^Back To Top
foto1 foto2 foto3 foto4 foto5

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương cơ hội và thách thức với nền kinh tế Việt Nam

Khi hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ tác động thế nào đến Việt Nam. Bài viết sẽ tìm hiểu khái quát Hiệp định CPTPP, đồng thời chỉ ra một số cơ hội cũng như những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để phát triển nền kinh tế.

Từ khóa: Hiệp định, CPTPP, Việt Nam, cơ hội, thách thức

  1. Khái quát về Hiệp định CPTPP

Hiệp định CPTPP - Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership. Đây là Hiệp định tiếp nối của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương  (TPP), sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP. Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 08/03/2018, với sự tham gia của 11 quốc gia thành viên: Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile, Peru, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Thời điểm có hiệu lực

Theo quy định tại văn kiện Hiệp định CPTPP thì Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có ít nhất 06 thành viên hoặc một nửa số thành viên Hiệp định (tùy số nào ít hơn) thông báo cho Cơ quan Lưu chiểu (New Zealand) về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý. Đối với các nước không thuộc nhóm đề cập ở trên, CPTPP sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày để từ ngày nước đó thông báo với New Zealand về việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ của mình.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục gồm Mexico, Nhật Bản, Singapor, New Zealand, Canada và Australia. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực đối từ ngày 14/01/2019.

Nội dung chính của hiệp định

Văn kiện CPTPP gồm 30 Chương, bao trùm rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề thương mại truyền thống (hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…), đến các vấn đề thương mại chưa hoặc ít được đề cập trong các Hiệp định thương mại tự do - FTA (mua sắm công, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước…), và cả các vấn đề khác có liên quan đến thương mại (lao động, môi trường…).

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, CPTPP có 2 điểm khác biệt so với TPP: (1) 20 điều khoản nghĩa vụ đã bị tạm hoãn lại (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng,); (2) tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt các quy định thông qua bổ sung các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập” và “rà soát lại” hiệp định.

Rút khỏi hoặc gia nhập CPTPP

Về việc kết nạp thêm thành viên mới: CPTPP cho phép bất kỳ quốc gia hoặc khu vực lãnh thổ thuế quan nào có thể gia nhập Hiệp định, với điều kiện là thỏa thuận được về điều kiện và cách thức với tất cả các thành viên của CPTPP.

Về việc rút khỏi Hiệp định: nếu một nước Thành viên muốn rút khỏi Hiệp định phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu (New Zealand), đồng thời thông báo cho tất cả các thành viên khác của Hiệp định về việc rút khỏi. Việc rút khỏi sẽ có hiệu lực sau 06 tháng kể từ ngày gửi thông báo đến New Zealand, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Một vài số liệu thống kê về các nước CPTPP

  1. Đánh giá về cơ hội và thách thức khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực

Cơ hội đối với Việt Nam

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

CPTPP giúp Việt Nam tăng thêm hơn 1,1% GDP vào năm 2030 (có thể lên tới 3,5% GDP nếu có kích thích tăng năng suất).

Ngoài ra, Việt Nam còn được tiếp cận những thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn (Với CPTPP, mức thuế xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm từ 1,7% xuống 0,2%) và những thị trường mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại, như Canada, Mexico, Chile và Peru. Hiệp định sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

CPTPP giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Việc ký kết CPTPP với lộ trình giảm thuế xuất khẩu xuống còn 0% - 5% giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả sản phẩm.

CPTPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận công nghệ hiện đại.

CPTPP sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, đầu tư nước ngoài sẽ nhiều hơn, dẫn tới việc xây mới hoặc thuê các khu công nghiệp để phục vụ sản xuất. Nhờ sự vận động này, nhóm doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng sẽ có đà phát triển trong trung và dài hạn. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam giúp thay đổi ngành công nghiệp hỗ trợ và Việt Nam sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI ngành công nghiệp hỗ trợ chứ không đơn thuần là lắp ráp. Tăng trưởng đầu tư nước ngoài kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng nhiều ngành sản xuất trong nước.

Góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo thêm nhiều việc làm.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra khoảng 17.000 - 27.000 việc làm từ năm 2020. Tham gia CPTPP không chỉ tạo thêm số lượng việc làm mà còn hứa hẹn sẽ đem lại điều kiện làm việc, mức lương tốt hơn cho người lao động. Tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế.

Bên cạnh việc tận dụng cơ hội CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, CPTPP còn tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế để mở rộng thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP.

Một số thách thức đối với Việt Nam

Bên cạnh những thuận lợi, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam:

Áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Các doanh nghiệp nước ngoài, với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu sẽ nhanh hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, do tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam yếu, sự liên kết với nhau kém nên sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn. Việc phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường nội địaDo khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trong nước cũng vì thế gia tăng.

Thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.

Hiệp định đòi hỏi Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động... , chủ động và linh hoạt trong cải cách thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng.

 

Thách thức đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của FTA thế hệ mới.

CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ, do vậy, tham gia Hiệp định này không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao...

Thách thức về giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ làm giảm nguồn thu của nhà nước.

Thách thức về ổn định lao động - xã hội.

Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do cơ cấu xuất, nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên tác động này có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

  1. Kết luận

Tham gia CPTPP sẽ tạo cơ hội như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo thêm nhiều việc làm, tạo động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế.  Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam như áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, hoàn thiện khung khổ pháp luật thể chế, thách thức đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của FTA thế hệ mới, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, thách thức về ổn định lao động - xã hội. Do vậy, Việt Nam phải tận dụng tốt các cơ hội để đạt được sự thành công trong hội nhập quốc tế và thực hiện có hiệu quả lợi ích gia nhập CPTPP.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chuyên đề: Hiệp định CPTTP: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam – Tạp chí Tài chính (tapchitaichinh.vn) tháng 3/2018
  2. CPTPP và tác động của nó đến xuất nhập khẩu, Tạp chí Cộng sản (tháng 4/2018)
  3. https://theleader.vn/world-bank-danh-gia-chi-tiet-tac-dong-cua-hiep-dinh-cptpp-den-kinh-te-viet-nam-20180309133945501.htm
  4. Ngân hàng Bưu điện Việt Nam, Ðánh giá những tác động của CPTTP đến một số ngành kinh tế của Việt Nam (tháng 4/2018)
  5. World Bank,Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam (05/3/2018).
Copyright © 2013. Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh Rights Reserved.


Facebook twitter youtube