^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Chứng khoán

Tai lieu ke toan may

GIÁO DỤC TRONG KỶ NGUYÊN CÚA SỰ BẤT ĐỊNH

Trước 2020, người ta đã nói nhiều đến sự bất định, nhưng phải đến khi thế giới trải qua những ngày “chưa từng thấy”, vượt xa mọi sự tưởng tượng cho đại dịch COVID thì sự bất định mới được thế giới hình dung một cách rõ ràng hơn. Thế giới đương đại ngày càng phức tạp, ẩn chứa nhiều đa liên kết “bất định” cũng trở nên phức tạp bội phần. Đối với thế hệ trẻ, một câu hỏi lớn đặt ra đó là chúng ta sẽ ứng xử như thế nào và chuẩn bị ra sao cho một thế giới ngày càng khó đoán trước.

Bất định: Biết hay không biết?

Trong bài viết này, “bất định” được soi chiếu từ lăng kính khoa học qua liên hệ với các khái niệm trong khoa học như: “nguyên lý bất định” (Uncertainty Principle) nổi tiếng trong Vật lý lượng tử của ông Heisenberg(1927) và “độ bất định của phép đo 1” (Uncertainty of Measurement) trong Đo lường học quốc tế.

Để kiểm soát được U (yếu tố bất định – Uncertainty) là một câu hỏi hầu như không thể trả lời trong khoa học. Liệu U có thể tiệm cận về zero được không? Nguyên lý Bất định của Heisenberg trong Vật lý lượng tử hiện đại phát biểu rằng một cách khách quan luôn tồn tại các cặp đại lượng Vật lý (X, Y) đối ngẫu với nhau (ví dụ vị trí – động lượng của một hạt) của đối tượng mà tích hai phương sai khi đo đồng thời hai đại lượng này luôn luôn lớn hơn hoặc bằng một hằng số (hằng số Planck h = 6,635.10-34 Js). Ví dụ với (X, Y) = (x, p) là vị trí-động lượng của một hạt: σ_x.σ_p≥h. Nghĩa là càng cố gắng xác định chính xác đại lượng này (giảm độ bất định) thì sẽ phải trả giá bằng sự kém chính xác của đại lượng kia (độ bất định tăng lên).  Nguyên lý này gợi ý rằng bất kỳ một đối tượng đo nào cũng chứa đựng những thông tin mà không thể cùng lúc xác định giá trị chính xác. Điều này có nghĩa rằng, cho dù chúng ta có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa để kiểm soát U cũng không thể loại trừ được U. Luôn luôn có những bất định mang tính khách quan mà chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận. 

Như vậy, không phải chờ đến thế kỷ 21 mới có bất định, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, thế giới đã trở nên ‘phẳng’ và ‘ảo’ với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông thông tin, các sự ‘bất định’ lan truyền với tốc độ chóng mặt và xảy ra trên quy mô lớn hơn. Đây là những thách thức chưa từng có, và cơ hội chỉ đến nếu chúng ta nắm vững và làm chủ tri thức. Chưa kể thế giới đương đại càng ngày càng ẩn chứa đa liên kết phức tạp, ‘bất định’ cũng trở nên phức tạp bội phần.

Hành trang cho những người trẻ?

Hai năm qua, thế giới, không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, đã và đang phải vật lộn để chống lại dịch bệnh. Đứng trước những quyết định sinh tồn cá nhân và cộng đồng như tiêm hay không tiêm vaccine phòng COVID-19, đeo hay không đeo khẩu trang, giãn cách hay không giãn cách vv., chúng ta, cả với tư cách cá nhân lẫn cộng đồng, lúng túng và chia rẽ. Đã có những trả giá, bằng tính mạng của hàng triệu người. Ở những thời điểm đỉnh điểm của đại dịch, mỗi ngày có hàng ngàn thông tin hỗn độn từ đủ các loại nguồn khác nhau với nhiều thuyết âm mưu lan truyền.

Cần mang theo những gì để chuẩn bị cho những sự ‘bất định’?

Hành trang “kiến thức” của người trẻ

Đối với bất cứ ngành nào, kiến thức cốt lõi của ngành là đương nhiên. Tuy nhiên thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Do vậy, bên cạnh kiến thức cốt lõi của ngành, còn cần phải nắm bắt được kiến thức của các ngành gần, các ngành liên quan. Giảm bớt sự chia tách là hạn chế bất định. Các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng.

Ngoài kiến thức chuyên ngành, còn cần trang bị khối kiến thức chung mà bất cứ công dân nào của thế kỷ 21 cần phải có. Tổ chức ‘Partnership for 21st Century skills’3 gọi tắt là P21 đã khảo sát, xây dựng và ban hành Khung Kỹ năng thế kỷ 21 (Hình 1), trong đó nêu rõ khối kiến thức chung bao gồm các môn cốt lõi và các chủ đề liên ngành. Đây là sự bắt tay giữa các tổ chức giáo dục với khối doanh nghiệp để đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với nguồn nhân lực nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ năng, năng lực của sinh viên tốt nghiệp khi bước vào thị trường lao động. 

 

 

Hình 1: Khung kỹ năng thế kỳ 21

 Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên trong thế kỷ 21 cần có là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế, Khoa học, Địa lý, Lịch sử và Quản lý nhà nước – Trách nhiệm dân sự. Khối kiến thức chung liên ngành bao gồm: (i) Hiểu biết về các vấn đề toàn cầu (đa dạng văn hóa, tôn giáo, biến đổi khí hậu…), (ii) Hiểu biết về Tài chính, Kinh tế, Kinh doanh (vai trò của nền kinh tế, tài chính cá nhân…), (iii) Hiểu biết về vai trò và trách nhiệm dân sự (quyền công dân, nhân quyền, quan hệ nhà nước-công dân…), (iv) Hiểu biết về y tế và sức khỏe (các biện pháp bảo vệ sức khỏe tâm thần và thể chất như giảm stress, tránh rủi ro y tế, dinh dưỡng… theo dõi, giám sát sức khỏe cá nhân, các vấn đề an toàn và y tế cộng đồng…), (v) Hiểu biết về Môi trường (môi trường thiên nhiên – hệ sinh thái, nguồn nước, năng lượng, khí hậu, tác động của con người tới môi trường tự nhiên – tăng trưởng dân số, tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng…).

Có thể thấy bộ kỹ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh.

Hành trang “kỹ năng” của những người trẻ

Thiếu kỹ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia, kể cả Mỹ. Khung kỹ năng thế kỷ 21 là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù được xây dựng bởi các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục hàng đầu của Mỹ, có thể thấy bộ kỹ năng này bao hàm tương đối đầy đủ những kỹ năng quan trọng để giúp những người trẻ phát triển năng lực ứng phó với bất định cả trong môi trường sống, làm việc, và học tập trên toàn cầu. 

P21 đưa ra ba khối kỹ năng trọng yếu cho sinh viên ở thế kỷ 21: (1) Kỹ năng học tập và Sáng tạo, (2) Kỹ năng Công nghệ, Truyền thông và Thông tin, và (3) Kỹ năng sống và nghề nghiệp. Trong số các kỹ năng này, nhóm (2) và (3) là những kỹ năng quan trọng nhất mang đặc trưng thời đại để ứng phó với bất định.

Hành trang “thái độ” của những người trẻ

Nếu xem xét kỹ các kỹ năng trong bộ kỹ năng của công dân thế kỷ 21 mà P21 đặt ra, có thể thấy trong đó đã ẩn chứa một phần ‘thái độ’ mà những người trẻ cần có. Tuy vậy, những kiến giải từ góc độ khoa học về bất định ở phần đầu của bài viết giúp rút ra một số gợi ý quan trọng. Bất định là tất yếu, do vậy điều quan trọng là ý thức về bất định. Chúng ta biết cái chúng ta không biết. Chúng ta biết có thể kiểm soát được sự bất định ở mức độ như thế nào. Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu, chứ không phải chúng ta mù mờ về tương lai và tương lai là không thể xác định. Nhận thức như vậy giúp chúng ta có thái độ phù hợp với bất định. Đó là sự sẵn sàng, chủ động, có sự chuẩn bị, thay vì hoang mang, sợ hãi, nghi hoặc và rồi phó mặc hoặc ra các quyết định sai lầm. Cái cách chúng ta chuẩn bị đương đầu với bất định sẽ quyết định thành công của chúng ta trong tương lai trong một thế giới ẩn chứa đầy rẫy sự bất định. Bắt đầu với các giả định, và sử dụng các công cụ khoa học, công nghệ để nghiên cứu, kiểm nghiệm các giả định, và chuẩn bị cho các viễn cảnh (scenario) là một trong những gì chúng ta có thể làm. 

Ai chịu trách nhiệm giúp những người trẻ chuẩn bị hành trang?

P21 với Khung kỹ năng thế kỷ 21 mà họ đề xuất cho thấy rõ ràng vai trò này là của nhà trường, của hệ thống giáo dục chính thống, đồng thời cho thấy đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội và gia đình. Nhà trường, thông qua chương trình giáo dục, phương pháp sư phạm, các tiêu chuẩn bao gồm chuẩn nhà trường, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra của người học…, chịu trách nhiệm trước tiên và chủ yếu trong việc chuẩn bị những tri thức cần thiết cho người học, là môi trường chính yếu để người học phát triển năng lực. Những năng lực này cần phải được tôi rèn và tiếp tục phát triển, hoàn thiện ở các môi trường thực tiễn như gia đình, cộng đồng, mạng xã hội… Giáo dục hiển nhiên không phải chỉ là nhiệm vụ của hệ thống giáo dục quốc dân, của nhà trường, của các thầy cô, và cũng không phải là giới hạn hay ngăn chặn, bảo bọc người học trong môi trường tinh khiết. Giáo dục trong kỷ nguyên bất định cần mở rộng không gian học tập để những người trẻ tiếp cận từng bước với thế giới thực để khi rời ghế nhà trường, họ tự tin và đủ bản lĩnh bước chân vào làm chủ công việc và cuộc sống.

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube