^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Nâng cao chất lượng tăng trưởng Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020

 

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2001 đến nay đạt nhiều thành tựu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thường xuyên duy trì mức cao và ổn định trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất và tỷ giá được kiểm soát nhằm hỗ trợ tốt cho mục tiêu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế  còn nhiều hạn chế khi so sánh với các nước trong khu vực. Phần lớn thành tựu tăng trưởng kinh tế dựa vào quy mô các yếu tố đầu vào. Đóng góp của các nhân tố nguồn lực đóng vao trò quyết định đến tốc độ tăng trưởng, trong khi yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) chậm được cải thiện, thậm chí có xu hướng suy giảm. Điều đó đặt ra  yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư công, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho đào tạo nghề để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

 

1. Mô hình tăng trưởng kinh tế định hướng đầu vào

Tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu vào có thể hiểu là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào sự gia tăng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất mà ít dựa vào việc gia tăng năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Xét trên phương diện tổng hợp, trong mô hình tăng trưởng theo đầu vào, yếu tố quyết định khả năng tăng trưởng là số lượng vốn đầu tư, số lượng lao động và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) mà chủ yếu là tiến bộ công nghệ, kỹ thuật, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào.

Mô hình TTKT theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất chỉ bằng tăng các yếu tố đầu vào: vốn, lao động và tiêu hao vật chất mà không kèm theo tiến bộ công nghệ. Tăng trưởng theo chiều rộng là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất, nó nhanh chóng khai thác được các nguồn tự nhiên, thu hẹp nạn thất nghiệp,... Nhưng mô hình này dẫn đến sự trì trệ và về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nhịp độ tăng năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, cạn kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, chất lượng của từng sản phẩm nói riêng và cả nền sản xuất nói chung ngày càng kém đi.

Mô hình TTKT theo chiều sâu có đặc trưng chủ yếu là nâng cao năng suất và hiệu quả của tất cả các yếu tố tăng trưởng truyền thống trên cơ sở tiến bộ kỹ thuật, còn được gọi là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP - Total Factor Productivity). Mô hình TTKT theo chiều sâu có đặc điểm chính là: Tiến bộ khoa học kỹ thuật đóng vai trò chính trong quá trình tăng trưởng; không chỉ tăng tổng khối lượng mà còn tăng cả chất lượng sản phẩm; giảm chi phí lao động và tư liệu sản xuất tính trên một đơn vị thu nhập quốc dân, giảm giá trị một đơn vị sản phẩm. Trong tổng khối lượng sản xuất, tỷ trọng của các ngành có hàm lượng khoa học cao tăng lên; tỷ trọng sản phẩm trung gian giảm và tỷ trọng sản phẩm cuối cùng đi vào tiêu dùng tăng lên tương ứng, do vậy mà nâng cao được hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sống của dân cư.

Tăng trưởng kinh tế được tính là thuộc mô hình này hay mô hình kia phụ thuộc vào mức độ đóng góp của các yếu tố sản xuất vào tổng mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Trong TTKT chủ yếu theo chiều rộng, sự tăng đơn thuần khối lượng các yếu tố sản xuất (lao động, vốn) tạo ra trên 50% tổng số sản phẩm tăng thêm. Còn trong mô hình TTKT chủ yếu theo chiều sâu thì trên 50% tổng số sản phẩm tăng thêm là do TFP mang lại.

2. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 2001 đến nay

2.1. Thành tựu tăng trưởng kinh tế Việt Nam

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng rất cao. Tính tổng quan trong 10 năm (2005 đến 2015), GDP bình quân đầu người tăng khoảng 3,5 lần, xếp thứ hạng 16 trên thế giới về tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Tính đến nay, thời gian tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam đã đạt 29 năm, vượt kỷ lục 23 năm của Hàn Quốc.

Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2001-2015

Giai đoạn

2001-2005

2006-2010

2011-2015

Tăng trưởng chung (%)

6.9

6.32

5.91

Nông, lâm, thủy sản (%)

3.9

3.53

3.05

Công nghiệp, xây dựng (%)

8.7

6.38

6.92

Dịch vụ (%)

7.0

7.64

6.32

Nguồn: Tính toán từ Số liệu Tổng cục Thống kê

Cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế Việt Nam cũng dần chuyển dịch theo hướng hiện đại, hợp lý. Tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp trong tổng GDP giảm, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ tăng làm thay đổi đáng kể hoạt động kinh tế quốc gia và bộ mặt kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyenr cơ cấu kinh tế chậm và chưa bắt kịp đà tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Bảng 2: Cơ cấu GDP Việt Nam theo lĩnh vực kinh tế giai đoạn 2011-2015

Năm

Tỷ trọng trong GDP chung (%)

Nông lâm thủy sản

Công nghiệp xây dựng

Dịch vụ

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

2011

19,57

33,24

36,74

11,46

2012

19,22

33,55

37,27

9,95

2013

17,96

33,2

38,74

10,11

2014

17,7

33,22

39,04

10,05

2015

17

33,25

39,04

10,05

Nguồn: Tính toán từ Số liệu Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng kinh tế cao và liên tục của Việt Nam tạo tiền đề vật chất để nâng cao chất lượng tăng trưởng và thực hiện các chính sách xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình sản xuất kinh doanh tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông nghiệp nông thôn nhàn rỗi. Thu nhập theo đầu người ngày càng tăng. Bình quân giai đoạn 2007-2015, thu nhập bình quân đầu người tăng 15,2%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực, GDP bình quân đầu người của Việt Nam  thấp hơn hầu hết các nước khác, chỉ đứng trên Lào, Campuchia.

2.2. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2001 đến nay

Qua từng thời kỳ, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi theo xu hướng phát triển chung của thế giới, nhưng nhìn chung, nếu xét theo yếu tố đầu vào, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 2001 đến nay vẫn chủ yếu nghiêng về chiều rộng hơn là chiều sâu, nghĩa là tỷ trọng đóng góp của 2 nhân tố vốn và lao động gấp nhiều lần tác động của khoa học - công nghệ tới tăng trưởng. Mức đóng góp của TFP có tăng lên nhưng vẫn rất chậm và thấp so với nhiều nước trong khu vực cùng thời kỳ phát triển. Điều đó muốn ám chỉ nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là thâm dụng nguồn lực, chất lượng tăng trưởng thấp.

Bảng 3: Đóng góp của các nhân tố tới tăng trưởng kinh tế, 2001-2015 (%)

Yếu tố tăng trưởng

Tỷ lệ đóng góp của các yếu tố vào tăng GDP

2001-2005

2006-2010

2011-2015

 1. Vốn

65,76

79,67

53,42

 2. Lao động

17,23

26,06

16,25

 3. Năng suất các nhân tố tổng hợp

17,01

-5,73

30,33

(Nguồn: Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam (2016), Năng suất lao động Việt Nam2015 – những con số nổi bật)

[

Một xu hướng phổ biến của xu hướng tăng trưởng theo chiều rộng là tổng mức đóng góp của vốn và lao động trong cả 3 giai đoạn đều chiếm trên 50% tổng GDP. Đáng chú ý, tỷ lệ đóng góp của nhân tố năng suất các nhân tố tổng hợp TFP giai đoạn 2006-2010 là con số âm, điều đó cho thấy năng suất và hiệu quả sử dụng các yếu tố nguồn lực trong nền kinh tế giai đoạn nói trên có xu hướng sút giảm mạnh mẽ. Bước sang giai đoạn 2011-2015, cùng với các nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất các nhân tố tổng hợp tăng lên và đóng góp bình quân trên 30% vào GDP mỗi năm.

Về yếu tố vốn đầu tư

Từ những năm 2000, Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, tổng đầu tư toàn xã hội liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên đến 41,9% năm 2010, bình quân cho cả giai đoạn 2001- 2010 là xấp xỉ 41%, so với 30,7% trong giai đoạn 1991 – 2000, thuộc loại cao nhất khu vực Đông và Đông Nam Á.

Bước sang giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có những biến chuyển. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh) năm 2015 đã giảm so với năm 2014 (4,88 lần so với 5,18 lần) và thấp nhất hàng chục năm qua. Lượng vốn tăng khá, tỷ lệ vốn/GDP cao lên, đặc biệt là hiệu quả đầu tư được cải thiện, đã góp phần làm cho tốc độ tăng GDP năm 2015 đạt 6,68%, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra. Đồng thời, chỉ số lạm phát được kiểm soát một cách rất thành công, chỉ số giá tiêu dùng CPI duy trì mức thấp nhất trong 14 năm qua và thấp xa so với mục tiêu (0,6% so với 5%).

Bảng 4: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư/GDP giai đoạn 1986–2015

Giai đoạn

Tăng trưởng GDP (%)

Vốn đầu tư/GDP

1991-1995

8,21

28,2

1996-2000

7,00

33,3

2001-2005

7,49

39,1

2006-2010

6,32

42,7

2011-2015

5,62

33

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về cơ cấu nguồn vốn, tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt được ở cả 3 nguồn (nguồn vốn khu vực nhà nước, nguồn vốn ngoài nhà nước, nguồn vốn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước vẫn ở mức cao (bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 39,1%). Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước tăng khá cao (13%), cao hơn tốc độ tăng chung, nên đã vượt lên chiếm tỷ trọng cao nhất (38,7%) trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội.

Duy trì tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao phản ánh nỗ lực tái đầu tư và thu hút vốn cho đầu tư tăng trưởng, tuy nhiên tỷ lệ trên quá cao phản ánh rằng nền kinh tế quốc gia phụ thuộc nặng nền vào vốn đầu tư và đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, thiếu vốn cho đầu tư phát triển

Việc quá thâm dụng vốn đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng, trong khi đầu tư vốn của nhà nước chiếm khoảng 39% tạo ra áp lực vay vốn từ nước ngoài và tình trạng nợ công.  Nguồn vốn của dân cư và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn chiếm tỷ trọng thấp, chủ trương xã hội hóa triển khai thực hiện còn rất chậm, vốn nằm trong dân chủ yếu vẫn không dùng để đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù có dấu hiệu khởi sắc những vẫn chưa đạt được mức năm 1996, 1997 về tỷ trọng chiếm trong tổng vốn đầu tư xã hội.  Năm 1997, FDI chiếm 28% tổng đầu tư xã hội trong khi năm giai đoạn 2001-2005 chỉ còn 15 – 16% và  giai đoạn 2006-2010 là 21%.

Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn thấp

So với các quốc gia trong khu vực, năng suất biên của vốn ở Việt Nam thấp hơn nhiều cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội là thấp. Chỉ số ICOR ở mức cao và có xu hướng tăng là chỉ số đáng báo động cho chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hạn chế về khả năng tái đầu tư. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp, một phần là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thời gian thu hồi vốn và phát huy tác dung chậm, một phần là thiếu cơ chế giám sát vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Giai đoạn 2006-2010, hệ số ICOR Việt Nam là 6,96. Có nghĩa là để kinh tế tăng trưởng 1%, mức gia tăng khối lượng vốn đầu tư phải duy trì đạt khoảng 6,96%. Chỉ số này giai đoạn 2011-2015 giảm xuống ở mức 6,91 phản ánh tính cải thiện, mặc dù chưa đáng kể, về hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, so với các quốc gia phát triển, chỉ số này thường trong khoảng 3,5-4. Như vậy, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thông qua việc quy hoạch bố trí nguồn vốn hợp lý cho các mục tiêu phát triển, có cơ chế quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư ngân sách. Bố trí ngân sách đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ để nâng cao tiềm lực khoa học và khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất là giải pháp then chốt nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng suất các nhân tố tổng hợp.

Về yếu tố lao động

Lao động là yếu tố dồi dào nhất của Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam có quy mô dân số trên 90 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, thứ 7 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, Việt Nam có khoảng 52.207.000 người; hàng năm trung bình có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực (Nhật Bản, Thái Lan, Xinh-ga-po, Trung Quốc,..), lực lượng lao động còn tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng.

 Năm 2015, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 17,9%, trong đó ở thành thị là 33,7%, gấp 3 lần tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 11,2%, phân theo giới tính tỷ lệ này là 20,3% đối với nam và 15,4% đối với nữ.

Tỷ lệ nhân lực được đào tạo trình độ cao (từ đại học trở lên) trong tổng số lao động qua đào tạo ngày càng tăng (năm 2010 là 5,7%, năm 2012 là 6,4%, sơ bộ năm 2013 là 6,9% ). Nhờ đó, lực lượng lao động đã được thu hút vào làm việc trong nền kinh tế là khá cao. Theo báo cáo của Chính phủ năm 2015, nền kinh tế đã tạo ra khoảng 1,58-1,6 triệu việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp là 2,18% (trong đó thành thị là 3,59%, nông thôn là 1,54%), tỷ lệ thiếu việc làm là 2,75% (trong đó thành thị là 1,48%, nông thôn là 3,31%). 

Năng suất lao động có xu hướng ngày càng tăng. Theo cách tính năng suất lao động đo bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá hiện hành chia cho tổng số người làm việc bình quân trong 01 năm, năng suất lao động năm 2005 là 21,4 triệu đồng/người, năm 2010 là 44,0 triệu đồng/người, năm 2012 là 63,1 triệu đồng/người, sơ bộ năm 2013 là 68,7 triệu đồng/người. Năng suất lao động năm 2015 theo giá thực tế ước tính đạt 79,3 triệu đồng/người. Tính bình quân giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động tăng bình quân 4,33%/năm.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực nước ta vẫn còn một số hạn chế sau:

Chất lượng lao động còn thấp

Mặc dù số lượng lao động dồi dào nhưng khả năng của lực lượng lao động trong việc đáp ứng các yêu cầu công việc, tiếp thu khoa học công nghệ và hội nhập còn hạn chế. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu cân đối giữa nhu cầu lao động và thực tế hoạt động đào tạo các ngành nghề. Do đó, tình trạng dư thừa về số lượng nhưng yếu về chất lượng lao động ở các lĩnh vực sản xuất truyền thống là phổ biến trong khi các ngành công nghệ cao khó tìm kiếm lao động phù hợp với vị trí công việc. Điều này đặt ra yêu cầu đối với việc đổi mới công tác dự báo nhu cầu nhân lực và cải cách hệ thống cơ sở đào tạo.

Năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Việt Nam vẫn là quốc gia có năng suất lao động thấp trong khu vực Đông Nam Á. Bình quân giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam đạt 3.45% và giai đoạn 2011-2015 là 3.68%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều đó càng thể hiện rằng việc gia tăng quy mô nền kinh tế chủ yếu xuất phát từ gia tăng nguồn lực. Tỷ lệ đóng góp của yếu tố này khoảng từ trên 20% đến 30%, thậm chí 40%, trong khi đó ở Việt Nam lao động đóng góp dưới 20% vào tăng trưởng kinh tế.

Về nhân tố năng suất lao động tổng hợp

Đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng chiếm tỷ lệ thấp và lại có xu hướng giảm sút nhanh trong giai đoạn 2001- 2010. Bình quân giai đoạn 2001-2005, TFP đóng góp khoảng 17,01% vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2006-2010 đóng góp của yếu tố này giảm xuống ở mức âm chứng tỏ hiệu quả sử dụng năng suất tổng hợp các yếu tố nguồn lực giảm sút đáng báo động, nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lực. Bước sang giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP đã tăng mạnh lên mức 25,82% nhưng nhìn chung đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn nhiều mức 35 – 40% của một số nước trong khu vực (Trung Quốc là 37,49%, của Malaysia là 40,74%, của Hàn Quốc là 47,54%).  Điều này đã phản ánh tính chất lạc hậu về công nghệ kỹ thuật và hiệu quả của tăng trưởng ngày càng thấp. Nguyên nhân là do:

Thứ  nhất, Trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam thấp.

Trình độ công nghệ nhưng đến nay việc sử dụng công nghệ ở ta vẫn vô cùng lạc hậu, vào loại thấp nhất khu vực. Do đó, năng suất, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở mức thấp. Hầu hết DN Việt Nam sử dụng công nghệ tụt hậu so với thế giới từ 2 đến 3 thế hệ.  Tỷ trọng doanh nghiệp có công nghệ cao của Việt Nam mới đạt khoảng 20,6%, thấp xa so với  con số 73% của Singapore. Các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD/1 dự án). Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động như dệt, may, ít có các dự án đầu tư công nghệ cao và đầu tư nghiên cứu phát triển.

Thứ hai, hoạt động chuyển giao công nghệ kém hiệu quả.

Hoạt động chuyển giao công nghệ thời gian qua được thưc  hiện chủ yếu qua thu hút FDI. Do trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của doanh nghiệp trong nước, và sự thiếu liên kết (cả xuôi và ngược) giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được xem là những rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam. Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị thông thường chỉ với vai trò gia công. Do đó giá trị gia tăng thu được ít và khó có khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại.

Thứ ba, công tác  nghiên cứu và triển khai trong nước (R&D)  hạn chế.

Mặc dù số lượng các tổ chức khoa học công nghệ tăng lên đáng kể, nhưng chất lượng hoạt động và năng lực sáng tạo công nghệ của các tổ chức này còn thấp. Một sô các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ, mặc dù được đánh giá có khả năng ứng dụng cao nhưng thiếu cơ chế thu hút vốn đầu tư và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất làm giảm động lực nghiên cứu của các nhà khoa học.

 

3. Giải pháp tái cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào của Việt Nam trong thời gian tới

3.1. Tái cấu trúc đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

- Về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư vốn từ thành phần kinh tế tư nhân, giảm dần tỷ trọng đầu tư vốn Nhà nước. Vốn đầu tư nhà nước chỉ nên tập trung vào các công trình công cộng có quy mô lớn, tốc độ thu hồi chậm. Tổ chức lại hoạt động của hệ thống kinh tế nhà nước, rút bớt vốn nhà nước ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ít sinh lợi. Khuyến khích đầu tư các thành phần kinh tế khác  bằng cách giảm tỷ lệ huy động GDP vào NSNN xuống khoảng 15% - 16%.

- Về tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn đầu tư:

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành sản xuất kinh doanh công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn. Hạn chế việc đầu tư vào các ngành dịch vụ giải trí mặc dù lợi nhuận cao nhưng không tạo ra sản phẩm vật chất. Tập trung vốn đầu tư vào các vùng động lực gồm Đồng bằng Sông Hồng, Khu kinh tế Vũng Áng và các khu công nghiệp tập trung phía nam.

3.2. Đầu tư cho phát triển con người

            - Chính phủ cần thành lập đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ dự báo nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế để có quy hoạch phát triển giáo dục, đào tạo.

- Tăng cường đầu tư cho phát triển giáo dục – đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề - công nghệ cao phục vụ sự phát triển của các ngành công nghiệp. Trên cơ sở đặc điểm kinh tế- xã hội địa phương, các địa phương cần quy hoạch và đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề, trước hết phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các cơ sở sử dụng nhân lực để nhà trường và doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình hướng đến mục tiêu đáp ứng chuẩn nghề nghiệp.

3.3. Nâng cao năng suất  các nhân tố tổng hợp

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Phát huy tối đa vai trò của các trường đại học thuộc khối kỹ thuật, các trung tâm nghiên cứu trong việc nghiên cứu phát triển. Hàng năm, giao chỉ tiêu nghiên cứu sáng tạo và khuyến khích hợp đồng nghiên cứu giữa trường đại học và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Nâng cao hệ số đổi mới và làm chậm quá trình hao mòn thực máy móc và thiết bị. Ngoài ra, đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các nguồn lực không tái sinh, không được khai thác bừa bãi, mà phải đảm bảo tính cân đối trong sử dụng, đồng thời cần ứng dụng những công nghệ thăm dò và khai thác tiên tiến, thực thi các biện pháp mạnh mẽ nhằm giảm mức độ tiêu hao nguyên vật liệu trong sản xuất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-trung-uong/12170-nang-suat-lao-dong-viet-nam-2015-nhung-con-so-noi-bat.html

2.      http://dangcongsan.vn/ GS.TS Chu Văn Cấp, 10/2015, Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo tinh thần Đại hội XI của Đảng.

3.      http://www.mofahcm.gov.vn/, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững tại Việt Nam.

4.      http://www.mofahcm.gov.vn/, Nguyễn Đình Cung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam

5.      http://www.sav.gov.vn/, Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so sánh với các nước trong khu vực - lý luận và thực tiễn.

6.      Nguyễn Ngọc Thạch (2014), Bàn về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 02/2014.

7.      Số liệu của Tổng cục thống kê qua các năm.

 

Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube