^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

KINH TẾ VIỆT NAM NHÌN TỪ 10 NĂM GIA NHẬP WTO

          WTO đã làm thay đổi diện mạo khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Sau 10 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thể hiện qua phát triển công nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu…  Từ đó bài viết làm rõ những vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới,  đề xuất một số khuyến nghị thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.


          Một số kết quả kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO.

          Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu phát triển của một quốc gia trong một thời kì nhất định. Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2016) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được chuỗi tăng trưởng kinh tế. Trong 10 năm nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%. Là thành tựu hết sức quan trọng, nếu xét trong điều kiện rất khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, sự biến động giá cả thế giới và khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.

 

          Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thay đổi mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO, riêng giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 5,88%/năm. Cụ thể nếu như năm 1995, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 289 USD thì đến năm 2015 con số này là 2.228 USD, dự kiến năm 2016 là 2.445 USD, cao gấp gần 8,5 lần so với năm 1995. Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với yêu cầu của sự phát triển. Tỷ lệ giữa kim ngạch xuất nhập khẩu  so với GDP của Việt Nam trong 10 năm qua tuy có suy giảm trong năm 2009, nhưng vẫn đạt ở mức khá cao, năm 2016 là 80,5%, thuộc loại cao so với tỷ lệ chung của thế giới, đứng thứ hạng khá cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Trong 2 năm liền trước và liền sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.

 

Bảng 1: Kim ngạch XK-NK hàng hóa và cán cân thương mại của Việt Nam, giai đoạn 2006-2016

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Cán cân TM (Tỷ USD)

Trị giá (Tỷ USD)

Tăng/giảm so năm trước (%)

Trị giá (Tỷ USD)

Tăng/giảm so năm trước (%)

2006

39,8

22,8

44,9

21,4

-5,1

2007

48,6

21,9

62,7

39,6

-14,1

2008

62,7

29,1

80,7

28,8

-18,0

2009

57,1

-8,9

70,0

-13,3

-12,9

2010

72,2

26,5

84,8

21,3

-12,6

2011

96,9

34,2

106,8

25,8

-9,8

2012

114.5

18,2

113,8

6,6

0,8

2013

132,0

15,3

132

16,0

0,0

2014

150,2

13,8

147,9

12,0

2,4

2015

162,0

7,9

165,6

12,0

-3,5

2016

176,6

9,0

174,1

5,2

2,5

Sản xuất nông nghiệp 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo sản xuất ổn định. Năm 2016 ngành này chỉ tăng trưởng 1,36%, trong khi giai đoạn 2001 - 2006 tăng 4%/năm. Năm 2015, sản lượng lúa đã đạt ở mức cao, khoảng 44,75 triệu tấn, năm 2016 dự kiến đạt 44,5 triệu tấn. Giai đoạn 2007 – 2014, khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp bình quân 11% vào tăng trưởng GDP. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GDP lần lượt là 40% và 49%, thể hiện tác động tích cực của dòng vốn FDI và mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Đáng lưu ý, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO, trong khi các mặt hàng lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chế biến đồ gỗ và thủy sản có lợi thế cao, có khả năng cạnh tranh và có cơ hội mở rộng thị trường. Ngành hàng rau quả và sản xuất muối, chăn nuôi, mía đường, bông được nhận định là ít có lợi thế, khả năng cạnh tranh yếu và bị tác động mạnh.

            Khu vực sản xuất công nghiệp thường có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhưng từ giai đoạn 2007-2011 chịu ảnh hưởng lớn của tăng giá đầu vào. Các ngành sản xuất công nghiệp chế biến phục vụ thị trường trong nước thì chịu sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu do cắt giảm thuế theo lộ trình. Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp gặp khó do nhu cầu nhập khẩu suy giảm mạnh và xu hướng bảo hộ gia tăng. Năm 2015 sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, chỉ số phát triển công nghiệp 2015 tăng khoảng 10%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh. Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp đã chuyển dần theo hướng tích cực. Công nghiệp khai khoáng giảm từ 37,1% năm 2011 xuống 33,1% năm 2015; công nghiệp  chế biến, chế tạo tăng từ 50,1% năm 2011 lên 51,5% năm 2015.

            Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp 21,7% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014, cao hơn so với trước năm 2007 (năm 2005: 14,9%; năm 2006: 16,2%). Đặc biệt giai đoạn 2007-2009 là giai đoạn bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài; sau đó giảm từ năm 2009 đến năm 2011; tăng từ năm 2012 và năm 2014 ở mức 21,9 tỷ USD.Đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng mạnh từ năm 2007 nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh; năm 2014, xuất khẩu đạt 93,96 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu là 9,74 tỷ USD và tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp. Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cần quan tâm khi các DN chủ yếu là gia công chế biến. Tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Ngoài ra, hoạt động chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại đang diễn ra trong một số doanh nghiệp FDI. DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn tự phát. Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được mở rộng sang các nước Angieri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ… bên cạnh thị trường truyền thống. DN tập trung đầu tư vào các ngành thế mạnh, như khai khoáng; nông, lâm, ngư nghiệp, viễn thông. Năm 2014, số dự án của nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân chiếm 88,5% tổng số dự án. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn mang tính tự phát của các nhà đầu tư; một số dự án đầu tư không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn; gặp khó khăn về tiến độ và nguồn lực. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2014 đạt 1.121 nghìn tỷ đồng, gấp 2,27 lần so với mức của năm 2007. Mức vốn hóa bình quân năm giai đoạn 2007-2014 là 994 nghìn tỷ đồng, gấp 4,19 lần so với mức bình quân năm giai đoạn 2001-2006. Đối với thị trường tiền tệ, Việt Nam đã từng bước áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel, tỷ lệ đủ vốn tối thiểu CAR năm 2012 của cả hệ thống đạt 13,7% cao hơn quy định (9%). Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2007 đến nay cho thấy sự quan ngại về chất lượng tín dụng khi nợ xấu ngân hàng tăng, giảm qua các năm: năm 2007: 1,5%, năm 2008: 2,17%, năm 2009: 2,05%, năm 2010: 2,16%, năm 2011: 3,07%, năm 2012: 4,08%, năm 2013: 3,61%, năm 2014: 3,25%.

Với thị trường bảo hiểm, đã có 26 DN bảo hiểm có vốn FDI và nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Tuy nhiên, quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ so với các nước trong khu vực, bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển mới dừng ở mức thí điểm.

Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, trong 10 năm qua mặc dù 2 năm 2008, 2009 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn đạt mức bình quân là 6,75%, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,27%. Doanh thu du lịch đạt mức cao khoảng 240 nghìn tỷ đồng năm 2015, dự kiến đạt 260 nghìn tỷ đồng năm 2016. Các sản phẩm dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng với chất lượng được cải thiện hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, trong lĩnh vực dịch vụ cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng dịch vụ vẫn còn thấp là những khó khăn tồn tại lớn hiện nay.

            Một số hạn chế và những vấn đề đặt ra

            Trong giai đoạn 2007-2016, Việt Nam luôn duy trì được mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,29%/năm nhưng để đạt được mức tăng trưởng  đó, tổng đầu tư cho phát triển luôn ở mức cao (30,0%-46,5%), cao hơn nhiều so với các nước khác. Điều này chứng tỏ hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực.

            Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam còn thấp, đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế. Năm 2011, năng suất lao động bình quân của Việt Nam theo giá thực tế mới đạt khoảng 2.400 USD/người, thấp hơn nhiều so với mức năng suất lao động năm 2005 của nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, con số lần lượt tương ứng lần lượt là Indonesia 2.650USD, Hàn Quốc 33.237USD, Malayxia 12.571USD… Năm 2012 năng suất lao động xã hội (GDP/LĐ) giá hiện hành đạt 63,11 triệu đồng, năm 2013: 68,65 triệu, năm 2014: 74,66 triệu và năm 2015 đạt khoảng 83,81 triệu đồng, còn thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực.

            Trong công nghiệp, ngành khai thác, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, việc sử dụng  công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn rất thấp làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu hàng háo của Việt Nam đạt tỷ trọng giá trị gia tăng thấp.

            Nông nghiệp tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng tỷ lệ hàng nông sản qua chế biến còn thấp; đặc biệt nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu đến 80% dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh của hàng nông sản VN trên thị trường. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp còn chậm, chuỗi cung ứng sản phẩm nong nghiệp còn nhiều bất cập.

            Sau 10 năm gia nhập WTO, mức thâm hụt thương mại VN tuy được cải thiện nhưng tỷ trọng của thâm hụt thương mại trên GDP và trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn cao. Điều này chứng tỏ, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào VN ngày càng nhiều, trong khi VN lại chưa tận dụng tốt cơ hội từ WTO mang lại.

            Tóm lại, sau 10 năm hội nhập WTO, nền kinh tế VN có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này  chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến hiệu quả thấp, tăng trưởng kinh tế phát triển thiếu bền vững, nhiều vấn đề xã hội, môi trường chưa được giải quyết hiệu quả. Vì vậy, cần phải có những cải cách đột phá, tập trung vào một số vấn đề sau:

            Thứ nhất, tiếp tục cải cách hành chính triệt để, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, làm minh bạch và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

            Thứ hai, sớm xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó, vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các DN, các loại dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao và phát triển logistics xanh, nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ hội nhập.

Thứ ba, cùng với việc đổi mới thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cần có các biện pháp để chuyển dần từ gia công sang sản xuất, xuất khẩu, giảm và tiến tới hạn chế mức thấp nhất xuất khẩu sản phẩm thô, khoáng sản; tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

            Thứ tư, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ (1-2%GDP) để VN sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị cao cho xuất khẩu của Việt Nam.

           

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ công thương (2015), báo cáo tổng kế tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai năm 2016 của ngành Công Thương.

 

2. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016, số 526/BC-CP 17/10/2015

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube