MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC

  1. Giới thiệu

Vài năm trở lại đây, người ta nhắc càng nhiều đến “chuyển đổi số” (digital transformation), nhất là ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Còn trong giáo dục, phải đến khi đại dịch Covid -19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kỹ thuật, công cụ và phương tiện mới.

            Những tiến bộ về CNTT và sự thâm nhập của mạng internet đã dẫn tới những sáng kiến về giáo dục mở với sự xuất hiện của các khoá học trên các nền tảng trực tuyến như edX, Coursera; về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assesment apps) như IXL, Mathletics và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học chia sẽ miễn phí (Open Access databases). Sự ra đời và ngày càng phát triển về cả thị trường và công nghệ cho những nền tảng này cho thấy “giáo dục số” có lý do để tồn tại, và hoàn toàn có tiềm năng là tương lai của giáo dục.

            Năm 2020 chứng kiến những diễn biến có thể nói là chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại. Nhiều hoạt động xã hội bị đình trệ ở phạm vi địa phương, quốc gia và toàn cầu do đại dịch Covid 19. Khi giáo dục là nhu cầu đương nhiên của xã hội, chúng ta đối mặt với câu hỏi “làm sao để triển khai được hoạt động giáo dục?”. Khi giáo dục trực tiếp tại trường lớp là không thể, vấn đề chuyển đổi số trở thành giải pháp cấp thiết ở nhiều cấp từ vi mô đến vĩ mô.

  1. Chuyển đổi số trong giáo dục là chuyển đổi những gì?

            Một câu hỏi lớn đặt ra là chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm sự chuyển đổi ở lĩnh vực, khía cạnh nào và mức độ ra sao. Câu trả lời không giống nhau đối với các cá nhân, các tổ chức và các quốc gia, bởi lẽ xuất phát điểm của chuyển đổi số là rất khác nhau.

            Đầu tiên, là những thay đổi về các yếu tố đầu vào. Để giáo dục trực tuyến có thể thực hiện, toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hoá, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng cần phải số hoá để thực hiện quy trình quản lý người học và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập. Một trong những vấn đề lớn nhất của đào tạo trực tuyến là tính xác tín của quá trình đào tạo. Làm thế nào để đảm bảo việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả và cấp bằng cho đúng đối tượng? Làm thế nào để xác định danh tính người học, người thi? Những công nghệ mới nhất đã hỗ trợ việc này nhưng việc đảm bảo tính nghiêm ngặt của việc thi cử truyền thống vẫn còn là một câu hỏi lớn.

            Thứ hai, quá trình giáo dục có những thay đổi căn bản. Chuyển đổi số không chỉ là số hoá bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn bài dạy mà cách thức thực hiện, phương pháp dạy bắt buộc phải có những sự thay đổi, sáng tạo, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

            Tiếp đó, về kết quả đầu ra, chuyển đổi số phải đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, kể cả đánh giá kết quả đào tạo. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ máy tính. Giáo viên cần tập trung vào công việc giảng dạy, và cần được giải phóng khỏi các công việc hành chính, giấy tờ như làm sổ sách, sổ điểm, học bạ, quản lý hồ sơ nhập học của người học…

            Cuối cùng, về môi trường giáo dục, cần có hệ thống chính sách cấp hệ thống và cấp cơ sở  giáo dục phù hợp  để đào tạo trực tuyến được công nhận hợp pháp. Thách thức của vấn đề này nằm ở việc thực thi các chính sách, bởi lẽ để chính sách đi vào đời sống, cần phải có hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến để đảm bảo tính giá trị của hình thức đào tạo này.

  1. Kết luận

            Tóm lại, chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình xảy ra mà sự thay đổi không nằm ở đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục hay các bên liên quan mà nằm ở phương thức thực hiện giáo dục. Sự thay đổi về phương thức tất yếu dẫn tới những thay đổi về phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo. Phần lớn các yếu tố đầu vào cũng phải thay đổi để phù hợp với phương thức và những phương pháp kỹ thuật mới, sản phẩm đầu ra cũng vì thế mà có thể thay đổi tương ứng. Khi thực hiện chuyển đổi số, trải nghiệm giáo dục khác sẽ khiến cho một số năng lực, kỹ năng mới hình thành những đồng thời một số kỹ năng khác của người học mất đi. Trọng tâm của chuyển đổi số là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi. Điều này cũng dẫn đến tư duy quản lý giáo dục cần phải chuyển đổi, mở hơn và linh hoạt hơn để có thể nắm bắt được những yếu tố vô hình.