^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Công nghiêp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Hiện nay trên thế giới, ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc tham gia chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Với những quốc gia đang phát triển như nước ta, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một giải pháp quan trọng để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh,...  thông qua việc thực hiện thành công nội địa hóa các chi tiết sản phẩm, tạo điều kiện thay thế dần, tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu.


Xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Quyết định số 1556/QĐ-TTg  ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”; Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ….  Mục tiêu đề ra là đến 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; đến 2030 đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Với những chính sách ưu tiên của Chính phủ và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, trong những năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. Theo VCCI, năm 2016, nước ta có khoảng 1.383 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, đáp ứng khoảng 20 - 25% nhu cầu nội địa về CNHT, trong đó có khoảng 20% số doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu và 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu. Công nghiệp hỗ trợ đạt được sự phát triển mạnh trong các lĩnh vực sản xuất điện gia dụng, xe máy,may mặc

Trong ngành điện tử, điện máy đến nay, cả nước đã có trên 250 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất trong ngành điện tử, trong đó có 1/4 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử. Đặc biệt, ngành điện gia dụng đạt tỷ lệ nội địa hoá khá cao đến 70-80% và cũng đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật, Đài Loan đầu tư góp vốn liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam.

Trong ngành xe máy, Việt Nam hiện có trên 230 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp xe máy, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, khoảng 70 - 75%.

Trong ngành may mặc, Việt Nam hiện mạnh nhất trong khâu may, với tỷ lệ nội địa hóa khoảng trên 60%, còn các khâu sợi, dệt, nhuộm chưa đáp ứng được nhu cầu vì 80% vải nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu.  

Mặc dù đạt được những bước phát triển nhất định nhưng nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, còn manh mún, kém phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm còn thấp và xa so với mục tiêu đề ra. Điển hình như trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20- 25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu. Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn chậm phát triển xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

 Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực và công nghệ sản xuất. Các doanh nghiệp ở lĩnh vực CNHT, nhất là ở khâu chế tạo sản phẩm thiết bị mới, đang gặp khó khăn khi vừa thiếu nguồn nhân lực (đang có xu hướng dịch chuyển nhân công có tay nghề sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn rất ít và chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, tham gia ở công đoạn yêu cầu công nghệ giản đơn, có giá trị gia tăng thấp và có sự chênh lệch về năng lực đối với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Thứ hai, hoạch định chính sách đối với lĩnh vực CNHT chưa thực sự hiệu quả bởi chúng ta đang quan tâm CNHT theo chiều dọc, trong một số ngành nghề nhưng thực tế sản phẩm CNHT phát triển theo chiều ngang, phục vụ cho toàn nền kinh tế mới hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ thời gian qua đã có nhưng chưa thực sự hiệu quả. Điển hình như trong lĩnh vực hỗ trợ vốn, Việt Nam có tới 40 quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn này.

Trên đây là những nguyên nhân cơ bản khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, dẫn đến giá trị tạo ra trong nước của nhiều ngành rất thấp, kéo theo nhập khẩu nhiều. Trong khi đó, các lợi thế truyền thống mà Việt Nam từng dựa vào để thu hút đầu tư như mặt bằng, giá nhân công rẻ… nay không phát huy tác dụng và không còn là tiêu chí của các nhà đầu tư khi chọn lựa quốc gia, lựa chọn ngành đầu tư. Các nhà đầu tư chỉ nhắm đến những thị trường có thể đáp ứng tốt nhất cho việc sản xuất các sản phẩm của họ. Vì thế trình độ phát triển của công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng thu hút các nhà đầu tư. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Ngoài ra, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu là linh kiện phụ tùng, công nghiệp công nghệ cao và dệt may – da giày. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, Phát triển ngành CNHT  theo mô hình từ hạ nguồn hiện nay lên thượng nguồn, cơ bản tập trung vào cơ khí chế tạo chi tiết, sản xuất chi tiết, linh kiện điện tử, linh kiện đồ nhựa, sản phẩm hoá chất… nhằm đáp ứng cho nhiều ngành nghề, trong đó tạo điểm nhấn phát triển các sản phẩm có thương hiệu hầu tham gia được vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt cần nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cải thiện năng lực hoạt động, nỗ lực là một khâu hoặc mắt xích của của chuỗi liên kết, bắt kịp các xu hướng quản lý, sản xuất, quản lý, công nghệ. Cụ thể:

+ Xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của mình đang và sẽ đầu tư, điểm mạnh, điểm yếu, cũng như tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng và nhận thức đúng các cơ hội, rủi ro như lịch trình cắt giảm thuế quan, xu thế công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

+ Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và đầu tư phát triển công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tưngf bước nâng cao trình độ công nghệ sản xuất; Tận dụng cơ hội từ những dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT thông qua liên doanh, hợp tác để tiếp cậnchuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào CNHT:

+ Xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ, trước mắt tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ điện, nước...

+ Xây dựng chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, như miễn giảm thuế theo hướng miễn thuế nhập khẩu các loại máy móc thiết bị phục vụ CNPT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…

+ nh thành một quỹ hỗ trợ CNPT với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNPT.

+ Triển khai các dự án giúp đỡ doanh nghiệp CNHT tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, tìm kiếm đối tác quốc tế để nâng cao trình độ khoa học công nghệ.

 

TAI LIỆU THAM KHẢO

1. TS.Lê Xuân Sang, ThS.Nguyễn Thị Thu Huyền, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, Chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ: Lý luận, thực tiễn và định hướng cho Việt Nam.

2. Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).

3. Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

4.  Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”.

 

5. Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube