Nghiệm thu đề tài cấp trường trọng điểm Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Sáng ngày 23/1/2014, tại Phòng họp số 1 của Trường Đại học Hà Tĩnh đã nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường trọng điểm: Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm ở huyện Kỳ Anh, tỉnh HàTĩnh của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Kim Dung, Trần Thị Khánh (Khoa Kinh tế -QTKD), Trần Văn Hòa (Bộ môn Tâm lý), Phạm Huy Thông (Khoa Lý luận Chính trị).

29-1NghiemThu1

Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo Quyết định số 136 /QĐ-TĐHHT, ngày 17/1/2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh gồm: GS.TS Nguyễn Văn Đính (Chủ tịch hội đồng), ThS.NCS Bùi Quỳnh Thơ (Thư ký), (3) ThS.NCS Hoàng Ngọc Hà (Phản biện 1), CN Trần Bá Song (Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Vũng Áng - Phản biện 2), ThS. Trần Thị Kim Hiền (Ủy viên).

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài. Đặc biệt, trong điều kiện của huyện Kỳ Anh hiện nay, cơ cấu ở một số vùng còn mang tính tự phát, tỷ trọng nông nghiệp chiếm trong cơ cấu nền kinh tế của huyện còn cao... Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành CNH-HĐH, để có tiền đề về vị trí, đất đai xây dựng các khu công nghiệp, chính quyền huyện đã phải thực hiện thu hồi khá nhiều đất nông nghiệp. Việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp chính là điều kiện và thời cơ tốt nhất để chuyển một bộ phận quan trọng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, số lao động bị thu hồi đất chủ yếu chỉ được hỗ trợ bằng hình thức đền bù đất. Tiền đền bù giải tỏa có được, nhưng nhiều người dân không tiếp tục đưa vào sản xuất, hoặc chi phí cho việc chuyển nghề, mà sử dụng vào việc xây nhà, mua sắm vật dụng gia đình. Vấn đề người dân mất đất, không có việc làm và thu nhập nếu không được giải quyết kịp thời sẽ gây nguy cơ bất ổn định rất lớn. 

Xuất phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn, việc đặt vấn đề nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Kỳ Anh là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa và hết sức cần thiết.

       Đề tài được kết cấu làm 3 chương, các chương được bố trí khoa học. Chương 1 nêu rõ cơ sở lý luận giữa vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm và phân tích mối quan hệ giữa chúng. Chương 2 phản ánh thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện Kỳ Anh trên các ngành công, nông, ngư nghiệp và dịch vụ; tình hình lao động - việc làm của lực lượng lao động huyện Kỳ Anh. Từ đó đánh giá được quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quyết việc làm cho người lao động vùng thu hồi đất ở huyện Kỳ Anh. Với nguồn thông tin khá phong phú và cập nhật, phương pháp phân tích, đánh giá khoa học, chương 2 đạt chất lượng tốt. Chương 3 đã đưa ra 2 nhóm giải pháp và 11 giải pháp cụ thể để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân ở huyện Kỳ Anh. Nội dung các giải pháp có căn cứ lý luận và thực tiễn, gắn với việc khắc phục các hạn chế còn tồn tại, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và góp phần nâng cao hiệu quả đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm ở huyện Kỳ Anh trong thời gian tới

 Kết luận chung, đề tài “Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh” xếp loại tốt. Đồng thời, trong buổi nghiệm thu, GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh đã bàn bạc và thống nhất sẽ liên hệ để phối hợp với Ban Quản Lý KTT Vũng Áng cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động vùng thu hồi đất ở huyện Kỳ Anh trong thời gian tới.