác với nhau hệ thống giáo dục đại học các nước còn có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm quản lý và trao đổi kiến thức chuyên môn trong giảng dạy đại học. Nhờ quá trình này, các bên đều có cơ hội nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Một lợi ích thiết thực khác đó là hợp tác về giáo dục đại học cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia với nhau.

            Ngoài ra, hợp tác quốc tế còn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng định hướng và đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng để phục vụ sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình này mang đến cho các trường đại học Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc đổi mới tư duy, phương thức quản lý giáo dục, lựa chọn phương hướng và cải tiến hệ thống, quy trình đào tạo, đồng thời tiếp cận gần hơn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

            Như vậy, có thể khẳng định hợp tác quốc tế của các trường đại học là hoạt động tất yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của giáo dục đại học hiện đại. Nắm bắt và tận dụng hiệu quả hoạt động này, các trường đại học có thể có cơ hội tốt để cọ xát, học hỏi, cạnh tranh và có động lực ngày càng phát triển theo hướng tiến bộ hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2002), Vụ Quan hệ quốc tế, Hướng dẫn về quan hệ quốc tế trong giáo dục và đào tạo, NXB Giáo dục.

2.  Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2012), Luật Giáo dục đại học.

3. Phạm Thị Ly (2009), Vai trò của Hợp tác quốc tế trong việc xây dựng trường Đại học theo chuẩn mực quốc tế cho Việt Nam

http://ired.edu.vn/vn/doc-tin/45/vai-tro-cua-hop-tac-quoc-te-trong-viec-xay-dung-truong-dai-hoc-theo-chuan-muc-quoc-te-cho-viet-nam

4. Phùng Quốc Tuấn (dịch) (2016), QS xếp hạng các trường Đại học thế giới 2015/16

http://www.hdcdgsnn.gov.vn/index.php/tin-tuc/tin-qu-c-t/606-qs-xep-hang-cac-truong-dai-hoc-the-gioi-2015-16

5. Tổng hợp thông tin tại trang web: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings