Tuổi trẻ HTU trước cơn bão vật chất

“Tuổi trẻ hôm nay, thế giới ngày mai”. Vậy mà giờ đây lên mạng chúng ta có thể thấy nhan nhản những hiện tượng suy đồi đạo đức, xuống cấp văn hóa của thế hệ trẻ. Liệu tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu.

Chúng ta cần chăm chút, nâng niu những điều tốt đẹp, tử tế; củng cố, nuôi dưỡng văn hóa cá nhân, gia đình; không né tránh những cái xấu, cái tiêu cực... Bên cạnh sự dạy dỗ của gia đình, nếp sống xã hội cần phải có những định hướng của nhà trường để tuổi trẻ có thể hiểu và nắm bắt được giá trị của đạo đức

Thế giới của giới trẻ Việt Nam hiện nay khác rất xa với thế hệ cha mẹ của họ. Nhu cầu vật chất cao hơn, đời sống tiện nghi hơn và cái tôi của họ cũng phô bày cũng “thô bạo” hơn. Xã hội thì đầy những biến động xô bồ mà người trẻ lại là những người mang trong mình nhiệt huyết của tìm tòi và khám phá, nên họ dễ bị lôi kéo, dễ bị cuốn hút vào cuộc sống đua tranh và tìm khẳng định mình bằng lối sống hưởng thụ, đua đòi, và cũng nhanh chóng bắt nhịp với thế giới hiện đại. Cùng hòa vào dòng xoáy của xã hội hưởng thụ, một bộ phận giới trẻ đua nhau thể hiện sự giàu có về vật chất và thời gian, sành điệu trong tiêu dùng và giải trí, xe tay ga , điện thoại Smartphone đắt tiền, diện những bộ quần áo, giày dép, đồng hồ hàng hiệu. Đã là dân sành điệu thì phải sao cho giống phong cách của các minh tinh,  phải đến với những chương trình ca nhạc sôi động nhảy nhiều hơn hát, ai thời buổi này còn nghe dân ca, nghe ví dặm, những câu ca đằm thắm mượt mà? Rồi thời gian đâu mà tham quan các bảo tàng hay đọc sách trong thư viện?

Từ lối sống thực dụng, đam mê vật chất đó đã đẩy một bộ phận không nhỏ giới trẻ sa vào cuộc sống không định hướng, mất niềm tin lý tưởng vào cuộc đời. Hiện nay, một vài bộ phận giới trẻ đã bị khủng hoảng về lý tưởng, về niềm tin, sự thật hạnh phúc; bởi vì thời đại văn minh đáp ứng nhiều tham vọng về vật chất, để rồi càng tiến tới càng thấy thất vọng và đau khổ. Những người này cảm thấy hụt hẫng về mọi mặt, nhất là niềm tin: niềm tin về bản thân, về gia đình, cộng đồng, xã hội, vì thế đã dẫn đến tha hóa, quên mình chạy theo con đường lừa dối tự thân và lừa dối mọi người làm cho sự đau khổ càng ngày càng miên man vô tận.

Vậy chúng ta phải làm gì? Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là câu chuyện rất lớn khó bàn hết trong một bài viết nhỏ, và có một vấn đề tôi muốn nói ở đây là hướng đi cải thiện văn hóa, đạo đức cho tuổi trẻ HTU. Vâng đó chính là sự gương mẫu. Sự gương mẫu của các thầy, cô trong trường chính là  sức mạnh thúc đẩy tuổi trẻ HTU không lạc lối trong thời buổi kinh tế thị trường. Những giá trị vật chất, cuộc sống thực dụng bị lu mờ trước những hoạt động tình nguyện của nhà trường, Đoàn thanh niên hay Hội sinh viên như Mùa hè Xanh, “ Nồi cháo yêu thương”, “ Đạp xe vì môi trường” v. v... Từ đó, văn hóa của sinh viên HTU càng ngày càng cải thiện và tương lai sẽ còn hoàn thiện hơn nữa. Vì ngày mai, tuổi trẻ HTU sẽ cùng nhau chung tay cố gắng!