^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG DỰ THẢO LUẬT CHỨNG KHOÁN SỬA ĐỔI

Luật chứng khoán được ban hành vào năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010, khi thị trường chứng khoán còn sơ khai, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, với sự phát triển của kinh tế nói chung, sự gia nhập của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế, và sự đổi mới của các bộ luật có liên quan, khiến Luật chứng khoán dần bộc lộ những bất cập, không phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Chính vì vậy, ban hành Luật chứng khoán sửa đổi là điều cần thiết.

So với Luật chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi chi tiết, cụ thể hơn, dễ hiểu phù hợp với tình hình kinh tế thực tiễn hơn. Sau đây là một số điểm mới trong dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi:

  1. Về mặt hình thức

Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều. So với luật hiện hành, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại”, để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

  1. Về nội dung
  2. Quy định về vốn điều lệ

- Đối với công ty chào bán cổ phiếu lần đầu: Dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là từ 30 tỷ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định hiện hành là 1 năm liền trước), đồng thời không có lỗ lũy kế.doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định hiện hành là 1 năm liền trước), đồng thời không có lỗ lũy kế.

- Đối với công ty chào bán trái phiếu: Dự thảo Luật nâng cao điều kiện về vốn điều lệ của doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 300 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

- Đối với công ty đại chúng: phải có vốn điều lệ từ 30 tỉ đồng trở lên (theo luật hiện hành, công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên)..

  1. Về đối tượng công bố thông tin

Điều 117, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; Nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng... 

  1. Về mô hình tổ chức sở hữu Sở giao dịch chứng khoán

Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) sẽ hợp nhất hai sở giao dịch thành một, hoạt động với mô hình doanh nghiệp đặc thù, không vì mục tiêu lợi nhuận, hình thức sở hữu là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán

  1. Mức phạt tiền xử lý vi phạm hành chính

Trong dự thảo Luật,  điều 132 bổ sung về mức xử phạt hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán:

- Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

- Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp hai (02) lần mức phạt tiền tối đa trong trường hợp vi phạm lần đầu và tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý như đình chỉ hoạt động đối với tổ chức, tước giấy phép hành nghề...

  1. Bổ sung thẩm quyền của UBCKNN về thanh tra, xử lý vi phạm

Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi UBCKNN có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm quy định...

  1. Điều kiện cấp phép cho công ty chứng khoán

Dự thảo Luật tách điều kiện cấp phép công ty chứng khoán thành 2 điều kiện khác nhau, cấp phép hoạt động công ty chứng khoán được thực hiện theo Luật Chứng khoán và đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời bổ sung quy định cụ thể về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán gồm: điều kiện về vốn, về cổ đông, thành lập góp vốn, cơ cấu cổ đông... 

Trên đây là một số điểm mới trong dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi), dự thảo Luật đã được UBCKNN đăng tải ngày 3/10/2018 nhằm lấy ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức, để hoàn thiện Luật, tháo gỡ những vướng mắc trong Luật hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh chung của nền kinh tế. Kỳ vọng đây sẽ là Luật hoàn thiện, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển linh hoạt, công bằng và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật chứng khoán số 70/2006/QH11, Quốc Hội ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006
  2. Dự thảo luật chứng khoán (sửa đổi)
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube