Một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Quan niệm kinh tế tư nhân (KTTN) là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”  đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra từ Đại hội XII. Đặc biệt, sự ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đã tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực KTTN ở nước ta, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch nền kinh tế quốc dân theo hướng công nghiệp hóa, hiệnđại hóa.

Kinh tế tư nhân đang từng bước tăng về số lượng và đa dạng loại hình doanh nghiệp. Sách Trắng doanh nghiệp 2019 cho biết, tới 31/12/2018 cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỉ đồng vốn, chiếm 53% tổng vốn, chiếm 33,3% trong 876,7 nghìn tỉ đồng tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017, tạo việc làm cho 8,8 triệu lao động, đạt tổng doanh thu thuần là 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017. Đặc biệt, trong những năm qua, một làn sóng khởi nghiệp đã và đang diễn ra, đem lại một sức sống mới cho nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm).

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).

Kinh tế tư nhân đóng góp lớn trong GDP và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm. Thu NSNN từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh những thành tích đạt được, đa số các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (tỷ trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ đã tăng mạnh trong những năm gần đây), năng lực tài chính yếu kém nên năng lực cạnh tranh của các DNTN thường thấp hơn các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều DNTN còn kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ doanh nhân của khu vực tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, còn thiếu kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Năng lực công nghiệp của khu vực KTTN trên thực tế là rất nhỏ và yếu, mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển.Các DNTN phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, chỉ rất ít DNTN lớn vươn được ra thị trường nước ngoài ở một mức độ khiêm tốn.Số lượng DNTN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít.

Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta thời gian tớicần chú trọng một số vấn đề:

- Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

          Nhà nước cần bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô song song với việc nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, đô thị, cấp thoát nước, thuỷ lợi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường...

Nhà nước cần tăng cường nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho KTTN phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

- Có chính sách hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển, đổi mới khoa học công nghệ

Nhà nước nên có những ưu đãi về thuế và tín dụng đối với những doanh nghiệp vay vốn cho mục đích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ;

- Phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Đổi mới căn bản hệ thống giáo dục và đào tạo, trong đó gắn giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm cao.