TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TỈNH HÀ TĨNH SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH (1991-2020)

Tóm tắt:

Kỳ họp thứ 9 và thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của 13 tỉnh, thành phố, chia tách 8 tỉnh thành 16 tỉnh, trong đó có tỉnh Nghệ Tĩnh. Như vậy, sau 15 năm hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991) thì tỉnh Hà Tĩnh được tái lập. Qua các giai đoạn phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã từng bước xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, khắc phục khó khăn, hạn chế, đưa Hà Tĩnh ngày càng phát triển. Bài viết thể hiện quá trình tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Tĩnh sau 30 năm tái lập tỉnh (1991-2020).

  1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Tĩnh

Trong 30 năm qua, Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nhất là giai đoạn 2011-2015 có tốc độ tăng nhanh và có tính đột phá nhằm tiếp tục tạo tiềm lực đề phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh qua từng giai đoạn và chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện.

Hình 1: Tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm trong 30 năm (1991-2020)

 

 

 

 

 

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh hàng năm; Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX ….

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong mỗi giai đoạn sẽ có những thuận lợi cũng như khó khăn và, thách thức riêng. Tuy nhiên, trong 30 mươi năm qua, hàng năm kinh tế Hà Tĩnh đều đạt tốc độ tăng trưởng tương đối tốt khá. Trong đó nổi bật có 2 giai đoạn 1991-1995 và 2011-2015 có tốc độ tăng trưởng cao. Để tạo nên sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục ngay những năm đầu, ngay sau khi tái lập tỉnh đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất từ việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Cùng với đó, giai đoạn này việc khai thác quặng khoáng sản Inmenit, Zircon với trử trữ lượng lớn và việc đưa vào khai thác khu du lịch biển Thiên Cầm đã thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt mức tăng cao nhất là 16,55%/năm. Sở dĩ có sự tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn này chính là việc trên địa bàn có những công trình dự án lớn hoàn thành đi vào sản xuất, trong đó có dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với vốn đầu tư 12,8 tỷ USD đã hoàn thành giai đoạn I; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I...đã thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh và là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế của địa phương trong giai đoạn này.

Tuy nhiên do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển xẩy ra tháng 4/2016 và tình hình dịch bệnh xảy ra đối với đàn vật nuôi. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện rộng vụ lúa Đông Xuân 2016-2017. Nguồn vốn đầu tư giảm đột biến; triển khai một số dự án trọng điểm chậm trễ. Năm 2020 lại vấp phải đại dịch Covid-19, cộng hưởng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Hà Tĩnh nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt thấp nhất với mức tăng ước đạt 5,5%/năm. Đây là những khó khăn vượt quá khả năng kiểm soát của địa phương và có những ảnh hưởng, hệ lụy trong nhiều năm đối với nền kinh tế.

  1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ do thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài lớn trên địa bàn.

Hình 2: Cơ cấu kinh tế theo ba khu vực kinh tế qua các năm

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh hàng năm; Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX..

Cơ cấu kinh tế từng khu vực chuyển dịch qua các năm một cách rõ nét. Đối với khu vực I (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) chiếm tỷ trọng trong tổng sản phẩm theo giá hiện hành giảm mạnh, cụ thể: Năm 1991 chiếm 64,54%, năm 2000 chiếm 47,73%, đến năm 2010 còn 26,02% và ước tính năm 2020 chỉ còn chiếm 12,91%; Khu vực II (Khu vực công nghiệp và xây dựng) chiếm tỷ trọng trong tổng sản phẩm theo giá hiện hành tăng dần, cụ thể: năm 1991 chỉ chiếm 9,11%, năm 2000 chiếm 12,51%, đến năm 2010 tăng lên 20,27% và ước tính năm 2020 chiếm đến 45,75%. Riêng khu vực III (Khu vực dịch vụ) thì cơ cấu qua các năm có sự thay đổi đáng kể do biến động của các ngành dịch vụ và sự biến động của thuế sản phẩm và vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ba khu vực: Năm 1991 chiếm 26,35%, năm 2000 chiếm 39,76%, đến năm 2010 tăng lên 53,71%  và ước tính năm 2020 chiếm 41,34%.

 

 

  1. Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người tỉnh Hà Tĩnh

GRDP bình quân đầu người hàng năm tăng nhanh kéo theo thu nhập bình quân đầu người tăng tương xứng và giảm dần sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn

Hình 3: GRDP bình quân đầu người

 

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh hàng năm; Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX..

Nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục nên GRDP theo giá hiện hành ước tính năm 2020 đạt 83.434 tỷ đồng, tăng 93,2 lần so với năm 1991, tăng 21,9 lần so với năm 2000 và tăng 3,7 lần so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ đạt 0,73 triệu đồng/người/năm, năm 2000 đạt 2,87 triệu đồng/người/năm, năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng/người/năm và ước tính năm 2020 đạt 64,25 triệu đồng/người/năm. Trong 30 năm qua, GRDP bình quân đầu người tăng 16,7%/năm, trong đó giai đoạn 2010-2020 với mức tăng 16,05%/năm.

Ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,1 triệu đồng/người/năm. Như vậy, thu nhập bình quân chung đầu người năm 2020 đã bằng 20,1 lần so với năm 1996 và bằng 3 lần so với năm 2010. Tăng trưởng kinh tế đã mang lại hiệu quả tích cực mà minh chứng là thu nhập của người dân đã được nâng lên tương ứng. Tuy nhiên, tốc độ tăng bình quân hàng năm của chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân của chỉ tiêu thu nhập và GRDP bình quân đầu người cũng lớn hơn thu nhập bình quân đầu người. Thu nhập bình quân đầu người so với GRDP bình quân đầu người năm 1996 bằng 90,5%, năm 2006 bằng 79,2%, năm 2016 bằng 64,9% và năm 2020 ước bằng 62,4%, như vậy sự chênh lệch ngày càng lớn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tuy được nâng lên nhưng mức tăng chậm hơn so với tăng trưởng kinh tế.

  1. Kết luận

Tóm lại, sau 30 năm tái lập tỉnh (1991-2020), tình hình kinh tế Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt 9,84%. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt đều thu được những kết quả vượt trội, đồng thời đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nhiệm kỳ 2011-2015 là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 30 năm tái lập tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Có thể coi chặng đường nỗ lực trong nhiệm kỳ này là “Thời kỳ đổi mới” toàn diện và nổi bật của nền kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập: mặc dù tăng trưởng kinh tế tăng cao nhưng chất lượng tăng trưởng; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Hà Tĩnh vẫn còn hạn chế; nền kinh tế trong những năm qua đang vận hành theo mô hình tăng trưởng nóng và theo chiều rộng, có sự biến động tăng giảm đột biến thiếu ổn định của chỉ tiêu GRDP giữa các năm mà nhất là các năm đầu và cuối của chu kỳ đầu tư; cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh chuyển dịch vẫn đang còn chậm...Thời gian tới Hà Tĩnh cần phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển đổi mô  hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Tập trung thực hiện thắng lợi ba nhiệm vụ đột phá: tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và các dự án trong Khu Kinh tế Vũng Áng; công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung; chú trọng xây dựng, ban hành các chính sách phát triển khoa học và công nghệ.

Hà Tĩnh đang tạo được sức bật, diện mạo, con đường đi rộng mở và một vị thế đáng tự hào. Với những thành tựu và kinh nghiệm thu được cũng như những hạn chế, bất cập đúc rút trong 30 năm qua chắc chắn sẽ là nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn để tiếp tục triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, theo hướng văn minh, hiện đại./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 2016-2018 - Nhà xuất bản Thống kê năm 2019
  2. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh sau 13 năm tái lập tỉnh (1991-2004) - Nhà xuất bản Thống kê năm 2005
  3. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh sau 20 năm tái lập tỉnh (1991-2011) - Nhà xuất bản Thống kê năm 2011
  4. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh mười năm 2006-2015 - Nhà xuất bản Thống kê năm 2015
  5. Niên giám thống kê và các báo cáo KTXH hàng năm tỉnh Hà Tĩnh