Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 đến ngành du lịch ở Việt Nam

Theo thống kê của Word Bank năm 2019, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, chiếm gần 10% GDP của Việt Nam năm 2018. Tuy nhiên, đây cũng là ngành kinh tế nhạy cảm nhất với dịch bệnh. Dịch bệnh Covid 19 trở nên nghiêm trọng từ đầu năm 2020, trở thành đại dịch của thế giới với mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây trên phạm vi toàn cầu. Du lịch được dự báo là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất.

  1. Những tác động của dịch bệnh đến ngành du lịch

Khi có dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao làm sụt giảm lượng khách hàng nhanh chóng, dẫn tới giảm doanh thu, lợi nhuận, cắt giảm việc làm... trong ngành du lịch. Theo thống kê củaHiệphội Du lịchViệt Nam, đến tháng 3/2020, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại cơ sở lưu trú giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách tới các điểm đến quan trọng như Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… giảm khoảng 20%-50%. Dự kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3-2020 giảm hơn 60%, số khách du lịch nội địa giảm đến 80%.

Tác động của dịch bệnh tới nhu cầu du lịch gần như ngay lập tức khi dịch bệnh xảy ra, tăng theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và kéo dài sau dịch bệnh. Ảnh hưởng của dịch bệnh từ cả góc độ tâm lý khách du lịch lo ngại về an toàn cho mình cũng như chính sách hạn chế đi lại của các quốc gia gửi khách và nhận khách. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nói chung, dẫn tới giảm khả năng chi tiêu cho du lịch.

Tác động của dịch bệnh khác nhau tới các thị trường, phụ thuộc vào đặc điểm tâm lý, hành vi và điều kiện kinh tế, vị trí địa lý...Tâm lý ứng phó của con người với các dịch bệnh cũng có xu hướng thay đổi theo hướng thích nghi hơn với điều kiện thực tế. Điều này gợi ý cho các điểm đến du lịch cần có định hướng rõ ràng và hiệu quả hơn đối với từng đoạn thị trường phù hợp với mình trong các thời điểm khác nhau của dịch bệnh.

Cung du lịch cũng có thể bị tác động ngay lập tức khi các nước áp dụng chính sách hạn chế thậm chí là tạm dừng kinh doanh dịch vụ du lịch để đối phó với dịch bệnh. Không có doanh thu, các doanh nghiệp du lịch buộc phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp như cắt giảm lao động, chi phí Marketing...Điều này dẫn tới những tác động lâu dài đối với các doanh nghiệp và ngành du lịch sau dịch bệnh do thiếu lao đọng, đứt gẫy hệ thống cung cấp, gián đoạn hệ thống phân phối...Đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng có nguy cơ sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tới sụ phát triển dài hạn cảu ngành du lịch.

Như vậy, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới ngành du lịch phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, phạm vi và thời gian kéo dài của dịch bệnh. Thời gian để ngành du lịch phục hồi lại bình thường với các dịch bệnh có ảnh hưởng toàn cầu là hàng năm. Gần đây nhất, với SARS 2003, các nước ảnh hưởng nhiều nhát phải mất tới hai năm để khôi phục ngành du lịch. So với Covid 19,mức độ ảnh hưởng của SARS 2003 nhỏ hơn nhiều, SARS 2003 chỉ xảy ra trong phạm vi hẹp, thời gian được xác định là 3 tháng, trong khi đó, Covid 19 ảnh hưởng tới toàn cầu, chưa có vắc xin phòng bệnh

  1. Giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 đối với ngành du lịch Việt Nam

Ưu tiên số một đối với Việt Nam là kiểm soát dịch bệnh. Đây là giải pháp tiên quyết, hàng đầu. Chừng nào Việt Nam chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, ngành du lịch chưa có cơ hội khởi động lại và phục hồi

Trong ngắn hạn, các giải pháp cấp thiết là hỗ trợ các doanh nghiệp tồn tại. Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp ban đầu, được doanh nghiệp đánh giá cao về tính thời điểm, có tác động rất tích cực trong việc tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Cần tiếp tục tính toán cụ thể những tổn thất của các doanh nghiệp, khả năng tồn tại của doanh nghiệp để các chính sách sát thực hơn theo diễn biến của dịch bệnh

Trong dài hạn, cần có những giải pháp nhằm mang tính chiến lược để du lịch Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi trước sức ép cạnh tranh từ các quốc gia khác. Các giải pháp này cần dựa trên các nguyên tắc.

Thứ nhất, hạn chế tác động của dịch bệnh dẫn tới ảnh hưởng nguồn cung cấp dịch vụ trong nước.

Thứ hai, lấy thị trường nội địa làm cơ sở ban đầu cho việc duy trì và phục hồi ngành du lịch, kêu gọi tinh thần yêu nước tiêu dùng hàng nội địa, du lịch hướng nội .

Thứ ba, nhạy bén trong việc phân đoạn thị trường để có chiến lược thích ứng với các thị trường đã kiểm soát được dịch bênh

Thứ tư, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam an toàn với dịch bệnh là cơ sở xuyên suốt cho việc duy trì và phục hồi của ngành du lịch.

Thứ năm, đảm bảo tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong điều kiện các quốc gia, các điểm đến du lịch khác cũng đưa ra các chính sách đẩy mạnh thu hút khách

Thứ sáu, nhà nước cần có những chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch để thực hiện các định hướng trên

Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia có các biện pháp chống dịch Covid 19 thành công nhất trên thế giới, mặc dù là nước có đường biên giới với nguồn dịch Trung Quốc. Trong thời gian tới chúng ta cần tận dụng cơ hội này để quảng bá về một Việt Nam an toàn nhằm thu hút khách du lịch tiềm năng trên mọi thị trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Trương Hoàng, Trần Huy Đức, Ngô Đức Anh, “ Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành du lịch Việt Nam và những giải pháp ứng phó”, Tạp chí kinh tế và phát triển, số 4/2020, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội
  2. Trần Thọ Đạt, “ Tác động của đại dịch Covid 19 đến nền kinh tế Việt Nam và giải pháp ứng phó” Tạp chí kinh tế và phát triển, số 4/2020, Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội.