^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Phát triển chứng khoán phái sinh – Xu thế tất yếu cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Chứng khoán phái sinh là điều kiện tất yếu của sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường khoán. Phát triển Thị trường chứng khoán phái sinh nhằm hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt Nam, đẩy mạnh quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

kt1

Chứng khoán phái sinh là gì?

Trên các thị trường chứng khoán phát triển, ngoài hoạt động giao dịch các chứng khoán thông thường như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư còn có giao dịch các loại chứng khoán phái sinh. Chứng khoán phái sinh gồm có Hợp đồng kỳ hạn (Forwards); Hợp đồng tương lai (Futures); Hợp đồng quyền chọn (Options) và Hợp đồng hoán đổi (Swaps).

Hợp đồng kỳ hạn là sản phẩm chứng khoán phái sinh cơ bản nhất.Đây là hợp đồng thỏa thuận mua bán một loại tài sản nào đó với một mức giá xác định, thực hiện sau một kỳ hạn nhất định trong tương lai.Việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cơ sở giữa người mua và người bán không thực hiện tại thời điểm ký hợp đồng mà được thực hiện vào một thời điểm xác định trong tương lai.Các bên tham gia hợp đồng kỳ hạn có thể gặp gỡ trực tiếp để thương thảo các điều khoản trong hợp đồng như giá cả, kỳ hạn của hợp đồng.Khi hết hạn hợp đồng, bên bán và bên mua thanh toán trực tiếp cho nhau. Do đó, các bên tham gia hợp đồng có thể chịu rủi ro tín dụng của nhau nếu một bên mất khả năng thanh toán.

Hợp đồng tương lai về bản chất là một hợp đồng cam kết có kỳ hạn tương tự như hợp đồng kỳ hạn, là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán về một loại tài sản nào đó với số lượng nhất định, trong một mức giá nhất định tại một thời điểm trong tương lai. Hợp đồng tương lai được xem là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa vì các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng được tạo ra và chuẩn hóa bởi Sở Giao Dịch Chứng khoán (SGDCK). Do đó, người mua và người bán gặp nhau thông qua SGDCK để thỏa thuận giá cả hoặc hợp đồng. Các bên không có quyền thương lượng về các điều khoản và điều kiện chuẩn của hợp đồng mà chỉ có quyền thỏa thuận giá cả.

Hợp đồng quyền chọn là một dạng hợp đồng giữa bên mua và bên bán, trong đó bên mua có quyền mà không có nghĩa vụ thực hiện quyền đã thỏa thuận. Có hai loại hợp đồng quyền chọn chính:

Hợp đồng quyền chọn mua (call option) là hợp đồng mà bên mua có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua tài sản cơ sở trong tương lai theo giá thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Hợp đồng quyền chọn bán (put option) là hợp đồng mà bên mua có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) bán tài sản cơ sở trong tương lai theo giá thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Hợp đồng quyền chọn mua hạn chế rủi ro khi giá tài sản cơ sở tăng giá và hợp đồng quyền chọn bán hạn chế rủi ro khi giá tài sản cơ sở giảm giá. Vì vậy, hợp đồng quyền chọn được xem như một loại hợp đồng bảo hiểm mà người sở hữu có quyền sử dụng khi điều kiện thị trường biến động.Để có quyền này, người mua quyền phải trả phí cho người bán quyền và được gọi là phí mua quyền.Khoản phí này được thanh toán ngay khi hợp đồng có hiệu lực.

Hợp đồng hoán đổi là cam kết hợp đồng giữa hai bên trao đổi một chuỗi các dòng tiền trong tương lai. Thông thường một dòng tiền trao đổi được xác định trước trong khi dòng tiền kia phụ thuộc vào sự biến động của tài sản cơ sở trong tương lai (ví dụ hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi). Cũng có trường hợp cả hai dòng tiền đều phụ thuộc vào kết quả của tài sản cơ sở khác nhau trong tương lai (ví dụ hợp đồng hoán đổi cổ phiếu phụ thuộc vào hai tài sản cơ sở là lãi suất và giá cổ phiếu).Các tài sản cơ sở hoán đổi bao gồm lãi suất, tiền tệ, rủi ro tín dụng, cổ phiếu, hàng hóa cơ bản, bất động sản.

Các loại chứng khoán phái sinh không giống như các chứng khoán thông thường. Chúng không xác nhận quyền sở hữu hay quyền chủ nợ giữa người sở hữu đối với người phát hành, mà chỉ xác nhận quyền mua cổ phiếu thường của một công ty phát hành cho người sở hữu  (trường hợp chứng khế và chứng quyền) hoặc xác nhận quyền và nghĩa vụ giữa hai bên giao dịch hợp đồng  (trong trường hợp quyền lựa chọn và hợp đồng tương lai). Các chứng khoán phái sinh này giúp cho thị trường sôi động hơn và kích thích hoạt động đầu tư của những nhà đầu tư chứng khoán.

Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính có nguồn gốc từ chứng khoán và quan hệ chặt chẽ với các chứng khoán gốc. Các chứng khoán phái sinh được hình thành do nhu cầu của người mua, người bán chứng khoán, và sự phát triển của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường chứng khoán. Các chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính đa năng và đòi hỏi phải có sự vận dụng linh hoạt, mặt khác nó yêu cầu các nhà đầu tư phải phân tích dự đoán tình hình biến động của chứng khoán cơ sở trong tương lai một cách tốt nhất. Sau đó vận dụng chứng khoán phái sinh linh hoạt để kiếm tiền. Do đó, phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và những chuyên gia mới có đủ tri thức và thông tin để sử dụng tốt công cụ này. Và chỉ ở thị trường chứng khoán phát triển, chứng khoán phái sinh mới được áp dụng và phát triển. Các chứng khoán phái sinh mới được áp dụng vào thị trường chứng khoán từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20, nhưng đến nay thị trừng chứng khoán phái sinh phát triển rất nhanh và đạt được nhiều thành công. Trong tương lai không xa thị trường chứng khoán phái sinh còn phát triển hơn nữa.Đó là quy luật tất yếu của thị trường.

Chứng khoán phái sinh đóng vai trò to lớn trong thị trường chứng khoán, cũng như trên thị trường tài chính. Chứng khoán phái sinh chủ yếu đảm bảo sự ổn định cho thị trường chứng khoán với chức năng phòng ngừa rủi ro và tăng khả năng sinh lời cho nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, việc sử dụng các chứng khoán phái sinh này cũng tạo ra sức ép từ phía các nhà đầu cơ.

Với phương thức rất sôi động giúp các nhà đầu cơ thao túng về giá chứng khoán gốc. Ví dụ như có sự công khai về một hợp đồng quyền chọn mua một loại chứng khoán nào đó với một lượng chứng khoán lớn và với giá cao vào thời gian tới, thì trên thị trường ngay lập tức xảy ra tình trạng “ăn theo “ tức các nhà đầu tư mua chứng khoán nhỏ lẻ đổ vào mua chứng khoán đó tại thời điểm hiện tại tăng lên khiến cho giá chứng khoán đó lập tức lên giá. Ngoài ra, nó còn làm cho thị trường sơ cấp hoạt động với hiệu quả không cao. Như vậy, các thị trường chứng khoán mới nổi không nên áp dụng chứng khoán phái sinh, nếu không sẽ tạo ra những biến động bất lợi về chứng khoán cơ sở năm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Còn với thị trường chứng khoán phát triển sự áp dụng chứng khoán phái sinh càng kích thích thị trường phát triển sôi động hơn

Ở Việt Nam vẫn chưa có thị trường chứng khoán phái sinh .Tuy nhiên, nếu xét về lợi ích cho nền kinh tế thì đầu tư CK giúp tạo ra thị rường vốn, tập trung những nguồn vốn nhỏ, ngắn hạn thành các nguồn vốn dài hạn để phát triển kinh tế.

Như vậy, ngoài việc minh bạch thông tin, tạo hành lang pháp lý rõ ràng... thì việc cung cấp cho họ những công cụ để tự bảo vệ mình là điều hết sức quan trọng. Với sự cần thiết như trên không có lý do gì để tiếp tục trì hoãn việc đưa những công cụ phái sinh vào thị trường vốn, tạo tính thanh khoản, sức hấp dẫn với các NĐT, góp phần xây dựng TTCK nói riêng, thị trường vốn nói chung phát triển bền vững

Tài liệu tham khảo

-          Bạch Đức Hiển (2008), Giáo trình thị trường chứng khoán, Nhà Xuất bản Tài chính

-          Nghị định 45/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

-          http://www.ssc.gov.vn/ubck/

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube