^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Kinh tế Việt Nam năm 2012 phát triển lạc quan

Nền kinh tế Việt Nam đã đi qua 11 tháng của năm 2012 và tín hiệu đáng mừng khi được các chuyên gia đánh giá cao bởi tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, lạm phát ở mức chấp nhận được và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng đáng kể.

Lạm phát cả năm dưới 2 chữ số

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng tăng ở mức tương đối thấp so với nhiều năm bình quân là 1 tháng tăng 0,31%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 8 năm trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2012 tăng 0,85% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức 2,2% của tháng 9. Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu vẫn do ảnh hưởng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và giáo dục, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,94% (riêng dịch vụ y tế tawng7,78%); nhóm giáo dục tăng 1,88%. Mức tăng cao của giá dịch vụ y tế tháng Mười góp phần làm chỉ số giá chung cả nước tăng khoảng 0,31%.

Điều này không quá đáng lo trong những tháng tiếp. Bởi lẽ, việc tăng giá lần này là theo lộ trình của chính phủ và nằm trong tầm kiểm soát. Những tháng tới sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không cao. Nếu 2 tháng cuối năm bình quân mỗi tháng tăng từ 1% trở xuống thì cả năm sẽ tăng ở mức 8%, đạt được mục tiêu đề ra. Và tỉ lệ này được các chuyên gia kinh tế đồng tình nhiều nhất.

Về lạm phát, ngân hàng ANZ cũng nhận định, áp lực giá cả từ nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đang giảm dần. Ngân hàng này dự báo, lạm phát sẽ chạm đáy trong quý 4 và sẽ ở mức 6-7% vào cuối năm nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà chính phủ đã đề ra hồi đầu năm, đó là giữ lạm phát dưới một con số.

          FDI tăng mạnh vào phía Nam

Con số trên 1,04 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong tháng 10 đã củng cố thêm những dự báo tích cực trước đó trong chuyển dịch thu hút vốn FDI. Dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì thế thượng phong, khi chiếm tới 65,5% tổng vốn cam kết. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ 2 với 1,8 tỷ USD, chủ yếu nhờ khoản đầu tư 1,2 tỷ USD của dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương vào đầu năm 2012. Trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất, Nhật Bản tiếp tục khẳng định vị trí số 1. Chỉ trong tháng 9, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có thêm 29 dự án, với tổng vốn gần 350 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Như vậy, với 203 dự án, tổng vốn đầu tư 4,67 tỷ USD, vốn từ Nhật Bản chiếm 50% vốn đầu tư vào Việt Nam trong tháng 9 của năm 2012.

20-12Kinhte

Xét về khu vực, dòng vốn FDI cho thấy đang đổ nhiều vào khu vực Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương. Không chỉ vốn FDI đăng ký tăng, mà vốn thực hiện tại các tỉnh phía Nam cũng tăng mạnh. Đặc biệt, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tổng số vốn đầu tư thực hiện trong 9 tháng đầu năm tại địa phương này đã tăng thêm 850 triệu USD, gấp 2 lần so với cũng kỳ năm 2011 và tăng 6,25% so với kế hoạch thực hiện năm 2012.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng song theo các chuyên gia kinh tế, không nên có sự chủ quan, đặc biệt là đối với vấn đề về lạm phát, bởi lẽ nhìn vào những năm trước, nền kinh tế vẫn diễn biến theo xu hướng lạm phát tăng mạnh về cuối năm. Do đó, hơn lúc nào hết cần thận trọng trong điều hành chính sách, có sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012. 

Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, một trong những giải pháp quan trọng từ nay đến cuối năm đó là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2012 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2012 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của năm 2012, tạo tiền đề phát triển cho năm 2013 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 ở mức khoảng 8%. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, hiệu quả; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh… Mong rằng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, trong những tháng còn lại của năm 2012, kinh tế sẽ tiếp tục phát triển ổn định./.

Tài liệu tham khảo:

Website: http://www.gso.gov.vn

Website: http://vietnamnet.vn

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube