Việc thực hiện các chức năng tiền lương của chính sách tiền lương Việt Nam

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Thông qua chính sách tiền lương, Nhà nước có thể tác động tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tác động tới những người làm công ăn lương – người dân của xã hội, tác động tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tác động đến quan hệ tích lũy và tiêu dùng. Thời gian qua, Nhà nước ta luôn chú trọng và quan tâm thực hiện thay đổi chính sách tiền lương để tiền lương thực hiện các chức năng kinh tế cơ bản, mang lại thu nhập cao hơn cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn một số tồn tại.

  1. Một số vấn đề về chức năng và chính sách tiền lương

Tiền lương là giá cả sức lao động được hình thành trên cơ sở giá trị sức lao động.

Chức năng của tiền lương

Tiền lương thực hiện các chức năng chủ yếu sau:

Chức năng thước đo giá trị

Tiền lương là giá cả sức lao động (sức lao động là khả năng làm việc của con người thể hiện qua thể lực và trí lực), là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động, vì thế tiền lương phải là thước đo giá trị sức lao động, phản ánh giá trị sức lao động. Đây là một chức năng quan trọng của tiền lương. Thực hiện chức năng này đòi hỏi việc xác định tiền lương phải dựa trên cơ sở giá trị sức lao động. Do đó, phải xác định được đúng giá trị sức lao động. Khi giá trị sức lao động thay đổi thì tiền lương cũng phải thay đổi theo, có như thế mới phản ánh được giá trị của nó.

Chức năng tái sản xuất sức lao động

 Trong quá trình lao động, sức lao động của con người bị tiêu hao. Để duy trì quá trình lao động tiếp theo con người phải tiêu phí một số tư liệu sinh hoạt nhất định. Tái sản xuất sức lao động chính là khôi phục lại sức lao động đã mất. Trong điều kiện, khi nguồn sống chủ yếu bằng tiền lương thì tiền lương phải đủ để NLĐ mua sắm các tư liệu sinh hoạt cần thiết hay giá trị tư liệu sinh hoạt do NLĐ mua sắm phải ít nhất ngang bằng giá trị sức lao động đã hao phí, thực chất đó là sự trao đổi ngang giá giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Nếu không thực hiện chức năng này, sức lao động hay khả năng làm việc của NLĐ ngày càng bị giảm sút, sức khỏe của NLĐ ngày càng bị suy sụp và sẽ tác động tiêu cực đến quá trình SX.

Chức năng kích thích sản xuất

Chức năng này  đòi hỏi người quản lý phải sử dụng tiền lương như là đòn bấy kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển. Mỗi đồng lương trả cho công nhân phải được tính toán, phải gắn với kết quả lao động của họ, gắn hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tiền lương thực hiện được chức năng này đòi hỏi tiền lương phải đủ lớn để NLĐ có thể bù đắp được các chi phí của mình và phải tổ chức tốt việc trả lương để có thể phân biệt được người làm tốt và chưa tốt trong vấn đề trả lương.

Chức năng tích lũy

Tiền lương không chỉ được NLĐ tiêu dùng trong quá trình làm việc mà còn được tích lũy (để dành) đề phòng những bất trắc có thể xảy ra khi NLĐ không thể làm việc nhưng vẫn phải tiêu dùng. Tích luỹ là sự cần thiết khách quan đối với mọi NLĐ. Về nguyên tắc, tiền lương chỉ được để dành khi NLĐ không chi dùng hết lương của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp tiền lương của NLĐ không đủ chi dùng, nhưng một bộ phận NLĐ đã tìm cách tự tích luỹ, kể cả các biện pháp tiêu cực.

Chính sách tiền lương

Chính sách tiền lương là hệ thống các nguyên tắc, các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tiền lương nhằm phát triển chính sách do Nhà nước ban hành; giải quyết các vấn đề tiền lương nhằm điều tiết những quan hệ tiền lương, tiền thưởng và thu nhập bảo đảm lợi ích của NLĐ, thường xuyên cải thiện mức sống cho NLĐ và phát huy vai trò kích thích của tiền lương đối với việc thúc đẩy các động lực phát triển. Chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động. Chính sách này liên quan trực tiếp đến hầu hết NLĐ trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định về kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Chính sách tiền lương được xem như một văn bản pháp luật nên có thể xem chính sách tiền lương như một công cụ hiệu quả góp phần điều tiết thị trường lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia.

Việc xây dựng chính sách tiền lương đúng đắn, có cơ sở khoa học là hết sức cần thiết nhằm tạo động lực trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tính phức tạp của nó, trong từng giai đoạn nhất định chính sách tiền lương khó đáp ứng được ngay mọi yêu cầu. Hơn nữa, nền kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam đang biến đổi và phát triển nhanh vì thế chính sách tiền lương phải được xem xét bổ sung kịp thời để ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của NLĐ.

  1. Thực trạng thực hiện các chức năng tiền lương của chính sách tiền lương Việt Nam

Thực trạng chính sách tiền lương Việt Nam

Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều về mọi mặt để cải thiện đời sống của NLĐ, luôn coi đổi mới và nâng cao mức sống của NLĐ thông qua tiền lương là cốt yếu và được cụ thể hóa trong nội dung nghị quyết của Đảng đã thể hiện rõ: “Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay”.

Hiện nay, tiền lương tối thiểu (tiền lương cơ sở) được xác định theo nhu cầu tối thiểu, khả năng nền kinh tế, tiền lương trên thị trường sức lao động, chỉ số giá sinh hoạt. Nó làm căn cứ để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong khu vực nhà nước, tính mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. Mức tiền lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, đảm bảo cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tiền lương tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

Chính sách tiền lương ngày càng có sự thay đổi theo hướng tích cực, khắc phục những hạn chế cơ bản của chính sách tiền lương trước đó tạo sự hài hòa hơn về lợi ích giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Những kết quả tích cực trong chính sách tiền lương Việt Nam

Trong thời gian qua, việc đổi mới chính sách tiền lương Việt Nam đã đạt được một số kết quả:

Chế độ tiền lương bước đầu đã xác định rõ giá trị sức lao động

Quan điểm, chủ trương về cải cách chính sách tiền lương của Đảng từ hiện nay là đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt quan điểm coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế và nâng cao năng suất, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Thể hiện được tính ổn định xã hội, mức lương hiện hưởng thực tế của NLĐ được nâng lên đáng kể

Tiền lương danh nghĩa của CBCCVC có xu hướng tăng do nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung trên cơ sở bù trượt giá và tăng trưởng kinh tế, mở rộng quan hệ tiền lương tối thiểu – trung bình – tối đa, từng bước tiền tệ hóa các khoản ngoài lương nhằm khắc phục bình quân, bao cấp và ổn định đời sống của CBCCVC. Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2013 đến nay, mức lương cơ sở cho người lao động trong khu vực hành chính – sự nghiệp đã điều chỉnh từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng.

Tiền lương đã dần thể hiện được sự công bằng trong phân phối thu nhập trong xã hội;

Các chính sách tiền lương đã nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn đồng bộ với các chính sách khác nhằm đồng bộ hóa thực tiễn trong ban hành chính sách bám sát vào đời sống của người lao động.

 Những hạn chế trong chính sách tiền lương Việt Nam

Tiền lương hiện nay chưa trả đúng sức lao động

Việc trả đúng sức lao động không chỉ thể hiện trả đúng hao phí sức laođộng trong quá trình lao động mà thể hiện việc bố trí lao động đúng người,đúng việc đảm bảo trả lương đúng năng lực của người lao động cũng nhưđúng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Thực trạng hiện nay, córất ít các sinh viên ra trường kiếm được việc làm ngay, nếu kiếm được việcthì đa số là công việc tạm bợ, công việc không phù hợp với cái họ được học ởtrường, điều này thực sự là một sự lãng phí nguồn lực quốc gia. Nhữngngười đáng lẽ làm công việc phù hợp với trình độ của mình thì bố trí cho họlàm công việc quá cao hay quá thấp với trình độ của họ và đương nhiên thìmức lương trả cho họ cũng không phù hợp. Nếu so với mức lương của côngnhân, viên chức trực tiếp sản xuất thì mức lương của viên chức chuyên môn,nghiệp vụ là thấp, chưa khuyến khích họ nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Ví dụ một kỹ sư sau khi học hết 12 năm học phổthông và qua 4-5 năm đại học chỉ được xếp mức lương hệ số 2,34. Trong khiđó, một công nhân qua học phổ thông và đào tạo nghề khoảngmột năm khi ra trường được xếp bậc hai (thông thường xếp bậc có hệsố lương 2,05). Rõ ràng mức chênh lệch về trình độ, chuyên môn giữa hai đốitượng là khá lớn nhưng chênh lệch về hệ số lương là không đáng kể.

Tiền lương thực tế vẫn chưa làm được chức năng tái SX sức lao động

Cách tính lương hiện nay không dựa trên thực tế cuộc sống, không có khả năng chi trả cho cuộc sống tối thiểu của người lao động. Chẳng hạn, mức lương của một công chức mới ra trường có hệ số 2,34 không thể đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu tại Hà Nội chứ không nói đến việc người đó sử dụng tiền lương để tái sản sinh sức lao động để tiếp tục cống hiến. Mức lương của nhiều chức danh thậm chí không thể chu cấp đủ để ăn, chưa kể đến các khoản như tiền nhà, chữa bệnh, tiền điện, nước … đã được tiền tệ hoá vào lương. Mặc dù, tiền lương có tăng nhưng mức sống của người lao độnglại không tăng bởi chỉ số giá sinh hoạt luôn luôn biến động qua các năm, đặc biệt giáhàng lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tăng cao, nên tiềnlương nói riêng và thu nhập của người hưởng lương giảm sút mạnh.

Chưa thể hiện được chức năng kích thích SX

Cách tính lương hiện nay là cào bằng giữa người không làm được việc và người làm được việc, giữa người có trình độ cao và trình độ thấp, ai cũng như ai trả lương như nhau nên không mang tính khuyến khích.

Hệ thống thang bảng lương chưa thực sự khuyến khích người lao động phấn đấu về mặt chuyên môn, vô hình chung khuyến khích cán bộ, công chức chạy đua theo chức vụ. Chẳng hạn, các kỳ lên lương vẫn nặng về thời gian, thâm niên công tác, “đến hẹn lại lên”, không có chính sách lên lương vượt cấp, trước niên hạn (trừ một số cấp bậc của cán bộ cao cấp do bầu cử hoặc đề bạt) cho dù thành tích đạt được về mặt chuyên môn đến mức độ nào. Thi nâng bậc còn mang tính hình thức, kết quả thi chưa thực sự gắn với chuyên môn công tác cụ thể, đối tượng “quá độ” còn nhiều, nên dễ bị áp dụng tuỳ tiện. Hậu quả là chính sách tiền lương chưa thực sự khuyến khích người lao động, chưa khuyến khích các tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ.

Tiền lương còn thấp nên chưa có tích lũy

Mức lương tối thiểu còn quá thấp, người lao động thực tế không thể tích luỹ từ lương để thuê hay mua nhà ở. Mỗi lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu đều phải bàn cãi, đấu tranh, giằng co giữa đòi hỏi tất yếu, bức bách từ cuộc sống với hạn chế của tài chính ngân sách.

Nguyên nhân của những hạn chế

Xuất phát từ việc tăng biên chế 

Việc tinh giản biên chế là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà Nước bởi, giảm biên chế là một biện pháp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và làm cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ hơn hoạt động hiệu quả hơn .Tuy nhiên trong quá trình thực thi này sinh nhiều vấn đề phức tạp (vấn đề trợ cập xã hội, thất nghiệp,...). Mặt khác tỷ lệ về hưu, nghỉ trước tuổi không lớn và điều quan trọng hơn là số cán bộ công chức có đủ năng lực, trình độ không nhiều. Một cơ quan đơn vị muốn hoạt động hiệu quả thì vẫn thương xuyên tuyển lực lượng lao động mới có trình độ để đáp ứng mục tiêu sản xuất kinh doanh. Do vậy thực tế biên chế không giảm.

Cơ chế lương, thưởng chưa hợp lý

Cơ chế phân phối, sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi và việc xác định đơn giá tiền lương, quản lý lương chưa hợp lý, chưa phù hợp.

Hệ thống thang lương chưa hợp lý

Hệ thống bảng lương thiết kế phức tạp, nhiều thang, bảng lương, nhiều mức lương nhưng bội số của nhiều thang bảng lương còn mang tính bình quân, độ giãn cách 2 bậc lương còn nhỏ, chưa có tác dụng khuyến khích công nhân, viên chức nâng cao tay nghề để nâng bậc nâng lương .

Mức tiền lương tối thiểu hiện nay chưa phù hợp

Bất kỳ Nhà nước nào cũng phải thường xuyên quan tâm cải cách và hoàn thiện chính sách tiền lương. Ở nước ta trong những năm qua, chính sách tiền lương cũng thường xuyên được cải tiến và đổi mới nhưng đến nay sản xuất đã phát triển, thu nhập quốc dân tăng khá nhanh, nhu cầu đời sống của người dân tăng lên rõ rệt . Hơn nữa, giá cả từ đó đến nay biến động nhiều. Việc tăng lương tối thiểu những năm qua chưa tương xứng.

Tiền lương chênh lệch quá lớn giữa các khu vực, ngành và các doanh nghiệp

Tất cảnhững bất cập về tiền lương hiện nay là khó tránh khỏi, mỗi bất cập hiện nay đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và đều có một hậu quả là tiền lương không đảm bảo được chức năng cơ bản của nó và phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp cần xã hội cần giải quyết.

  1. Những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tiền lương ở Việt Nam

Hoàn thiện chính sách tiền lương theo hướng thị trường

Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thànhtheo quy luật thị trường, dựa trên cung- cầu về sức lao động, chất lượng,cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm. Thực hiện tốt, phấn đấurút ngắn lộ trình điều chỉnh tiền lương và trợ cấp xã hội đi đôi với kiểm soát lạm phát để đảm bảo thu nhập thực tế ngày càng tăngcho người hưởng lương.

Phải đổi mới hơn nữa về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho cán bộ, công chức chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng. Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất.

Có chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với cánbộ, công chức cơ sở cho phù hợp sự phát triển kinh tế thị trường

Các khoản lương, thưởng, phụ cấp của người lao động phải được đảm bảo trở thành những công cụ hữu hiệu để điều tiết quan hệ lao động, phản ánh đúng giá trị sức lao động. Đó là những nguồn thu nhập để nuôi sống người lao động và gia đình họ, từ đó mới tạo động lực khuyến khích họ làm việc có hiệu quả. Mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động và sự vận động của thị trường sức lao động.

Tăng cường phối hợp cơ chế 3 bên trong ban hành chính sáchtiền lương, hình thành cơ chế thỏa thuận tiền lương

Tăng cường sự tham giacủa đại diện người lao động và người sử dụng lao động vào hoạch định chínhsách, kế hoạch phát triển thị trường sức lao động. Cải thiện các điều kiện lienquan đến sự phát triển của thị trường sức lao động như các thông lệ và luậtpháp quốc tế, môi trường hợp tác giữa đại diện của người lao động (tổ chứccông đoàn) và đại diện người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và côngnghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) trong cơ chế 3 bên. Sựtham gia của các đối tác xã hội khác như các hiệp hội nghề nghiệp, các tổchức chính trị – xã hội…

Quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương

Để người lao động và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cải cách tiền lương gắn với vị trí việc làm và kết quả thực thi nhiệm vụ.Thực tế hiện nay cho thấy, tiền lương của cán bộ, công chức trong khu vực công phụ thuộc vào thang bảng lương do Nhà nước quy định, việc xếp lương, trả lương chủ yếu dựa theo bằng cấp và thâm niên công tác (mô hình chức nghiệp). Do đó, thu nhập từ tiền lương của những người làm việc trong khu vực công phải thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả công việc, tài năng và sự cống hiến.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, gắn cải cách tiền lương với cảicách kinh tế

Sẽ tạo sự gắn kết đồng bộ giữa các loại thị trường để thúc đẩy nhauphát triển lành mạnh. Đẩy mạnh hoạt động tư pháp, củng cố cơ quan bảo vệluật pháp, thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, thanh tra và xét xử nghiêmminh, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tê – xã hội.

  1. Kết luận

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đời sống kinh tế - xã hội thay đổi ngày một nhanh chóng. Đổi mới chính sách tiền lương góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống của NLĐ, mỗi một chính sách tiền lương ban hành sẽ làm thay đổi cuộc sống của NLĐ và góp phần ổn định an sinh xã hội. Vì vậy, việc đổi mới chính sách tiền lương cần thực hiện đồng bộ và liên thông để chính sách tiền lương thực sự đi vào cuộc sống đối với mỗi NLĐ, mỗi tổ chức, doanh nghiệp và với cả nền kinh tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Nội vụ, Thông tư số 06/2018/TT-BNV ngày 31/05/2018 hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị xã hội và Hội.
  2. Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2015), Giáo trình kinh tế nguồn nhân lực, Nxb Đại học Kinh tế Quốc Dân.
  3. Nguyễn Hữu Dũng, Chính sách tiền lương: thực trạng, vấn đề và yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2011 – 2015, Trung tâm Thông tin, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM.
  4. http://tcnn.vn/news/detail/42155/Chinh-sach-tien-luong-o-Viet-Nam-nhung-chang-duong-cai-cach.html

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cai-cach-chinh-sach-tien-luong-de-nang-cao-doi-song-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-luc-luong-vu-trang-va-nguoi-lao-dong-trong-doanh-nghiep-449697.html